Tài chính

Vinalines sẽ thu hút nhà đầu tư chiến lược bằng thế mạnh khai thác cảng

(VNF) - Theo kế hoạch, Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ tiến hành IPO vào cuối năm nay và một trong những lá "bài tẩy" để thu hút nhà đầu tư chiến lược chính là thế mạnh khai thác cảng.

Vinalines sẽ thu hút nhà đầu tư chiến lược bằng thế mạnh khai thác cảng

Lỗ của Vinalines đã giảm mạnh. Ảnh minh họa

Theo lãnh đạo Vinalines, thời gian qua tổng công ty tập trung vào 2 nội dung hoạt động lớn là tái cơ cấu toàn diện và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Kế hoạch sản xuất hàng năm được xây dựng theo hướng tập trung vào 3 lĩnh vực chính là vận tải biển, khai thác cảng và dịch vụ hàng hải.

Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn đến mảng kinh doanh vận tải của Vinalines nhưng sản lượng và doanh thu từ vận tải biển đã có nhiều khởi sắc, tuy không tăng nhiều nhưng lỗ đã giảm mạnh, mang lại dòng tiền dương tại nhiều đơn vị.

Trong khi đó, khai thác cảng vẫn là mảng kinh doanh triển vọng nhất cho Vinalines, không chỉ giúp bù đắp cho mảng kinh doanh vận tải mà còn được kỳ vọng sẽ là điểm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư chiến lược trước khi IPO, dự kiến sẽ được tiến hành cuối năm nay.

Kết quả kinh doanh gần đây cho thấy, Vinalines đều hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm đề ra, giảm lỗ, tiến tới cân bằng thu chi. Cụ thể, sản lượng vận tải biển năm 2016 đạt hơn 24 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2015 và cao hơn kế hoạch năm là 14%. Sản lượng hàng thông qua cảng đạt 78 triệu tấn, tăng 17% so với năm 2015 và cao hơn kế hoạch năm 6%. Tổng doanh thu đạt 16.014 tỷ đồng, bằng 90% so với năm 2015 và bằng 94% kế hoạch năm 2016. Toàn tổng công ty nộp ngân sách 750 tỷ đồng.

Mới đây, Chính phủ quyết định phương án cổ phần hóa Vinalines theo hướng Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ tại công ty mẹ - Vinalines. Đồng thời Vinalines lại được nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên tại các công ty cổ phần: Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn và Cảng Đà Nẵng. Các công ty này đều đã cổ phần hóa, đến nay vốn nhà nước vẫn chiếm từ 80% trở lên nhưng trong kế hoạch cũ sẽ tiếp tục thoái vốn, giảm sở hữu của nhà nước xuống dưới 30%.

Quyết định của Chính phủ đã cho phép Vinalines không chỉ tiếp tục giữ cổ phần chi phối tại ba cảng biển nói trên mà còn được tiếp tục nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và tiếp tục thoái vốn tối đa tại các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển.

Trong những năm qua, chính hoạt động kinh doanh khởi sắc của khối cảng biển và dịch vụ đã gánh đỡ các khoản thua lỗ của mảng vận tải biển, giúp ông lớn Vinalines cân bằng thu chi. Bên cạnh đó, các cảng biển với giá trị tiềm năng, sẽ làm tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư khi cổ phần hóa Công ty mẹ.

Trong năm 2016, khối cảng biến thuộc hệ thống của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã mang lại lợi nhuận trước thuế 923 tỷ đồng, khối dịch vụ lãi 1.140 tỷ đồng (hầu hết các doanh nghiệp dịch vụ đều có lãi, trừ nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines). Hoạt động dịch vụ và hoạt động khác của Vinalines trong năm nay cũng tiếp tục làm ăn khởi sắc, mang lại 1.140 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Về hoạt động của Vinalines trong thời gian tới, quyền Tổng giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Tĩnh vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo hỗ trợ để Vinalines tham gia cung cấp dịch vụ vận chuyển cho các chủ hàng lớn là các tập đoàn, tổng công ty (như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ...); tham gia các dự án vận chuyển hàng hóa nội địa và hàng hóa xuất nhập khẩu... để tăng nguồn hàng vận chuyển và nâng thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu nội địa.

Tin mới lên