Tài chính

Vinatex thu trăm tỷ mỗi năm nhờ may đồng phục cho 8 tập đoàn

Dù chiếm doanh thu nhỏ nhưng may đồng phục đang là một mảng sáng sủa của Vinatex trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.

Vinatex thu trăm tỷ mỗi năm nhờ may đồng phục cho 8 tập đoàn

Vinatex thu trăm tỷ mỗi năm nhờ may đồng phục cho 8 tập đoàn.

Thông tin về việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết 3 năm qua đã liên kết với các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương để may đồng phục.

Doanh thu mỗi năm cho mảng này đều hơn 100 tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu từ việc may đồng phục đạt 106,5 tỷ.

Hiện Vinatex đang may đồng phục cho 8 tổng công ty, tập đoàn lớn, như: Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam... Trong đó, khách hàng đặt may đồng phục lớn nhất trong 3 năm qua là Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Năm ngoái, tổng công ty này chi cho Vinatex 38 tỷ đồng để may đồng phục. 9 tháng đầu năm nay, số tiền đã lên tới 45 tỷ đồng.

Bà Phạm Minh Hương - Giám đốc điều hành Vinatex, cho biết tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối, sử dụng sản phẩm của nhau với các tập đoàn, doanh nghiệp nội địa lớn cũng như chăm chút cho các khách đặt may đồng phục.

"Đối với khách hàng điện lực, cần hiểu rõ đồng phục khách hàng cần không chỉ là đồng phục thông thường mà cần thỏa mãn công năng an toàn, bảo vệ được cho người lao động, giúp người lao động luôn thoải mái làm việc tại những vị trí đặc thù", bà Hương nêu ví dụ.

Công nhân ngành điện kéo cáp điện đến nhà khách hàng. Ảnh: Ngọc Thành

Nửa đầu năm 2018, tổng thu nội địa của Vinatex hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Dự kiến cả năm nay, tổng thu nội địa sẽ đạt 12.638 tỷ đồng, tăng 22,58% so với cùng kỳ 2017.

Dù làm ăn vẫn phát triển nhưng bà Hương cho rằng ngành may mặc còn đối diện khá nhiều khó khăn. Tại các vùng đô thị, tâm lý sính ngoại vẫn còn chiếm đa số. Cùng với đó, hàng nhái, hàng nhập lậu luôn chiếm ưu thế về mẫu mã đa dạng, giá rẻ nên thâm nhập mạnh vào nông thôn.

"Một số sản phẩm có nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu nên giá thành sản phẩm cao. Cạnh tranh ngày càng khốc liệt với áp lực từ các thương hiệu ngoại đang tấn công thị trường Việt Nam như Zara, H&M, Topman... Thêm vào đó, vấn nạn hàng nhái, hàng giả diễn ra ngày càng tăng và tinh vi hơn", bà Hương nhận xét.

Tin mới lên