Tài chính quốc tế

Vụ Hồ sơ Panama: Thủ tướng Pakistan bị tòa án tối cao phế truất

(VNF) - Theo tiết lộ từ Hồ sơ Panama, Thủ tướng Nawaz Sharif đã che giấu, không khai báo về những công ty và bất động sản do các con mình đứng tên ở nước ngoài, trong đó có cô con gái Maryam Nawaz, người được cho là sẽ nối nghiệp cha trên con đường chính trị.

Vụ Hồ sơ Panama: Thủ tướng Pakistan bị tòa án tối cao phế truất

Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif.

Theo Reuters, Tòa án tối cao Pakistan ngày 18/7 đã ra phán quyết phế truất Thủ tướng Nawaz Sharif sau khi cơ quan điều tra tuyên bố các thành viên trong gia đình ông không thể đưa ra giải trình về số tài sản kếch xù mà họ có được. Tòa án cũng yêu cầu mở một cuộc điều tra hình sự nhằm vào Thủ tướng Sharif và gia đình ông.

"Ông ấy không đủ tư cách để trở thành một thành viên trung thực của quốc hội, và không được phép nắm giữ chức vụ thủ tướng", Thẩm phán Ejaz Afzal Khan nói trước tòa.

Ông Sharif, 67 tuổi, vẫn một mực phủ nhận mọi cáo buộc và cho rằng cuộc điều tra nhằm vào ông là thiên vị và không chính xác.

Theo tiết lộ từ Hồ sơ Panama, Thủ tướng Nawaz Sharif đã che giấu, không khai báo về những công ty và bất động sản do các con mình đứng tên ở nước ngoài, trong đó có cô con gái Maryam Nawaz, người được cho là sẽ nối nghiệp cha trên con đường chính trị. 

Cụ thể, thông tin từ Hồ sơ Panama cho thấy, 3 trong số 4 người con của Thủ tướng đều có tên trong Hồ sơ Panama và được cho là chủ sở hữu của rất nhiều tài sản có giá trị cao cất giấu tại những "thiên đường về thuế", trong đó có nhiều biệt thự xa hoa tọa lạc tại một trong những thành phố sầm uất nhất thế giới là London, Vương quốc Anh.

Ngay khi "Hồ sơ Panama" được tiết lộ, Đảng PTI và nhiều đảng đối lập ở Pakistan đã yêu cầu Thủ tướng phải giải trình về nguồn gốc của khối tài sản này. Do Thủ tướng không giải trình nên Đảng PTI cũng đã đề nghị Tòa án tối cao vào cuộc điều tra về hành vi gian dối, thậm chí là hành vi rửa tiền của Thủ tướng.

Không những thế, Đảng PTI còn cáo buộc gia đình Thủ tướng sở hữu nhiều doanh nghiệp không chỉ ở Pakistan mà còn ở nhiều quốc gia vùng Vịnh, đề nghị Tòa án Tối cao điều tra luôn về những doanh nghiệp này. Thế nhưng, phải hơn một năm sau tức là vào tháng 4/2017, Tòa án Tối cao mới chính thức mở cuộc điều tra tham nhũng đối với đương kim Thủ tướng Nawaz Sharif.

Không chỉ ông Sharif mà cả 3 người con của ông đều nằm trong diện điều tra của các cơ quan chức năng Pakistan.

Theo bảng xếp hạng chỉ số tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), năm 2016, Pakistan gần như "đội sổ" khi xếp thứ 116/176.

Việc Tòa án tối cao đưa ra các biện pháp trừng phạt Thủ tướng Sharif hoặc các thành viên trong gia đình ông có thể đẩy Chính phủ Pakistan rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng trong bối cảnh nước này đang trải qua thời kỳ tăng trưởng thấp và an ninh chưa có nhiều cải thiện sau nhiều năm bất ổn. Năm 2012, tòa án này từng kết tội Thủ tướng Pakistan khi đó Yusuf Raza Gilani coi thường tòa án, buộc ông này phải từ chức.

Sau khi ông Sharif bị phế truất, đảng cầm quyền buộc phải lựa chọn một thủ tướng lâm thời để điều hành đất nước cho tới khi cuộc bầu cử tiếp theo diễn ra vào năm sau.

Tin mới lên