Tài chính

Vinaconex chốt room ngoại 0%, nhà đầu tư nước ngoài 'lao đao'

(VNF) - Với việc chốt room ngoại ở mức 0%, các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ phải bán ra toàn bộ hơn 48 triệu cổ phiếu VCG của Vinaconex.

Vinaconex chốt room ngoại 0%, nhà đầu tư nước ngoài 'lao đao'

Vinaconex chốt room ngoại 0%, nhà đầu tư nước ngoài 'lao đao'

Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) mới đây đã có văn bản công bố thông tin về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room ngoại).

Theo văn bản, căn cứ vào đề nghị của SCIC gửi tới Vinaconex yêu cầu chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa để phục vụ việc bán vốn của SCIC tại Vinaconex, căn cứ vào văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận việc Vinaconex xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa ở mức 0% là phù hợp với quy định pháp luật, Vinaconex thông báo đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam về tỷ lệ sở hữu tối đa tại Vinaconex là 0%.

Được biết, ngoài lĩnh vực xây lắp và kinh doanh bất động sản, trong đăng ký kinh doanh của Vinaconex còn có 5 ngành nghề thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác, bao gồm: xuất khẩu lao động; xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn; kinh doanh điện thương phẩm; mua bán rượu bia thuốc lá; kinh doanh xăng dầu. Các ngành nghề này với room ngoại khác nhau tựu chung khiến Vinaconex phải chốt room ngoại ở mức 0%.

Việc chốt room ngoại ở mức 0% sẽ gây khó cho các nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu cổ phiếu VCG của Vinaconex. Hiện khối này đang nắm hơn 48 triệu cổ phiếu VCG, đồng nghĩa sau khi các thủ tục chốt room ngoại hoàn tất, các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ phải bán toàn bộ hơn 48 triệu cổ phiếu trên.

Ngày 22/11 tới đây, SCIC sẽ chính thức bán đấu giá trọn lô gần 255 triệu cổ phiếu VCG, tương ứng tỷ lệ sở hữu 57,71%. Cùng ngày, Tập đoàn Viettel cũng bán đấu giá trọn lô 94 triệu cổ phiếu VCG, tương ứng tỷ lệ sở hữu 21,28% vốn điều lệ. Giá khởi điểm của cả 2 đợt đấu giá trên đều là 21.300 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, để sở hữu trọn lô cổ phiếu VCG của SCIC, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra ít nhất 5.429 tỷ đồng; trong khi để có lượng cổ phiếu VCG do Viettel sở hữu, nhà đầu tư phải chi tối thiểu là 2.002 tỷ đồng.

Khối lượng đấu giá lớn, lại là đấu giá trọn lô, nếu nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia, xác suất thành công của phiên đấu giá chắc chắn sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, với room ngoại 0%, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không thể trực tiếp sở hữu cổ phiếu VCG.

Dù vậy, vẫn có một cách là sở hữu thông qua một doanh nghiệp "ngoài nội, trong ngoại" như trường hợp tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi sở hữu trên 53% vốn điều lệ Sabeco thông qua Công ty Vietnam Beverage.

Tin mới lên