Tài chính

Viglacera tăng trưởng nhờ mảng khu công nghiệp, Thiên Long đẩy mạnh tự động hóa

(VNF) – Theo báo cáo mới nhất từ các công ty chứng khoán, Viglacera sẽ tăng trưởng đáng kể nhờ mảng khu công nghiệp và kính xây dựng trong năm 2017, cụ thể, doanh thu ước tính đạt 897 tỷ đồng, tăng 255%. Trong khi đó, Thiên Long đang đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ sản xuất với tỷ lệ tự động hóa đạt 70,3% vào năm 2016.

Viglacera tăng trưởng nhờ mảng khu công nghiệp, Thiên Long đẩy mạnh tự động hóa

SSI dự báo, năm 2017, doanh thu của Viglacera đạt 897 tỷ đồng, tăng 255% với biên lợi nhận gộp ổn định ở mức 42%.

Viglacera – doanh thu từ cho thuê khu công nghiệp tăng 230%

Báo cáo mới nhất từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, trong năm 2017, Tổng công ty Viglacera (VGC) sẽ tăng trưởng lợi nhuận đáng kể nhờ mảng khu công nghiệp và mảng kính xây dựng. 

Doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2017của VGC đạt 4.290 tỷ đồng, tăng 13,95%, trong khi lợi nhuận ròng tăng trưởng ấn tượng 71% nhờ đóng góp từ phân khúc kính xây dựng và khu công nghiệp.

Trong đó, mảng kính xây dựng đạt 676 tỷ đồng doanh thu, tăng 16,6%. Sản lượng tiêu thụ vẫn giữ nguyên ở mức 12,4 triệu m2, nhưng giá bán trung bình tăng khoảng 15%. Điều này có thể do thiếu nguồn cung trong nửa đầu năm nay trong khi nhu cầu thị trường tăng và một liên kết của Công ty TNHH Kính nối Việt Nam (VFG), chiếm khoảng 27% thị phần, đã dừng sản xuất từ tháng 1 đến tháng 5/2017 để bảo trì.

Do ngành kính xây dựng trong nước khá tập trung với 3 – 4 nhà sản xuất chính nên việc một doanh nghiệp thực hiện bảo trì có thể ảnh hưởng đáng kể đến giá thị trường của sản phẩm. Mảng kính xây dựng của Viglacera có biên lợi nhuận gộp tăng trưởng mạnh, từ 26,4% trong 6 tháng đầu năm 2016 lên 35,3% trong nửa đầu năm nay. Điều này đều nhờ vào giá bán tăng, hiệu quả hoạt động của nhà máy thủy tinh Bình Dương được cải thiện cũng như nhờ tỷ trọng doanh thu đóng góp từ dòng kính "Low – E" tăng.

Lợi nhuận ròng của Viglacera tăng trưởng ấn tượng 71% nhờ đóng góp từ phân khúc kính xây dựng và khu công nghiệp.

Còn doanh thu từ cho thuê khu công nghiệp tăng 230%, đạt 274 tỷ đồng nhờ doanh thu từ các khu công nghiệp mới như khu công nghiệp Yên Phong, Đồng Văn IV và Phú Hà. Trong 6 tháng đầu năm nay, khu công nghiệp Yên Phong đã cho thuê 16 ha, trong khi khu công nghiệp Đồng Văn IV và Phú Hà cho thuê mỗi đơn vị 8 – 9 ha.

Biên lợi nhuận gộp mặc dù giảm từ 58,5% trong nửa đầu năm 2017 nhưng cũng giúp lợi nhuận gộp từ các dịch vụ liên quan đến bất động sản tăng 81%, lên 127 tỷ đồng. Mặc khác, mảng bất động sản nhà ở ghi nhận 535 tỷ đồng doanh thu, với biên lợi nhuận gộp là 12% từ ba dự án chính, trong đó có 671 Hoàng Hoa Thám, Xuân Phương và Đặng Xá 2.

