Tài chính

Vụ Nguyễn Kim nợ thuế 148 tỷ đồng: ‘Lách thuế’ trong thời gian dài là ‘trốn thuế’

Theo luật sư thì nếu xác định được hành vi của Nguyễn Kim được thực hiện với lỗi cố ý trong thời gian dài thì hành vi của doanh nghiệp này thỏa mãn cấu thành tội “trốn thuế”. Cục Thuế TP. HCM cũng đã tiến hành cưỡng chế về thuế với Nguyễn Kim.

Vụ Nguyễn Kim nợ thuế 148 tỷ đồng: ‘Lách thuế’ trong thời gian dài là ‘trốn thuế’

Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục thuế TP. HCM khẳng định, đến cuối ngày 13/7 thì Nguyễn Kim vẫn chưa nộp số tiền truy thu theo quyết định của Cục thuế thành phố.

Liên quan đến vụ việc Công ty Cổ phẩn Thương mại Nguyễn Kim (Nguyễn Kim) bị Cục Thuế TP. HCM xử phạt và truy thu số tiền thuế “khủng” lên đến hơn 148 tỷ đồng, trong đó truy thu thuế thu nhập cá nhân với số tiền 104,7 tỷ đồng thì luật sư Thùy Dương đã đưa ra nhiều nhận định về pháp lý.

Luật sư Thùy Dương, Công ty luật Trương Anh Tú cho biết thuế thu nhập cá nhân là khoản tiền mà người có thu nhập phải trích nộp một phần tiền lương hoặc từ các nguồn thu nhập khác nộp vào ngân sách Nhà nước.

Trong trường hợp của Nguyễn Kim, người lao động đã ủy quyền cho doanh nghiệp này kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, Nguyễn Kim đã “lách” thuế thu nhập cá nhân bằng cách chuyển từ tiền lương chức danh, tiền thưởng của nhân viên (thu nhập chịu thuế) thành tiền tăng ca, làm thêm giờ (thu nhập không chịu thuế).

Mặc dù số tiền “lách” thuế nói trên Nguyễn Kim vẫn chi trả cho người lao động nhưng không thể phủ nhận hậu quả của hành vi mang lại là gây thất thu cho ngân sách Nhà nước cả trăm tỷ đồng.

Muốn xác định hành vi của Nguyễn Kim là “kê khai sai” hay hành vi trốn thuế phải xem xét hành vi này là cố ý hay vô ý, mức độ cố ý tới đâu, có gian dối hay không. Kết luận chỉ chính xác nếu có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để điều tra toàn diện các chứng từ, sổ sách của công ty.

“Nếu xác định được hành vi của Nguyễn Kim được thực hiện với lỗi cố ý trong thời gian dài thì tôi nhận định hành vi của Nguyễn Kim thỏa mãn cấu thành Tội trốn thuế theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành”, luật sư Thùy Dương nói.

Bởi theo luật sư Dương, Nguyễn Kim đã cố tình hạch toán, kê khai sai tiền lương của cán bộ nhân viên để nộp tiền thuế thu nhập cá nhân ít hơn mức thuế phải nộp. Đây là hành vi “sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn” theo quy định tại điểm đ, Khoản 1, Điều 200 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội “trốn thuế”.

Mặt khác, hành vi này xâm phạm đến hoạt động thu ngân sách nhà nước, dẫn đến thất thu ngân sách và Nguyễn Kim là pháp nhân có năng lực trách nhiệm hình sự (thỏa mãn điều kiện về chủ thể phạm tội).

Tuy nhiên, luật sư Thùy Dương cũng cho rằng vấn đề trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân chỉ được đặt ra từ 1/1/2018 là thời điểm Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) có hiệu lực thi hành.

Bởi vậy, cần phải xác định số tiền Nguyễn Kim đã kê khai sai để xác định sai thuế phải nộp tính từ 1/1/2018 đến nay là bao nhiêu? Nếu số tiền trốn thuế từ 200 triệu đồng trở lên hoặc dưới 200 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 Bộ luật hình sự chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì Nguyễn Kim sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế và sẽ bị xử lý theo quy định tại Khoản 5, Điều 200 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017).

“Hiện nay, Bộ luật hình sự mới đã cởi mở hơn khi xử lý vi phạm về thuế so với Bộ luật hình sự trước đây. Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội trốn thuế, cá nhân người vi phạm có thể lựa chọn giữa hình thức bị phạt tiền hoặc bị phạt tù. Riêng với pháp nhân vi phạm thì số tiền phạt tối đa là 10 tỷ đồng hoặc bị tạm ngưng hoạt động” luật sư Thùy Dương nói.

Luật sư Thùy Dương cho rằng, qua sự việc trên, Nguyễn Kim nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung nên rút kinh nghiệm sâu sắc trong nghĩa vụ kê khai, nộp thuế với Nhà nước. Người lao động có mức thu nhập tốt được trả từ doanh nghiệp thì cần phải đóng thuế để đảm bảo sự công bằng của tất cả công dân trước pháp luật. Các doanh nghiệp cố tình tránh thuế đều cần phải xử phạt nặng để làm gương.

Trước đó, ông Bùi Văn Nam, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế cho biết, đơn vị này đã nhận được báo cáo của Cục Thuế TP. HCM về vụ việc của Nguyễn Kim.

Theo báo cáo, sau khi nhận được đơn tố cáo của một cá nhân, Cục Thuế TP. HCM đã tiến hành thanh tra Nguyễn Kim và có cơ sở để ra quyết định truy thu thuế thu nhập cá nhân của doanh nghiệp này.

Ngày 13/7, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục thuế TP. HCM khẳng định, đến cuối ngày 13/7 thì Nguyễn Kim vẫn chưa nộp số tiền truy thu theo quyết định của Cục thuế thành phố. Chính vì vậy, cơ quan này đã ra quyết định cưỡng chế về thuế đối với Nguyễn Kim, tức hạn chế thanh toán hóa đơn, phong tỏa tài khoản ngân hàng...

Tin mới lên