Ngân hàng

Vụ cổ tức VietinBank, BIDV: Thua trong thế phải thua

(VNF) – Vụ cổ tức VietinBank, BIDV đã chính thức ngã ngũ khi mới đây, VietinBank đã quyết định "theo chân" BIDV trả cổ tức bằng tiền mặt. Có thể nói, VietinBank và BIDV đã "thua trong thế phải thua", bởi kỷ cương ngân sách không thể bị phá vỡ.

Vụ cổ tức VietinBank, BIDV: Thua trong thế phải thua

VietinBank "theo chân" BIDV chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt

Như vậy là "cuộc chiến" cổ tức giữa VietinBank và Bộ Tài chính đã chính thức ngã ngũ với "phần thắng" nghiêng về phía Bộ Tài chính khi mới đây, VietinBank đã công bố Nghị quyết của HĐQT phê duyệt lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua việc trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt.

Trước đó, BIDV cũng đã "chịu thua" Bộ Tài chính khi quyết định chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8,5%, tương đương mỗi cổ phiếu được nhận 850 đồng. Theo tính toán, Bộ Tài chính sẽ thu về khoảng 2.770 tỷ đồng tiền cổ tức từ BIDV. Nếu VietinBank cũng chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ dao động từ 8% đến 9% thì Bộ Tài chính sẽ thu về khoảng 1.920 tỷ đồng đến 2.160 tỷ đồng.

Tính ra, số tiền mà Bộ Tài chính thu về từ cổ tức của VietinBank và BIDV chưa đến 5.000 tỷ đồng. Tất nhiên đây là một con số lớn, tuy nhiên, nếu so với tổng thu ngân sách lũy kế 11 tháng năm 2016 ở mức 911.200 tỷ đồng thì con số này cũng chẳng phải là lớn.

Nhưng dù là lớn hay không lớn, Bộ Tài chính vẫn buộc phải thu số tiền này, bởi đây là kỷ cương ngân sách.

Sở dĩ thu ngân sách lên đến cả gần triệu tỷ đồng mỗi năm là do Bộ Tài chính phải đi "nhặt từng đồng". Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của VietinBank năm 2015 lên đến 5.700 tỷ đồng, của BIDV lên đến 6.300 tỷ đồng, nguồn lực sử dụng đa phần vẫn là của Nhà nước, vì vậy mà không có lý do gì Bộ Tài chính phải nhượng bộ cho trường hợp của VietinBank và BIDV.

Cái khó của VietinBank và BIDV là có thể hiểu, bởi nếu chia cổ tức bằng tiền, vốn chủ sở hữu của hai ngân hàng này sẽ sụt giảm, đồng nghĩa với việc VietinBank và BIDV sẽ gặp khó trong quá trình đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế rằng, không chỉ VietinBank và BIDV gặp khó, mà còn nhiều doanh nghiệp nhà nước nói riêng và doanh nghiệp nói chung còn ở tình cảnh khó khăn hơn rất nhiều, nhưng vẫn phải đáp ứng yêu cầu ngân sách một cách sòng phẳng. VietinBank và BIDV không thể là trường hợp ngoại lệ.

Vụ cổ tức VietinBank BIDV ngã ngũ

Kỷ cương ngân sách không cho phép VietinBank và BIDV là trường hợp ngoại lệ

Hơn nữa, cái khó của VietinBank và BIDV là cái khó mang tính mục tiêu nhiều hơn là khó khăn thực sự bởi lợi nhuận năm 2015 vẫn duy trì ở mức hàng nghìn tỷ đồng, không thua gì các năm trước đó. Rõ ràng, Bộ Tài chính không hề "tận thu" khi yêu cầu VietinBank và BIDV trả cổ tức bằng tiền mặt, nhất là khi tỷ lệ trả cổ tức cũng không phải là cao.

Có thể nói, VietinBank và BIDV đã "thua trong thế phải thua", bởi nếu VietinBank và BIDV "thắng" Bộ Tài chính thì kỷ cương ngân sách sẽ không được đảm bảo.

Dù sao thì chặng đường tăng vốn phía trước của VietinBank và BIDV sẽ trở lên áp lực hơn khi hai ngân hàng này đang có những khó khăn riêng. Đối với VietinBank, tỷ lệ sở hữu Nhà nước của ngân hàng này đã chạm trần 65% theo quy định tại Nghị quyết số 15/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc ngân hàng này sẽ không thể tăng vốn cấp 1. Tuy nhiên, VietinBank vẫn còn dư địa tăng vốn cấp 2.

Trường hợp của BIDV thì có phần ngược lại, bởi ngân hàng này không còn dư địa tăng vốn cấp 2, tuy nhiên, với tỷ lệ sở hữu Nhà nước vẫn ở mức 95,28%, BIDV không thiếu dư địa tăng vốn cấp 1, cái khó là ngân hàng này vẫn không tìm được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong suốt nhiều năm qua.

Tin mới lên