Ngoài ra, doanh thu từ mảng gạch ngói tăng 12,9%, đạt 1.126 tỷ đồng, chủ yếu nhờ đóng góp doanh thu từ Viglacera Hạ Long (VHL), một công ty con của Viglacera, hiện nắm giữ 45% thị phần trong phân khúc gạch ngói. Lợi nhuận gộp từ mảng thiết bị vệ sinh và gạch xây dựng duy trì ở mức 211 tỷ đồng và 135 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh sơ bộ quý III/2017, theo Viglacera, doanh thu hợp nhất và lợi nhuận trước thuế đạt được trong 8 tháng đầu năm lần lượt là 5.600 tỷ đồng và 682 tỷ đồng. SSI ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2017 của Viglacera đạt khoảng 800 tỷ đồng, tăng 44%.

Bên cạnh đó, đối với mảng khu công nghiệp, SSI dự báo, năm 2017, doanh thu của Viglacera đạt 897 tỷ đồng, tăng 255% với biên lợi nhận gộp ổn định ở mức 42%. Khách hàng chính cho khu công nghiệp mới chủ yếu là các công ty trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao như Park Electronic Vina, JT Sensor Vina, đặc biệt là Samsung và các công ty vệ tinh. Đồng thời, SSI cũng ước tính doanh thu từ 4 mảng chính của phân khúc vật liệu xây dựng sẽ đạt 6.705 tỷ đồng, tăng 8,6% vào năm 2017.

Thiên Long nâng mức tỷ lệ tự động hóa của công ty lên 70,3%

Theo báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tốc độ tăng trưởng doanh thu của Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long (TLG) vẫn duy trì ở mức cao trong những năm gần đây, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của sản phẩm chủ lực là bút viết đã có phần chững lại do thị trường dần đi vào giai đoạn bão hòa.

Đặc biệt, Thiên Long đang đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ sản xuất, nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Một trong những hoạt động đó là quá trình tự động hóa. Tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ tự động hóa của công ty này đã nâng lên mức 70,3% so với mức 67% vào năm 2015. 

Đồng thời, Thiên Long cũng tập trung vào việc nghiên cứu và tự chế tạo nhiều máy móc thiết bị sản xuất, nhất là các khuôn mẫu. Hiện Thiên Long đã chế tạo được hơn 90% nhu cầu khuôn mẫu cho hoạt động sản xuất.

Thiên Long dự kiến hoạt động cải tạo và mở rộng nhà máy ở Tân Tạo sẽ hoàn thành trong năm nay, giúp nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong những năm tới. Tập đoàn này cũng sẽ hoàn thành và đưa vào dây chuyền sản xuất đầu bút vào cuối năm 2017.

Năm 2017, VBSC dự báo Thiên Long sẽ đạt được kế hoạch lợi nhuận sau thuế được thông qua Đại hội cổ đông năm 2017 là 265 tỷ đồng. 

Hiện tại, Thiên Long có hệ thống phân phối trải rộng khắp 63 tỉnh thành trên lãnh thổ Việt Nam với 110 nhà phân phối độc quyền và 60.000 điểm bán hàng. Kênh bán hàng truyền thống (GT) đóng góp khoảng 80% doanh thu trong nước, phần còn lại đóng góp bởi kênh bán hàng hiện đại (MT) và kênh bán hàng online.

Về kết quả hoạt động kinh doanh, kể từ năm 2006 trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua hai cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng Thiên Long gần như không chịu tác động mà vẫn liên tục tăng trưởng ở mức cao. Mức tăng trưởng doanh thu bình quân và lợi nhuận sau thuế bình quân 9 năm gần đây lần lượt là 20% và 23%.

Năm 2017, VBSC dự báo Thiên Long sẽ đạt được kế hoạch lợi nhuận sau thuế được thông qua Đại hội cổ đông năm 2017 là 265 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này tương ứng với EPS năm 2017 là 4.789 đồng/cổ phiếu và tương ứng với mức P/E là 20,46, một mức tương đối cao so với thị trường chung.

Tin mới lên