Tài chính

VRE giao dịch thỏa thuận gần 17.000 tỷ, VN-Index vượt mốc 850 điểm

(VNF) - Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một phiên giao dịch với sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu blue-chip.

VRE giao dịch thỏa thuận gần 17.000 tỷ, VN-Index vượt mốc 850 điểm

VRE giao dịch thỏa thuận hơn 17.000 tỷ, VN-Index vượt lên trên mức 850 điểm

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 1,24 điểm, lên mức 850,33 điểm, tương ứng mức tăng 0,15%. HNX-Index giảm 0,26 điểm, xuống còn 104,83 điểm, tương ứng mức giảm 0,25%. UPCOM-Index giảm 0,14 điểm, xuống còn 53,16 điểm, tương ứng mức giảm 0,27%.

Thanh khoản hôm nay có một phiên kỷ lục, đạt tới 20.931 tỷ đồng, tương ứng 625,52 triệu cổ phiếu được giao dịch, trong đó tới 17.366 tỷ đồng đến từ giao dịch thỏa thuận cổ phiếu.

Nhờ thỏa thuận của VRE nên giá trị mua ròng khối ngoại trên thị trường phiên hôm nay tăng đột biến lên hơn 5.710 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng đạt trên 141,3 triệu cổ phiếu.

Tính riêng tại sàn HOSE, khối ngoại đã mua ròng lên đến hơn 5.707,6 tỷ đồng - một kỷ lục mới được xác lập kể từ khi khai sinh thị trường chứng khoán Việt Nam, tương ứng khối lượng mua ròng là hơn 141 triệu cổ phiếu.

Đứng sau VRE về giá trị mua ròng phiên hôm nay là BID với chỉ gần 33 tỷ đồng. Hai mã VNM và VIC được mua ròng lần lượt 28 tỷ đồng và 22,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, VNG bị bán ròng mạnh nhất với 28,7 tỷ đồng. MSN cũng bị bán ròng gần 13 tỷ đồng.

Tâm điểm của thị trường trong phiên hôm nay vẫn là VRE, cổ phiếu này không có giao dịch khớp lệnh nên vẫn duy trì mức giá là 40.550 đồng/cổ phiếu bất chấp có trên 10,4 triệu cổ phiếu dư mua giá trần luôn chờ sẵn. Tổng khối lượng giao dịch của thỏa thuận của VRE phiên hôm nay đạt gần 415 triệu cổ phiếu, trị giá 16.861,3 tỷ đồng, con số này chiếm đến 82,4% tổng giá trị giao dịch sàn HOSE.

Ở nhóm cổ phiếu blue-chip, ROS, VIC tăng điểm ảnh hưởng tích cực đến chỉ số, còn lại, đa số cổ phiếu chìm trong sắc đỏ như SAB, VNM, GAS, VCB….

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, chỉ có CTG tăng 0,5%, MBB tăng 1,5%, VIB tăng 0,9%. Đa số mã còn lại đứng tại mức giá tham chiếu như ACB, BID, EIB, KLB, SHB, STB…

Giá dầu tăng mạnh hôm thứ 2 do bất ổn địa chính trị ở khu vực Trung Đông sau khi thái tử Mohammed bin Salman mạnh tay thực hiện chiến dịch chống tham nhũng, thông tin này đang có tác động rất tích cực tới nhóm cổ phiếu dầu khí như POS tăng 7,6%, PVB tăng 1,8%, PVC tăng 6,2%....

Cổ phiếu DRC giảm 0,5% sau khi đưa ra kế hoạch quý IV/2017 với dự kiến lợi nhuận trước thuế chỉ 23 tỷ đồng, trong khi giá trị sản xuất thực tế lên 952 tỷ và doanh thu bán hàng đạt đến 1.000 tỷ đồng. DRC cũng điều chỉnh kế hoạch năm 2017, trong khi giá trị sản xuất thực tế và doanh thu chỉ giảm nhẹ thì lợi nhuận trước thuế giảm mạnh từ 540 tỷ còn 186 tỷ đồng.

Cổ phiếu SCR giảm 0,4% sau khi quý III đạt doanh thu thuần 271 tỷ đồng, tăng 13,57% và lợi nhuận trước thuế đạt 20 tỷ đồng bằng 13,7% so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, SCR đạt 95,5 tỷ đồng, mới hoàn thành 36,7% kế hoạch cả năm.

Cổ phiếu BMP tăng 0,1% sau khi công ty thống nhất sẽ chi 122,79 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt 1/2017 theo tỷ lệ 15%, tức 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1.500 đồng. Theo thông báo, ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông là ngày 15/11 và thời gian thanh toán cổ tức dự kiến ngày 30/11.

Chỉ số vượt ngưỡng 850 điểm với đà tăng đồng loạt tại nhiều nhóm cổ phiếu trong phiên hôm nay. Việc các nhóm các cổ phiếu blue-chip vẫn luân phiên dẫn dắt thị trường và có sức lan tỏa là yếu tố tích cực trong phiên.

Đồng thời, dòng tiền vẫn cho thấy các dấu hiệu tích cực xác nhận xu hướng tăng trung hạn tiếp diễn khi khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, các nhịp rung lắc vẫn có thể xảy ra khi VN Index tiếp cận vùng cao hơn trước khi xác lập mặt bằng giá mới. 

Khi mùa công bố kết quả kinh doanh Quý III đang dần đi qua, nhà đầu tư nên chọn lọc kỹ lưỡng các cổ phiếu duy trì trong danh mục và có các chiến lược hợp lý với từng nhóm cổ phiếu.

Tin mới lên