Tiêu điểm

Vụ lừa đảo 245 tỷ đồng tại Eximbank: 'Tiền của tôi, vì sao phải ra tòa?'

(VNF) - Cuộc gặp gỡ lần thứ 2 giữa Eximbank và bà Chu Thị Bình để giải quyết vụ việc "bốc hơi" 245 tỷ đồng trong tài khoản vẫn rơi vào bế tắc. Bà Chu Thị Bình tiếp tục giữ nguyên quan điểm Eximbank phải trả tiền "ngay và luôn", còn phía Eximbank thì kiên quyết chỉ trả tiền sau khi có phán quyết của tòa.

Vụ lừa đảo 245 tỷ đồng tại Eximbank: 'Tiền của tôi, vì sao phải ra tòa?'

Bà Chu Thị Bình

Trao đổi với VietnamFinance sau buổi làm việc cùng Ngân hàng Eximbank sáng 6/3, bà Chu Thị Bình (người bị mất 245 tỷ đồng tại Eximbank) cho rằng không chỉ những buổi làm việc gần đây mà bà đã kiên nhẫn làm việc với nhà băng này cả năm rồi nhưng vẫn chưa thể lấy được tiền. Đến nay ngân hàng lại tiếp tục trả lời là chưa thể làm theo yêu cầu mà bà đưa ra.

Ngân hàng kiên quyết chờ ra tòa

Theo bà Chu Thị Bình, trong cuộc gặp sáng nay (lúc 11h), phía Eximbank vẫn đưa ra đề nghị hoàn trả tạm ứng với số tiền 14,8 tỷ đồng. Số tiền còn lại sẽ hoàn trả sau khi tòa án có phán quyết ngân hàng là bên bị thiệt hại. 

"Eximbank đưa ra thỏa thuận tạm ứng 14,8 tỷ đồng với lý do hỗ trợ khó khăn cho gia đình tôi, đồng thời yêu cầu tôi cam kết bảo mật thông tin cho cả hai bên. Vì thế, tôi không đồng ý. Đáng nói là cuộc gặp gỡ này cũng không thấy Eximbank đề cập gì đến số tiền 245 tỷ đồng của tôi bị ‘bốc hơi’ tại ngân hàng này", bà Bình bức xúc.

Theo bà Bình, 245 tỷ đồng tiền gửi tại Eximbank là mồ hôi công sức, gửi tiết kiệm bằng tiền thật, cập nhật vào sổ sách của ngân hàng. Đến bây giờ rút tiền, sổ vẫn cầm nhưng ngân hàng chối bỏ trách nhiệm.

"Nhiều tháng nay, mỗi lần làm việc với nhau lại là một lần hứa vòng quanh của đại diện ngân hàng. Ban lãnh đạo ngân hàng, trực tiếp là ông Lê Văn Quyết (Tổng giám đốc) và bà Bùi Thị Thiện Tâm (Giám đốc chi nhánh TP. HCM) cứ hẹn khi có kết luận điều tra thì giải quyết. Đến khi có kết luận của cơ quan điều tra thì lại cho rằng kết luận này chưa đủ, chờ ra tòa. Tiền của tôi, vì sao ra tòa? Eximbank quản lý nhân viên lỏng lẻo, để nhân viên của mình lừa khách hàng rồi bắt khách hàng phải chịu là vô lý…", bà Bình nói.

Cũng theo bà Bình, Cơ quan cảnh sát điều tra (C44) - Bộ Công An đã có văn bản thông báo cho bà biết C44 đã xác định Lê Nguyễn Hưng lập chứng từ giả mạo liên quan đến sổ tiết kiệm của bà Bình, chiếm đoạt hơn 245 tỷ đồng của Eximbank. C44 còn cho biết đang điều tra vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Eximbank chi nhánh TP. HCM" và xác định Eximbank là bên bị hại.

Đồng thời, C44 cũng yêu cầu bà Chu Thị Bình liên hệ với Eximbank chi nhánh TP. HCM để giải quyết quyền lợi và lợi ích hợp pháp.

Bà Chu Thị Bình chia sẻ với báo giới

Tiền lệ xấu cho quan hệ tiền gửi giữa khách hàng và ngân hàng?

Liên quan đến vụ việc, luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, người đại diện pháp luật cho bà Chu Thị Bình, giải thích: Theo quy định của chính Eximbank, trong trường hợp khách hàng ủy quyền rút tiền cho người khác thì người được ủy quyền phải có sổ tiết kiệm. Còn giấy ủy quyền phải được lập tại Eximbank hoặc phải có công chứng, chính quyền địa phương xác nhận. Trong khi hiện bà Chu Thị Bình đang giữ 3 cuốn sổ tiết kiệm gửi tiền vào Eximbank còn số tiền 245 tỷ đồng đã bốc hơi.

"Vì thế việc Eximbank yêu cầu chờ phán quyết cuối cùng của tòa án rồi mới trả số tiền 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình có thể sẽ tạo ra một tiền lệ xấu trong quan hệ tiền gửi giữa khách hàng và ngân hàng", ông Hoài nhận định.

Trong khi đó, bà Chu Thị Bình thì cho biết thêm: "Eximbank nói tôi không chủ động là không đúng, ngay khi sự việc xảy ra tôi tới ngân hàng ngay. Tôi yêu cầu báo công an, báo Ngân hàng Nhà nước ngay. Thời điểm đó chị Tâm (bà Bùi Thị Thiện Tâm, Giám đốc chi nhánh TP. HCM) nói tôi yên tâm, chắc có lẫn lộn đâu đó, cần cho ngân hàng thời gian xử lý. 3 ngày sau thì anh Quyết (ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank) nói trên hệ thống không thể hiện tiền tôi gửi nhưng anh không làm việc với tôi mà đi báo công an, báo truyền thông..."

Được biết, việc bà Chu Thị Bình bị "rút ruột" 245 tỷ đồng xảy ra tại Eximbank chi nhánh TP. HCM được phát hiện từ cuối tháng 2/2017, khi khách hàng này khiếu nại số dư trên sổ tiết kiệm không trùng khớp với số dư thể hiện trên bản gốc các sổ tiết kiệm. Toàn bộ giao dịch của bà Bình với ngân hàng trước đó đều do ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM, đảm nhiệm.

Theo kết quả điều tra của C44 (Bộ Công An), ông Hưng đã lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình để làm giả văn bản người được ủy quyền rút tiền từ tài khoản, chiếm đoạt trót lọt 245 tỷ đồng của bà Bình và đã bỏ trốn ra nước ngoài.

Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Eximbank chi nhánh TP.HCM. 

Tin mới lên