Ngân hàng

VPBank lên sàn HoSE, vốn hóa lọt nhóm Big 4 ngân hàng niêm yết?

(VNF) – Giá trị vốn hóa của VPBank khi lên sàn HoSE có thể lên đến trên 46.000 tỷ đồng, chỉ đứng sau Vietcombank, VietinBank, BIDV, đồng nghĩa lọt nhóm Big 4 ngân hàng niêm yết.

VPBank lên sàn HoSE, vốn hóa lọt nhóm Big 4 ngân hàng niêm yết?

VPBank đã chính thức nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HoSE

Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) vừa đưa ra Thông báo số 856/TB-SGDHCM về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Theo nội dung thông báo, số lượng cổ phiếu đăng ký niêm yết của VPBank là 1.332.689.035 cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ 14.059 tỷ đồng. Tổ chức tư vấn niêm yết là Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt.

Hiện mức giá cổ phiếu VPBank trên thị trường chứng khoán phi tập trung (OTC) dao động từ 35.000 – 40.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu VPBank niêm yết trên sàn HoSE với mức giá chào sàn 35.000 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa của ngân hàng này sẽ lên đến trên 46.000 tỷ đồng, chỉ kém 3 ngân hàng thương mại nhà nước là Vietcombank, VietinBank và BIDV, nhỉnh hơn MBBank khoảng 10.000 tỷ đồng và vượt trội so với vốn hóa các ngân hàng niêm yết còn lại.

Mức vốn hóa này cũng đưa VPBank lọt nhóm 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán.

Trong một diễn biến mới đây, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã đồng ý cấp cho VPBank khoản vay chuyển đổi trị giá 57 triệu USD.

Với thời hạn vay 2 năm và có thể được gia hạn thêm 2 năm nữa, khoản vay này được kỳ vọng sẽ giúp VPBank mở rộng đối tượng cho vay lại trong phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, một phân khúc chiến lược mà VPBank đang tập trung phát triển.

Theo thỏa thuận giữa hai bên, trong thời hạn khoản vay còn hiệu lực, IFC được quyền quyết định chuyển đổi phần dư nợ gốc của khoản vay thành cổ phần phổ thông của VPBank. Hiện VPBank đang làm các thủ tục cần thiết để phê duyệt khoản vay chuyển đổi này.

VPBank

Giá trị vốn hóa của VPBank sẽ đạt trên 46.000 tỷ đồng?

Trước ngày lên sàn, tại VPBank đã liên tục diễn ra những thương vụ mua gom, chuyển nhượng cổ phiếu. Chỉ trong ngày 7/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã nhận được đồng thời 3 thông báo giao dịch cổ phiếu của 3 người có liên quan đến Phó Chủ tịch HĐQT VPBank Lô Bằng Giang.

Cụ thể, bà Nguyễn Thu Thuỷ - vợ ông Giang đăng ký nhận quyền sở hữu hơn 46,54 triệu cổ phiếu VPBank, tương đương 3,49% vốn điều lệ ngân hàng này. Giao dịch thực hiện thông qua thỏa thuận nội bộ.

Tương tự, bà Lô Hải Yến Ngọc – chị của ông Giang đăng ký nhận quyền sở hữu trên 44 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 3,3% vốn điều lệ. Đồng thời, bà Lý Thị Thu Hà – mẹ của ông Giang cũng thực hiện nhận quyền sở hữu 21,24 triệu cổ phiếu, chiếm hơn 1,59% vốn điều lệ.

Tính ra, tổng số cổ phiếu mà người nhà Phó Chủ tịch HĐQT Lô Bằng Giang đăng ký nhận quyền sở hữu trong đợt này lên đến 111,78 triệu cổ phiếu, tương đương 8,38% vốn điều lệ VPBank.

Nếu tính cả 1,4 triệu cổ phiếu ông Giang trực tiếp nắm giữ, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông này tại VPBank lên đến trên 8,5%. Cũng có nghĩa, ông Giang hiện nắm trong tay quyền cổ đông lớn tại VPBank.

Trước đó, bà Kim Ngọc Cẩm Ly - vợ Phó Chủ tịch VPBank Bùi Hải Quân đã nhận chuyển nhượng 290.992 cổ phiếu, qua đó nâng sở hữu tại VPBank lên hơn 46,4 triệu cổ phiếu, tương đương 4,311% vốn điều lệ.

Được biết, bản thân ông Quân hiên đang trực tiếp sở hữu hơn 26,9 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 2,502%.

Như vậy, vợ chồng Phó Chủ tịch VPBank Bùi Hải Quân hiện sở hữu tổng cộng trên 6,8% vốn điều lệ VPBank, nghĩa là cũng nắm quyền cổ đông lớn tại ngân hàng này.

Biến động quyền lực tại VPBank có thể chưa dứt khi tính đến 31/12/2016, Thành viên Ban kiểm soát Nguyễn Thị Mai Trinh đã nắm 4,52% vốn điều lệ VPBank; Chủ tịch Ngô Chí Dũng nắm 4,126%; Trưởng Ban Kiểm soát Nguyễn Quỳnh Anh (nay đã từ nhiệm) nắm 3,62%. Với lượng cổ phần như trên, các cá nhân này tương đối dễ dàng nâng sở hữu lên trên 5%, qua đó trở thành cổ đông lớn của VPBank.

Tin mới lên