Bất động sản

Vụ nhấn 1 triệu m3 bùn cát xuống biển: Ai đã mạo danh các nhà khoa học?

(VNF) – Dự án nhấn chìm 1 triệu m3 bùn cát xuống vùng biển gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Nhất là khi có 3 nhà khoa học lên tiếng xác nhận bị đơn vị tư vấn mạo danh trong hồ sơ dự án.

Vụ nhấn 1 triệu m3 bùn cát  xuống biển: Ai đã mạo danh các nhà khoa học?

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1

Dự án nhấn chìm 1 triệu m3 bùn cát xuống vùng biển Bình Thuận có tên đầy đủ là "Dự án nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1". Dự án do Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 làm chủ, đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam.

Dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép ngày 23/6/2017. Theo đó, khu vực biển sử dụng để nhấn chìm có diện tích 30 ha, có độ sâu lớn nhất không quá 36 m. Vị trí khu vực biển sử dụng để nhấn chìm cách Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 12,2km, cách trung tâm Hòn Cau 8,2km, cách bãi cạn Breda 5km.

Vụ nhấn 1 triệu m3 bùn cát  xuống biển: Ai đã mạo danh các nhà khoa học? ảnh 1

Sơ đồ nhấn chìm 1 triệu m3 chất bùn cát xuống biển Vĩnh Tân

Theo ông Phạm Ngọc Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chất nhấn chìm tại biển Vĩnh Tân không phải là chất thải của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Thành phần của 1triệu m3 chất nhận chìm này có 80% là sạn sỏi cát, 18% là vỏ ốc, sò và chỉ có 2% là bùn, sét.

"Đây là chất có từ lâu đời dưới biển, nay vì nhu cầu cho tàu vào chúng ta phải đào nó lên và đem chuyển nó đi chỗ khác. Nó là của biển và chúng ta đưa nó về biển", ông Sơn nói.

Trấn an dư luận về việc nhấn chìm này, một lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường từng khẳng định: Khu vực đáy biển nơi xả thải chỉ có cát, không có các hệ sinh thái, sinh vật biển sinh sản, cũng như các loại san hô hay cỏ biển.

Tuy nhiên, những bằng chứng do giới khoa học và báo chí đưa ra về hệ sinh thái biển gần khu vực nhấn chìm đã buộc Bộ Tài nguyên & Môi trường phải tiến hành khảo sát lại đáy biển!

Sự việc "cấp phép trước, khảo sát sau" của Bộ chưa kịp lắng thì dư luận lại dậy sóng khi có 3/14 nhà khoa học cho biết mình bị mạo danh trong việc lập hồ sơ dự án nhấn chìm.

Cụ thể, các nhà khoa học gồm: TS Nguyễn Tác An (nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang), ThS Nguyễn Ngọc Bảo Trâm (Trung tâm Quy hoạch và quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam) và ThS Lê Thị Vân Linh đều xác nhận chưa từng tham gia lập hồ sơ dự án.

Vụ nhấn 1 triệu m3 bùn cát  xuống biển: Ai đã mạo danh các nhà khoa học? ảnh 2

Ít nhất 3 nhà khoa học lên tiếng xác nhận mình bị mạo danh

Vậy ai đã mạo danh những nhà khoa học này để "đánh lừa" cơ quan chức năng trong việc cấp phép dự án nhấn chìm 1 triệu m3 bùn cát xuống biển Vĩnh Tân?

Trả lời báo giới về sự việc này, ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, khẳng định ông không hề biết có việc này.

"Thực tế hồ sơ dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát sau nạo vét là do đơn vị tư vấn thực hiện. Tất cả hồ sơ từ báo cáo đánh giá tác động môi trường hay dự án đều do đơn vị tư vấn có đầy đủ năng lực, chức năng theo quy định pháp luật thực hiện. Đối với danh sách những người tham gia dự án như thế nào đều do đơn vị tư vấn xác định" – báo Pháp luật TP. HCM dẫn lời ông Thành cho hay.

Tuy nhiên, khi trao đổi với ông Hà Quốc Quân – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam – đơn vị tư vấn cho việc nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận – thì ông Quân cho biết dự án này trước đây do Trung tâm Quy hoạch và quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam và Trung tâm dịch vụ Tài nguyên Môi trường biển làm tư vấn (Giám đốc là ông Hoàng Minh Toàn).

"Đơn vị này nộp hồ sơ đầu tiên ngày 26/8/2016 và công ty chúng tôi chỉ kế thừa đơn vị này. Chúng tôi không biết công ty này lấy ý kiến các nhà khoa học ra sao. Chúng tôi bị liên đới và ảnh hưởng đến công ty rất nhiều trước thông tin các nhà khoa học bị mạo danh", ông Quân nói.

Ông Quân thừa nhận "Có thiếu sót là không kiểm tra lại các thông tin" và rằng "Tôi chỉ là người kế thừa dự án này nên không thể bỏ tên các nhà khoa học đi vì mình phải tôn trọng họ. Các nhà khoa học kia do đơn vị kia làm việc thì họ phải có trách nhiệm giải trình với các nhà khoa học và các bên liên quan".

Như vậy cho đến nay, việc xác định ai là người mạo danh các nhà khoa học trong hồ sơ dự án nhấn chìm 1 triệu m3 bùn cát xuống biển Vĩnh Tân vẫn chưa được làm rõ.

Trong khi đó, ở một diễn biến liên quan, chiều 21/7, Hội Nghề cá Việt Nam đã có đơn kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cho tạm dừng khẩn cấp giấy phép đổ 1 triệu m3 bùn cát xuống biển.

Hội cho rằng bùn thải cửa sông có trầm tích lắng đọng của các hóa chất độc do chất thải nhà máy, bệnh viện gồm kim loại nặng, thuốc trừ sâu... Trong đó, có nhiều loại chất độc hàng chục năm không phân hủy như Dioxin, 2,4D… Ngoài ra, việc đổ một lượng bùn lớn xuống biển, trong điều kiện sóng gió, thủy triều thì chỉ trong vài ngày lượng bùn này sẽ bị sóng đưa đi bồi đắp làm chết sinh vật đáy, làm thay đổi môi trường sinh thái của khu bảo tồn biển Hòn Cau.

"Việc trong báo cáo đánh giá tác động môi trường nói là nhận bùn xuống đáy biển chỉ là cách nói kiểu lách luật", Hội Nghề cá nhấn mạnh.

Tin mới lên