Tiêu điểm

[VNF cuối tuần]: Khi đại biểu Quốc hội soạn luật... không thành!

(VNF) - Với các đại biểu Quốc hội, dấu ấn nghị trường không phải là những bài thuyết trình hay những cuộc chất vấn nảy lửa, đó cần và nên là những đạo luật...

[VNF cuối tuần]: Khi đại biểu Quốc hội soạn luật... không thành!

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh. Ảnh: TL

Sự kết thúc đáng tiếc của một hành trình lãng mạn

Cách đây 13 năm, lần đầu tiên Việt Nam có một đạo luật do một ủy ban của Quốc hội soạn thảo, đó là Luật Giao dịch điện tử.

Sau 13 năm, Quốc hội Việt Nam lại mới có tiếp một cái "đầu tiên" - lần đầu tiên có một đại biểu đề xuất và được đứng ra soạn thảo luật. Đó là đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - với dự án Luật Hành chính công.

Tháng 12/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận cho bà Trần Thị Quốc Khánh thành lập Ban soạn thảo luật. Gần 2 năm sau, dự thảo luật được bà Khánh trình ra Ủy ban Thường vụ.

Nhưng... dự thảo luật đó đã bị bác bỏ. Một hành trình "lãng mạn" đã kết thúc!

Không ai nỡ trách bà Trần Thị Quốc Khánh, bởi như Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã nói: "Đồng chí Khánh có buồn nhưng sẽ thanh thản vì đồng chí đã làm hết tâm, hết sức mình rồi!"

Tuy nhiên, với nhiều người theo dõi dự luật, cảm giác chung vẫn là thất vọng và tiếc nuối. Bởi dù gì, đó cũng là lần hiếm hoi một đại biểu Quốc hội "dám" đề xuất xây dựng luật.

Theo quy định của pháp luật, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội... có quyền đề nghị xây dựng luật.

Thế nhưng, trái ngược với các bên, số lần đại biểu Quốc hội đề xuất xây dựng luật lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, dù cho trên danh nghĩa Quốc hội giữ quyền lập pháp.

Có nhiều nguyên nhân để giải thích cho hiện tượng trên, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là đại biểu Quốc hội thiếu cả năng lực lẫn nguồn lực để xây dựng dự án luật. Một thực tế phải thừa nhận là có những đại biểu Quốc hội không am hiểu về hệ thống pháp luật và kỹ thuật lập pháp. Họ cũng hầu như không có đủ cơ sở về nguồn lực (tài chính, nhân sự...) để triển khai ý tưởng lập pháp của mình. Hệ quả là việc lập pháp (về thực chất) được chuyển vào tay Chính phủ.

Việc bà Trần Thị Quốc Khánh đứng ra chủ trì dự án Luật Hành chính công có thể xem như một nỗ lực mang việc lập pháp "ra ngoài Chính phủ". Chỉ tiếc là những hạn chế về năng lực và nguồn lực đã làm nỗ lực này thất bại.

Tuy nhiên, nỗ lực này đã tạo nên một dấu ấn và quan trọng hơn là một tiền lệ để các đại biểu Quốc hội mạnh dạn đề xuất và đứng ra soạn thảo luật.

Bởi với một đại biểu Quốc hội, thành quả hoạt động không phải là những bài thuyết trình hay chất vấn lãnh đạo Chính phủ. Thành quả hoạt động của đại biểu Quốc hội cần và nên là một đạo luật để lại cho nhân dân.

Để trả việc soạn luật về Quốc hội

Có thể nói việc để đại biểu Quốc hội soạn luật mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, đặc biệt là việc hạn chế tình trạng lạm quyền của các bộ ngành thông qua việc cài cắm chính sách.

Sở dĩ việc cài cắm chính sách có thể diễn ra bởi luật mà Quốc hội thông qua chỉ là luật khung, còn hệ thống văn bản dưới luật (nghị định, thông tư… - hướng dẫn chi tiết thi hành luật) thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Chính vì thế, đã có nhiều ý kiến cho rằng Quốc hội nên làm luật chi tiết, thay vì luật khung, nhằm bớt quyền của Chính phủ và hạn chế tình trạng lợi ích cục bộ.

Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa thành và trong bối cảnh như vậy, việc các đại biểu Quốc hội đề xuất và đứng ra soạn luật có thể giúp “tái cân bằng” một phần nào đó cán cân Quốc hội - Chính phủ.

Nhưng để tránh lặp lại câu chuyện của dự án Luật Hành chính công, điều đầu tiên là phải tăng cường chất lượng đại biểu Quốc hội (về năng lực cá nhân, khả năng kêu gọi/quản trị nguồn lực…) để đảm bảo dự luật được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đạt tiêu chuẩn cần thiết và đủ sức thuyết phục cử tri.

Đó là hướng đi cần thiết để Quốc hội trở nên chuyên nghiệp hơn trong vai trò là cơ quan lập pháp tối cao của Nhà nước.

Về phía các đại biểu, việc tham gia vào quá trình lập pháp từ khâu đề xuất đến chủ trì ban soạn thảo, trình và bảo vệ dự luật trước Quốc hội sẽ giúp các đại biểu nhận thức rõ hơn về vai trò và quyền hạn của mình.

Đó cũng là một cách để việc hoạt động với tư cách đại biểu Quốc hội trở thành một sự nghiệp chính trị rõ ràng chứ không chỉ là một nhiệm vụ “đính kèm” hay một “bước đệm” thuần túy.

Và đó cũng là một cách để dư luận bớt đi những tiếng thở dài, vì 13 năm mới có một “lần đầu tiên” mà tiếc thay “lần đầu tiên” ấy lại không trọn vẹn.

Tin mới lên