Thị trường

Vinmart+, Bách Hóa Xanh và "bước nhảy vọt" của ngành bán lẻ Việt

(VNF) – Cơ cấu ngành bán lẻ sẽ thay đổi theo hướng hiện đại hơn, văn minh hơn nhờ sự gia nhập mạnh mẽ của Vinmart+ và Bách Hóa Xanh. Nhưng sự gia nhập này cũng khiến các cửa hàng, đại lý bách hóa tư nhân phải đứng trước quyết định khó khăn.

Vinmart+, Bách Hóa Xanh và "bước nhảy vọt" của ngành bán lẻ Việt

Vinmart+ và Bách Hóa Xanh sẽ tạo ra sự thay đổi trong cấu trúc ngành bán lẻ Việt Nam

Đi tìm bản chất ngành bán lẻ Việt

Những năm 90 của thế kỷ trước, các cửa hàng bách hóa tư nhân bắt đầu hình thành với quy mô nhỏ ở những khu vực có mật độ dân số và đời sống cao, đặc biệt là các thành phố lớn.

Khi kinh tế bắt đầu phát triển và thu nhập người dân tăng lên thì mật độ cửa hàng bách hóa cũng dần tăng theo. Lúc này, cạnh tranh giữa các cửa hàng bách hóa đã xuất hiện và tạo ra sự phân hóa về quy mô cũng như thu nhập của từng cửa hàng.

Một số ít cửa hàng bắt đầu bật lên nhờ bán hàng tốt và dám đầu tư mở rộng, nhờ vậy mà trở thành các đại lý chính thức của các hãng hàng hóa. Một số cửa hàng lớn rất được các hãng hàng hóa săn đón, thậm chí là chủ đại lý không cần thuê và trả lương cho nhân viên bán hàng vì đã có đội ngũ bán hàng được huấn luyện chuyên nghiệp do các hãng hàng hóa cử đến.

Đó là một phần bức tranh của ngành bán lẻ Việt trong suốt nhiều chục năm qua. Những mảnh ghép còn lại là câu chuyện vẫn đang nóng trên các phương tiện truyền thông về các đại siêu thị kiểu Big C, Metro, Vinmart… và câu chuyện lớn về chợ truyền thống tồn tại suốt cả nghìn năm nay. Về cơ bản, bức tranh của ngành bán lẻ Việt vẫn là lạc hậu và manh mún.

Ngành bán lẻ Việt Nam hiện đang là ngành phân mảnh, nghĩa là không có một doanh nghiệp hay một nhóm doanh nghiệp nào thống trị ngành. Nguyên nhân là do thị trường này còn non trẻ với sự thống trị của chợ truyền thống và các cửa hàng tạp hóa, đại lý bách hóa vừa và nhỏ rải rác khắp đất nước. Cấu trúc ngành này thật không khác nhiều so với cách đây vài trăm năm, thậm chí cả nghìn năm.

Cụ thể hơn thì trường hợp của ngành bán lẻ Việt Nam có thể coi là bị "mắc kẹt" trong sự phân mảnh. Theo Michael E. Porter – "cha đẻ" của thuyết chiến lược cạnh tranh thì một ngành được cho là lâm vào tình trạng "mắc kẹt" trong sự phân mảnh khi những doanh nghiệp hiện có thiếu các nguồn lực hoặc kỹ năng cần thiết, những doanh nghiệp hiện tại thiển cận hoặc tự mãn, thiếu sự chú ý của những doanh nghiệp ngoài ngành.

Thực tế, không ít doanh nghiệp đã thâm nhập vào lãnh địa của cửa hàng bách hóa và chợ truyền thống, dễ thấy nhất là thành lập các siêu thị mini nhưng đa số không đủ nguồn lực tài chính và kỹ năng quản lý để nhân rộng mô hình tới mức cần thiết để có thể thay thế đáng kể, thậm chí là đe dọa sự tồn tại của chợ truyền thống và các cửa hàng bách hóa.

