Tài chính

Vinachem trầy trật vì nợ nần

Xuất phát từ gánh nặng nợ nần của các dự án thua lỗ, dù đã có những tín hiệu khởi sắc song đến hiện tại, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như việc giải quyết khối nợ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn.

Vinachem trầy trật vì nợ nần

Ảnh minh họa.

Phải trả nợ trên 6.900 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ giữa niên độ mà Vinachem công bố mới đây: Tính đến hết ngày 30/6, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vinachem đạt trên 2,4 tỷ đồng, giảm rõ rệt so với con số trên 2,7 tỷ đồng ở thời điểm ngày 1/1. Tổng lợi nhuận trước và sau thuế đều đạt trên 70 tỷ đồng, ghi nhận giảm mạnh so với con số trên 120 tỷ đồng ở thời điểm ngày 1/1.

Bên cạnh các chỉ số không mấy khả quan nêu trên, nội dung đáng chú ý trong bản báo cáo tài chính của Vinachem là tính đến thời điểm ngày 30/6, dù số nợ phải trả của Tập đoàn ghi nhận giảm rõ rệt, song vẫn là những con số rất đáng kể. Cụ thể, nợ phải trả đến thời điểm ngày 30/6 là trên 6.956 tỷ đồng, giảm so với con số trên 7.236 tỷ đồng thời điểm ngày 1/1.

Trong đó, nợ ngắn hạn là trên 2.006 tỷ đồng, tăng so với con số 1.313 tỷ đồng. Đáng chú ý trong nợ ngắn hạn là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (1.392 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 701 tỷ đồng ở thời điểm ngày 1/1).

Trong khi nợ ngắn hạn của Vinachem có chiều hướng tăng lên thì nợ dài hạn lại đi theo chiều ngược lại. Cụ thể, nợ dài hạn tính đến thời điểm ngày 30/6 là trên 4.949 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với con số trên 5.923 tỷ đồng. Trong số đó, lớn nhất vẫn là vay và nợ thuê tài chính dài hạn với 4.929 tỷ đồng.

Sẽ là thiếu sót nếu nhắc đến Vinachem mà không đề cập tới việc đến ngày 30/6, khoản trích lập phải thu ngắn hạn khó đòi của Vinachem đã tăng 93% lên 560 tỷ đồng. Khoản phải thu về cho vay ngắn hạn 6 tháng đầu năm của Vinachem tăng mạnh chủ yếu đến từ Công ty TNHH Đạm Ninh Bình (giá trị phải thu ngắn hạn cuối kỳ 3.794 tỷ đồng).

Tổng giá trị khoản cho vay ngắn dài hạn của Vinachem đối với Đạm Ninh Bình tính đến ngày 30/6 là 9.453 tỷ đồng, trong đó giá trị trích lập dự phòng gần 500 tỷ đồng. Mục đích vay vốn của Đạm Ninh Bình ngoài phần bổ sung vốn lưu động, phần lớn là do Tập đoàn trả thay khoản nợ gốc và lãi vay khi đến kỳ cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.

Đối với các khoản cho vay dài hạn, Vinachem cũng chịu trách nhiệm trả nợ thay với các Ngân hàng Công Thương, Eximbank Trung Quốc và đầu tư vào nhà máy đạm ure công suất 560.000 tấn/năm (Nhà máy Đạm Ninh Bình)… Trong đó rất nhiều các khoản mục vay nợ ngắn dài hạn đến hạn thu hồi trong vòng 12 tháng tới.

"Nặng lòng" với các dự án thua lỗ

Có thể thấy với Vinachem, hoạt động bết bát của 4 doanh nghiệp (Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình, Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty Cổ phần DAP - Vinachem, Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem) nằm trong 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, hoạt động kém hiệu quả thuộc ngành công thương có tác động không nhỏ tới kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như số nợ mà Vinachem phải trả.

Đề cập tới 4 dự án này, theo ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Vinachem, trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các đơn vị đều duy trì thời gian chạy máy tốt; sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng cao; số lỗ các đơn vị giảm mạnh. Riêng Công ty Cổ phần DAP - Vinachem năm 2017 lãi 15 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm nay có lãi 115 tỷ đồng.

Tuy vậy, ông Cường cũng nhấn mạnh: "Vấn đề nổi cộm hiện nay tại các doanh nghiệp này là lãi vay của các đơn vị đang rất lớn, chiếm hơn 30% giá thành sản phẩm. Ví dụ điển hình như ở Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, riêng chi phí tài chính, lãi các loại của năm 2018 đã là hơn 850 tỷ đồng".

"Ngoài ra, thời gian qua, các vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng với sản phẩm thạch cao; gian lận thương mại, kê khai giá nhập khẩu săm lốp; hàng giả, hàng nhái ắc quy; thủ tục giấy phép khai thác quặng, giấy phép sử dụng phân bón… khiến cho hoạt động của Vinachem ngày càng khó khăn hơn", ông Cường nói.

Để giải quyết khó khăn, tạo đà phát triển trong giai đoạn tới, Vinachem xác định sẽ đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu về quản trị doanh nghiệp. Trong đó, Vinachem tập trung hoàn thiện thể chế quản lý; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, điều hành; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, kế toán; tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn và chỉ đạo của tập đoàn đối với người đại diện phần vốn của tập đoàn tại các doanh nghiệp thành viên...

Xoay quanh câu chuyện của Vinachem, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu quan điểm: Các vấn đề về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực thuế, Hải quan, phát triển thị trường..., Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành để hỗ trợ. Tuy nhiên, Vinachem phải có nghiên cứu chiến lược phát triển để đồng bộ với cơ chế, chính sách, đồng thời phải tái cơ cấu.

Riêng về các dự án thua lỗ của ngành hóa chất, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần đánh giá thật chính xác dưới góc độ ngân hàng xem 4 dự án yếu kém, thua lỗ cái nào hiệu quả, khả thi. Điều đó để thấy rằng nếu tiến hành tái cơ cấu nợ, cắt bỏ nợ và xóa nợ, giãn nợ, khoanh nợ sẽ có hiệu quả.

Tin mới lên