Thị trường

WB: Việt Nam 2016 tăng trưởng mạnh bất chấp đà giảm khu vực

(VNF) - Bất chấp tăng trưởng ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương được dự báo sẽ chậm lại, kinh tế Việt Nam dự kiến đầy lạc quan trong năm 2016.

WB: Việt Nam 2016 tăng trưởng mạnh bất chấp đà giảm khu vực

Theo Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu 2016 mới được công bố, Ngân hàng thế giới (WB) đã đưa ra những nhận định khá bi quan về kinh tế toàn cầu trong năm 2016.

Theo đó, WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 xuống còn 2,9% từ mức 3,3% đưa ra hồi tháng 6. Năm 2015, kinh tế thế giới tăng trưởng 2,4%, giảm so với mức 2,6% của năm 2014 và thấp hơn 0,4% so với dự báo đưa ra hồi tháng 6 của WB. 

Dự báo tăng trưởng cho kinh tế Mỹ cũng bị hạ từ 2,8% xuống còn 2,7% với nguyên nhân là đồng USD tăng giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu. Trong khi đó chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ giúp Nhật Bản và Khu vực đồng tiền chung châu Âu duy trì được đà phục hồi mong manh.

Tổ chức này nhận định rằng đà giảm tốc của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc sẽ khiến thị trường hàng hóa tiếp tục suy giảm, trong khi Nga và Brazil được dự kiến ​​sẽ vẫn trong tình trạng suy thoái trong năm 2016.

Tăng trưởng ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương dự báo sẽ chậm lại xuống còn 6,3% trong năm 2016 từ 6,4% năm 2015, giảm so với mức 6,8% năm 2014.

Trong đó tại Trung Quốc, tăng trưởng được dự báo sẽ giảm xuống còn 6,7% năm 2016 từ mức 6,9% trong năm 2015. Các rủi ro bao gồm đà suy giảm nhanh hơn dự kiến ​​của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và khả năng bất ổn thị trường tài chính nước này.

Mức nợ cao là rủi ro trong ngắn hạn của Trung Quốc. Tỷ lệ nợ trên GDP của nước này cao hơn hầu hết các nước đang phát triển. Tuy nhiên WB cho rằng Chính phủ Trung Quốc vẫn có thể tung ra các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng bằng chi ngân sách trong trường hợp tăng trưởng quá thấp.

Đáng chú ý, WB cho biết trong khi các nước khu vực Đông Á - Thái Bình Dương như Indonesia và Malaysia tăng trưởng yếu trong xuất khẩu hàng hóa, thì Việt Nam lại có tăng trưởng mạnh hơn dự báo.

Theo WB, Philippines và Việt Nam là một trong những nước có triển vọng tăng trưởng mạnh nhất khu vực. Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt trung bình 6,3% trong giai đoạn 2016 - 2018. Tuy nhiên, dòng vốn FDI đổ vào Philippines sẽ chậm lại, trong khi Việt Nam vẫn hấp dẫn  đầu tư nước ngoài nhờ những cải tổ mạnh mẽ về chính sách và môi trường kinh doanh trong năm 2015. 

Về xu hướng tiền tệ, WB cho biết, theo sau đợt điều chỉnh tăng lãi suất tháng 12/2015 của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), lãi suất tham chiếu USD dự kiến sẽ tăng từ từ và đặc biệt là chậm hơn so với trước đây, do kỳ vọng lạm phát thấp. 

Việc tiếp tục các chương trình nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ giúp tăng thanh khoản toàn cầu. Lãi suất âm ở EU và tăng chênh lệch với lãi suất ở Mỹ có thể góp phần làm đồng USD tăng giá cao hơn và sẽ có tác động tới các nước đang phát triển. 

Tin mới lên