Vượt qua sự phân mảnh

Sự xuất hiện của hàng trăm cửa hàng tiện ích Vinmart+ thuộc Vingroup và sắp tới là hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh của Tập đoàn Thế giới di động đánh dấu một "bước nhảy vọt" trong tiến trình phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam. Vinmart+ và Bách Hóa Xanh là 2 nhân tố đủ mạnh để thúc đẩy việc tạo ra một đối trọng đáng kể với chợ truyền thống và các cửa hàng bách hóa tư nhân rải rác, từ đó giúp ngành bán lẻ Việt vượt qua sự phân mảnh và tạo ra một cấu trúc ngành mới hiện đại hơn, văn minh hơn.

Có nhiều lý do để đưa ra nhận định trên. Đầu tiên là định hướng phát triển của Vinmart+ và Bách Hóa Xanh là phù hợp với tình trạng ngành bán lẻ Việt Nam hiện tại. Giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành này hẳn vẫn thuộc xu hướng bán lẻ trực tiếp chứ chưa thể chuyển sang bán lẻ online do những rào cản về tâm lý, thu nhập, văn hóa, thậm chí là tính cách của người Việt.

6 tháng đầu năm 2016, hệ thống cửa hàng tiện ích Vinmart+ đã đạt con số 830 và đang xâm nhập vào từng ngóc ngách trong từng khu dân cư.

Còn Tập đoàn Thế giới di động cũng gần như chắc chắn sẽ triển khai chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh vào năm 2017 khi doanh thu thực tế mỗi cửa hàng trong tháng 5/2016 đã đạt gần 700 triệu đồng, vượt xa mục tiêu 400 – 500 triệu đồng/tháng.

Bách Hóa Xanh cũng đang gấp rút tìm mặt bằng có diện tích từ 150 – 400m2, có thể ở đường lớn hoặc trong các hẻm lớn. Dự kiến, doanh thu từ Bách Hóa Xanh sẽ chiếm từ 40 – 60% tổng doanh thu của Tập đoàn Thế giới di động.

Nhưng có một lý do quan trọng và trực tiếp hơn xuất phát từ quy mô của Vinmart+ và Bách Hóa Xanh. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng phân mảnh trong ngành bán lẻ Việt là do không có đơn vị nào đủ tiềm lực tài chính và kỹ năng quản lý để tạo ra quy mô hệ thống bán lẻ đủ lớn.

Quy mô lớn và kỹ năng quản lý tốt không chỉ giúp tạo ra đối trọng có thị phần thực sự đe dọa chợ truyền thống và cửa hàng bách hóa nhỏ lẻ mà còn tạo ra lợi thế kinh tế nhờ quy mô, thiết lập tiêu chuẩn chung cho thị trường, từ đó phá vỡ sự phân mảnh. Vingroup và Thế giới di động đủ tiềm lực tài chính và kỹ năng quản lý để làm những điều này.

Lựa chọn khó khăn cho các cửa hàng, đại lý bách hóa tư nhân

Sự gia nhập của Vingroup với chuỗi cửa hàng tiện ích Vinmart+ và Tập đoàn Thế giới di động với chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh sẽ gây áp lực rất lớn trước hết là với các cửa hàng, đại lý bách hóa tư nhân, sau đó mới là chợ truyền thống.

Mô hình hoạt động của Vinmart+ và Bách Hóa Xanh không khác nhiều so với các cửa hàng, đại lý bách hóa tư nhân trong khi lại có lợi thế lớn về thương hiệu, quy mô, nguồn hàng giá rẻ, tính chuyên nghiệp, khả năng chăm sóc khách hàng… Rõ ràng, Vinmart+ và Bách Hóa Xanh hoàn toàn có thể thay thế các cửa hàng, đại lý bách hóa tư nhân.

Chủ các cửa hàng, đại lý bách hóa này buộc lòng sẽ phải lựa chọn. Một là giữ nguyên hoạt động và cạnh tranh trực tiếp với Vinmart+ và Bách Hóa Xanh. Hai là chấp nhận rời khỏi ngành. Ba là hợp tác với đối thủ, chẳng hạn theo hướng nhượng quyền thương hiệu.

Dù thế nào thì các cửa hàng, đại lý bách hóa tư nhân vẫn là người yếu thế.

Tin mới lên