Diễn đàn VNF

[VNF cuối tuần] ‘Người nhà’, từ quán tính lịch sử đến bê bối thi cử tại Hà Giang

(VNF) – Góc nhìn của VietnamFinance về câu chuyện “người nhà”, trong bối cảnh bê bối thi cử đang diễn ra tại nhiều địa phương, đặc biệt nghiêm trọng tại Hà Giang.

[VNF cuối tuần] ‘Người nhà’, từ quán tính lịch sử đến bê bối thi cử tại Hà Giang

Ảnh minh họa

Bắt đầu từ triều Lý, nước Nam có lệ thừa ấm, tập ấm, tức con cái quan lại sẽ được bổ nhiệm làm quan. Điều này đã tạo nên một tầng lớp đặc biệt trong xã hội: sĩ tộc (hay cao hơn là thế tộc) - những dòng họ đời đời đọc sách và làm quan.

Lệ thừa ấm, tập ấm được truyền qua các đời quân chủ, trước khi chính thức bị phế bỏ dưới chế độ cộng hòa (bắt đầu từ năm 1945).

Nhà nước được lập thông qua bầu cử phổ thông đã thay đổi hoàn toàn diện mạo chính trị Việt Nam. Tuy nhiên, những dấu vết của thời kỳ cũ vẫn còn sót lại, hình thành nên hiện tượng "con ông cháu cha" như là một nét "đặc sắc" của chính trị hiện đại.

Không cần phải nói nhiều về hiện tượng cha con nối nhau làm lãnh đạo hay "cả nhà làm quan" tại Việt Nam hiện nay, bởi đó hầu như là một tình trạng phổ biến, ai ai cũng rõ.

Nhưng nếu phải có một con số thống kê thì gần đây nhất, tháng 2/2017, Bộ Nội vụ có báo cáo cho hay tại 9 địa phương, phát hiện 58 người có quan hệ họ hàng cùng tham gia bộ máy nhà nước, đảng, cơ quan đoàn thể, đơn vị sự nghiệp.

Và đó chắc hẳn mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Công bằng mà nói thể chế hiện tại vẫn có dư địa để bổ nhiệm (hay tạo điều kiện bổ nhiệm) con cái quan lại vào các vị trí trong bộ máy nhà nước; cũng công bằng mà nói "con nhà nòi chính trị" có những ưu điểm hơn người dân bình thường.

Tuy nhiên, việc lạm dụng bổ nhiệm con cái quan lại đã tạo nên tình trạng bất công trong thi tuyển công/viên chức, làm méo mó công tác nhân sự, tạo môi trường hình thành nhóm lợi ích và gây ra những hệ lụy lâu dài cho phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang hứng chịu nạn chảy máu chất xám nghiêm trọng.

Xét riêng ở cấp độ địa phương, việc lạm dụng bổ nhiệm người nhà đã tạo nên tính chất cát cứ, cục bộ về quyền lực nhà nước, dẫn đến tình trạng "trên bảo dưới không nghe", từ đó nảy sinh vô số tiêu cực và không ít vụ tham nhũng.

Thời quân chủ, để ngăn chặn tình trạng cát cứ này, triều đình đã ban hành Luật Hồi tị, bắt đầu từ thời vua Lê Thánh Tông (thế kỷ XV). Theo đó, triều đình nghiêm cấm việc bổ nhiệm quan lại về nguyên quán, quê vợ, quê mẹ, nơi học tập; nghiêm cấm quan lại lấy vợ trong trị hạt; nghiêm cấm quan lại tậu đất, vườn, ruộng, nhà tại nơi cai quản; nghiêm cấm người có quan hệ thầy trò, bạn bè làm việc tại cùng một công sở...

Tuy nhiên hiện nay, đạo luật có tư tưởng tiến bộ này đã không còn được áp dụng. Do đó, tình trạng luân chuyển cán bộ về nguyên quán diễn ra hết sức phổ biến.

Đơn cử tại Hà Giang, Bí thư đương nhiệm Triệu Tài Vinh là con trai của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Triệu Đức Thanh. Không những vậy, tại Hà Giang, ông Vinh còn có một loạt người thân được bổ nhiệm làm lãnh đạo như: Phạm Thị Hà (vợ) là Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Triệu Tài Phong (em ruột) là Bí thư huyện Quang Bình, Triệu Sơn An (em ruột ) là Phó chủ tịch huyện Hoàng Su Phì, Mạc Văn Cường (em rể) là Phó trưởng Công an thành phố Hà Giang.

Việc cả nhà ông Vinh làm lãnh đạo tại Hà Giang đã gây nên không ít ồn ào trong dư luận xã hội, dù cho vị lãnh đạo này từng phân trần rằng việc bổ nhiệm này là bất đắc dĩ và ông không cảm thấy vui khi những người trong gia đình mình được bầu làm lãnh đạo.

"Nỗi khổ tâm" của ông Vinh tiếp diễn khi con gái ông bị phát hiện nâng khống điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Từ 21,5 điểm, con ông được nâng lên 26,9 điểm. Trong một kỳ thi có tính chất xét đại học, hơn 0,5 điểm là đã đứng trên nghìn người, việc được nâng tới 5,4 điểm có thể nói là nhấc từ mặt đất lên mây xanh, dư luận không chấp nhận nổi.

Bê bối gian lận điểm thi đặt trong hoàn cảnh cả nhà làm quan của ông Triệu Tài Vinh khiến nghi vấn con gái ông được "dọn đường", "lót ổ" để mai sau trở về Hà Giang "nối nghiệp" cha mình trở nên thuyết phục dư luận hơn bao giờ hết.

Chân tướng sự việc vẫn còn phải chờ kết luận từ phía cơ quan điều tra nhưng có thể thấy "người nhà" là một yếu tố cấu thành nên bê bối này. Bởi không chỉ có con gái ông Vinh, trong số 114 thí sinh được nâng khống điểm thi, còn có thêm những con em của các lãnh đạo khác tại Hà Giang. Bản thân ông Vũ Trọng Lương (người sửa bài thi) cũng đã nhận được nhiều tin nhắn có nội dung là số báo danh của thí sinh trước khi tiến hành sửa bài.

Người có thể nhắn tin cho Phó phòng khảo thí để nhờ cậy sửa bài, hẳn không thể là một chị bán rau ngoài chợ hay một ông nông dân chân lấm tay bùn. Đó phải là người có tiếng nói, có thế lực, có quan hệ thân thiết đủ tạo sức ép để chỉ lừa thành ngựa.

Câu chuyện Hà Giang một lần nữa khiến chúng ta phải bàn luận về những nguyên tắc cơ bản của thi cử là nghiêm túc, chính xác; của tuyển chọn người tài giỏi là công bằng, minh bạch; của công tác nhân sự là bất vị thân.

Người xưa đúc kết: chọn dòng dõi lấy được lòng trung thành nhưng chọn hiền tài mới tạo nên sự phát triển. Nơi phên giậu cần được an ủi nhưng chốn biên cương không thể lỏng tay. Dĩ nhiên giữa "người nhà" và "người tài" không chỉ là câu chuyện rạch ròi, sòng phẳng nhưng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định "Chúng ta thi tuyển để tìm người tài chứ không phải để tìm người nhà. Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ..."

Tin mới lên