Ngân hàng

Vụ lãnh đạo chi nhánh Eximbank chiếm 245 tỷ rồi bỏ trốn: 'Con dại, cái mang'

(VNF) – Eximbank vài năm gần đây đã phải "vật lộn" với rất nhiều vấn đề. Tình hình mới chỉ cơ bản ổn định trở lại trong năm 2017 và giai đoạn tới sẽ là giai đoạn tái cơ cấu toàn diện. Uy tín là rất quan trọng trong thời điểm này. Thế nhưng, số tiền 245 tỷ là rất lớn. Nếu bồi hoàn, thiệt hại với Eximbank là rất nặng nề.

Vụ lãnh đạo chi nhánh Eximbank chiếm 245 tỷ rồi bỏ trốn: 'Con dại, cái mang'

Số tiền 245 tỷ là rất lớn. Nếu bồi hoàn, thiệt hại với Eximbank là rất nặng nề.

Eximbank đang phải đối mặt với một trong những vụ bê bối "bốc hơi" tài khoản lớn nhất mà ngân hàng này từng đối mặt. Số tiền biến mất lên đến 245 tỷ đồng.

Cụ thể, bà C.T.B – khách hàng lâu năm và là một trong số khách hàng VIP của hệ thống Eximbank từ năm 2011 – đã ủy quyền giao dịch tiền gửi tiết kiệm cho ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP. HCM.

Ông Hưng sau đó đã tranh thủ sự tin tưởng của bà C.T.B, cùng nhân viên của Eximbank đến nhà riêng của bà B. để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi của bà B.

Thế nhưng, trên thực tế, ông Lê Nguyễn Hưng đã làm giả văn bản người được ủy quyền để rút tiền từ tài khoản của bà B, chiếm đoạt số tiền lên tới 245 tỷ đồng.

Hai cá nhân giả ủy quyền của bà B. để rút tiền có tên là Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Minh Huân. Bà B. cho biết bà hoàn toàn không biết hai cá nhân này là ai, nhưng giấy uỷ quyền họ làm giả cả chữ ký của bà B.

Khi nghi ngờ bị lừa đảo và đối chiếu, phát hiện tiền trong tài khoản "bốc hơi", bà B. đã đến làm việc với Tổng giám đốc Eximbank và trình báo với Cơ quan Cảnh sát điều tra phía Nam (C44B - Bộ Công an).

Ngân hàng Eximbank cũng đã chủ động làm đơn tố cáo ông Hưng và gửi lên cơ quan điều tra.

Được biết, ông Hưng đã trốn ra nước ngoài từ cuối năm 2016.

Đầu tháng 2/2018, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Eximbank chi nhánh TP. HCM.

Về hướng xử lý vụ bê bối này, Tổng giám đốc Eximbank Lê Văn Quyết khẳng định, quan điểm của Eximbank là trong mọi trường hợp, quyền lợi hợp pháp của khách hàng luôn luôn được bảo vệ.

"Nếu tòa án khẳng định ngân hàng Eximbank phải có trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ số tiền đã bị mất cho khách hàng thì chúng tôi sẽ lập tức trả ngay", ông Quyết nhấn mạnh.

Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong ngành ngân hàng vốn không phải sự lạ. Có những vụ án lừa đảo số tiền lên tới cả nghìn tỷ đồng. Khi đưa ra tòa, phải "xét xử lên, xét xử xuống" mà vẫn chưa kết thúc. Nhiều trường hợp ngân hàng được kết luận không phải bồi hoàn mà trách nhiệm bồi hoàn thuộc về cá nhân, tập thể lừa đảo.

Bồi hoàn hay không bồi hoàn là tốt cho ngân hàng? Nếu không bồi hoàn, uy tín của ngân hàng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, trong khi đặc thù ngành ngân hàng là kinh doanh uy tín. Còn nếu bồi hoàn, ngân hàng sẽ "mất đứt" số tiền mà trong nhiều trường hợp không hề nhỏ.

Với trường hợp của Eximbank, con số 245 tỷ là rất lớn. Để dễ hình dung, số tiền 245 tỷ đồng gấp 4,3 lần lợi nhuận sau thuế của Eximbank năm 2014, gấp 6 lần lợi nhuận năm 2015, bằng 80% lợi nhuận năm 2016 và bằng 30% lợi nhuận năm 2017.

Eximbank vài năm gần đây đã phải "vật lộn" với rất nhiều vấn đề: lùm xùm nhân sự, bê bối uy tín, thị phần bị lấn át, kết quả kinh doanh giảm sút. Tình hình mới chỉ cơ bản ổn định trở lại trong năm 2017 và giai đoạn tới sẽ là giai đoạn tái cơ cấu toàn diện. Uy tín là rất quan trọng trong thời điểm này.

Thế nhưng, như đã đề cập, con số 245 tỷ là rất lớn. Nếu bồi hoàn, thiệt hại với Eximbank là rất nặng nề.

"Con dại, cái mang". Dù thế nào, trách nhiệm của Eximbank với vụ bê bối này là rất rõ ràng. Uy tín vẫn là điều quan trọng nhất, nền tảng bền vững nhất với các ngân hàng.

Tin mới lên