Thị trường

Vụ 'khủng bố' bằng đất: Công nhân quyết không bỏ rơi ông chủ Nhật

(VNF) - Công ty bị lấp đất chặn cổng, triệt nguồn nước và dù ông chủ Nhật Bản cho nghỉ làm vẫn tính lương nhưng công nhân của Công ty Tango Candy vẫn quyết trèo qua rào chắn để làm việc vì không muốn ông chủ bị thiệt hại.

Vụ 'khủng bố' bằng đất: Công nhân quyết không bỏ rơi ông chủ Nhật

Ông Tango Horasuke đứng cùng công nhân của mình. Hơn 250 công nhân của ông đều là người nghèo, sức khỏe yếu nên chọn công việc làm kẹo thủ công cùng ông chủ Nhật. Ảnh: Dân Việt

Chủ khu công nghiệp đổ đất bít cổng doanh nghiệp nước ngoài

Vừa qua, dư luận xôn xao việc một số doanh nghiệp nước ngoài trong Khu Công nghiệp Tân Đức (huyện Đức Hòa, Long An) bị chủ đầu tư khu công nghiệp (KCN) Tân Đức dùng xe tải nặng, trụ bê tông và đổ đất chắn cổng ra vào. Các doanh nghiệp này đang mâu thuẫn với Công ty Tân Đức về mức phí duy tu cơ sở hạ tầng.

Theo đó, phía Tân Đức yêu cầu doanh nghiệp phải nộp mức phí 10.018 đồng/m2 trong khi các doanh nghiệp muốn mức 8.500 đồng/m2 và giữa hai bên không thống nhất được con số nên Tân Đức tiến hành bịt cổng một số doanh nghiệp.

Theo Dân Việt, ông Trần Dương - Giám đốc truyền thông của Công ty Tân Đức cho biết, KCN Tân Đức hoạt động từ năm 2005 và chưa thu phí sử dụng hạ tầng. Đến năm 2012, Tân Đức đã mời đơn vị kiểm toán độc lập và xác định mức phí là 12.254 đồng/m2/năm, dựa trên chi phí bình quân hằng năm mà công ty chi cho việc duy tu cơ sở hạ tầng giai đoạn 1.

"Chúng tôi đã chấp nhận bù lỗ 20%, áp dụng thu phí cơ sở hạ tầng từ năm 2013 với đơn giá 10.018 đồng/m2/năm. Chúng tôi cũng đã có văn bản xin được thu phí cơ sở hạ tầng và được ban quản lý Khu kinh tế Long An chấp thuận. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam nghiêm túc thực hiện đóng phí duy tu cơ sở hạ tầng theo quy định thì một số doanh nghiệp nước ngoài cố tình không đóng".

"Mặc khác, có doanh nghiệp còn ngang nhiên công kích, chống đối và lật lọng một cách trắng trợn, tiêu biểu là Công ty Tango Candy của Nhật Bản", ông Dương khẳng định.

 Công ty Tân Đức đã cho người lắp barie chặn cổng ra vào, đồng thời đào ống nước, triệt luôn nguồn nước của Công ty Tango Candy.

Tango Candy là công ty 100% vốn Nhật Bản, với hơn 250 công nhân chuyên sản xuất bánh kẹo cao cấp xuất sang Mỹ và các nước châu Âu, hoạt động từ năm 2009 tại Long An.

Trong thông cáo báo chí, Công ty Tân Đức nêu nguyên nhân dẫn đến việc công ty này bít cổng doanh nghiệp Nhật Bản và cho rằng phía Tango Candy "làm xấu mối quan hệ ngoại giao hai nước Việt - Nhật và làm mất đi hình ảnh đẹp của người Nhật trong suy nghĩ của người Việt Nam".

Công nhân quyết không rời ông chủ người Nhật

Sáng 21/3, vị giám đốc người Nhật là ông Tango Hirosuke (77 tuổi) muốn công nhân nghỉ làm việc vì lý do an toàn. Ông nói lương thưởng vẫn trả đầy đủ, nhưng toàn bộ công nhân đều đứng chờ ở ngoài công ty. Tuy nhiên, công nhân cho biết sẽ trèo qua rào chắn để làm việc chứ không muốn ông chủ của họ bị thiệt hại. 

Đại diện Công ty Tango Candy cũng đã gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng tỉnh Long An liên quan đến việc chủ đầu tư KCN. Do điện, nước bị chặn nên việc sản xuất bị đình trệ. Đồng thời, cổng của công ty cũng bị rào chắn nên hàng hóa cũng không được ra vào, các đơn hàng bị chậm trễ và bị đối tác phạt nặng.

Đến sáng 24/3, theo ghi nhận của PV Dân Việt, Công ty Tân Đức vẫn không tháo dỡ rào chắn trước cổng Công ty Nhật Bản Tango Candy, đồng thời phát đơn khởi kiện, yêu cầu Tango Candy phải đóng phí duy tu cơ sở hạ tầng.

Dù Tân Đức dùng nhiều biện pháp tạo áp lực nhưng công nhân Tango Candy vẫn trèo qua các đống đất, trèo rào chắn để vào bên trong làm việc. Hơn 250 công nhân của công ty vẫn quyết đi làm không vắng mặt ngày nào.

Công nhân trèo qua đống đất của Tân Đức lấp trước cổng.

Từ ngày bị "khủng bố" bằng hàng chục tấn đất sét, ông Tango Hirosuke cho biết mỗi ngày Công ty Tango Candy thiệt hại khoảng hàng chục nghìn USD. Thế nhưng, giám đốc công ty này tuyên bố sẽ không nhượng bộ, dù mức tiền mà đối tác đang đòi chỉ chênh lệch khoảng 15 triệu đồng/năm - thấp hơn rất nhiều so với thiệt hại mà doanh nghiệp đang gánh chịu.

"Việc không đúng thì dù 1 đồng chúng tôi cũng không chi. Chúng tôi muốn minh bạch", ông chủ Nhật nói.

Tin mới lên