Thị trường

Vinacafe bán cà phê trộn đậu nành là ‘chiều theo khẩu vị thị trường’?

(VNF) - Vinacafe vừa xác nhận trong một thời gian dài, công ty đã sản xuất và bán cà phê không nguyên chất (có trộn thêm đậu nành) trên thị trường Việt Nam.

Vinacafe bán cà phê trộn đậu nành là ‘chiều theo khẩu vị thị trường’?

Wake up và Phinn là hai nhãn hiệu cà phê được Vinacafe thừa nhận trộn đậu nành

Lý giải của Vinacafe cho biết, công ty "buộc" phải làm như vậy để "chiều theo khẩu vị của thị trường" trong suốt gần 50 năm qua. Điều này vốn mâu thuẫn với triết lý của công ty "cà phê phải là cà phê" vì thế đã gây nên những "day dứt, ám ảnh".

Do đó, trước một cuộc tranh luận sâu rộng chưa từng có về cà phê và mặt tối của ngành cà phê (cà phê độn, sử dụng nhiều hóa chất tạo hương vị cho cà phê), Vinacafe nhận ra đây là "cơ hội để chấm dứt nỗi ám ảnh của mình".

Chính vì vậy, "từ ngày 01/08/2016 mỗi dòng sản phẩm của Vinacafe phải là cà phê. Từ hôm nay, Vinacafe tự hào tuyên bố dòng cà phê Wake - up và Phinn cũng đều là "cà phê phải là cà phê" và được chính người tiêu dùng công nhận ngon hơn, cà phê hơn, và Việt Nam hơn so với dòng cà phê này có chứa đậu nành trước đó của chúng tôi.

Chúng tôi tin rằng mỗi người Việt Nam đều có quyền thưởng thức một 1 ly cà phê nguyên bản đúng nghĩa, sạch, ngon, kiểu Việt hơn", thông báo viết.

Trước đó, Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa đã ký biên bản cam kết "Minh bạch trong sản xuất và kinh doanh cà phê bảo vệ người tiêu dùng" do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phát động.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên một doanh nghiệp thừa nhận bán cà phê không nguyên chất ra thị trường. Thời gian trước đó, "ông lớn" Nestlé cũng đã thừa nhận cà phê của công ty có đậu rang.

Còn theo Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường C49, từ năm 2012 đến nay, đơn vị này đã xử lý hơn 20 cơ sở sản xuất cà phê các loại, thu giữ hàng trăm tấn trị giá nhiều tỷ đồng.

Tại tọa đàm "Cà phê bẩn – Thực trạng và giải pháp" do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức mới đây, đại diện C49 cũng cho biết ngoài pha trộn bột ngô, bột đậu, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng hương liệu vị cà phê để biến bột ngũ cốc thành cà phê bột, cà phê hòa tan. Thậm chí có doanh nghiệp sử dụng đường hóa học (loại sodium cyclamate) rang cháy, thuốc kí ninh và các loại hóa chất khác để tạo độ đắng.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Đại học Bách khoa Hà Nội nhận xét: Cà phê rang hay đậu rang cơ bản đều giống nhau, đều là ngũ cốc rang xay. Nếu làm đậu rang trong một cơ sở sạch sẽ, đảm bảo tiêu chuẩn, phụ gia nằm trong danh mục cho phép thì hoàn toàn không vi phạm về an toàn thực phẩm.

Còn việc các doanh nghiệp sản xuất đậu rang, bắp rang rồi tẩm thêm phụ gia cho giống với cà phê rồi công bố là cà phê nguyên chất thì đây lại là hành vi gian lận thương mại.

Tin mới lên