Nhân vật

WSJ: Bầu Đức đang vướng vào hậu quả của bùng nổ nợ ở Việt Nam

(VNF) - Ông Đoàn Nguyên Đức từng là một trong những ngôi sao sáng nhất trong giới doanh nhân Việt nhưng hiện ông đang phải chiến đấu để cứu doanh nghiệp đang ngập trong khoản nợ 1,2 tỷ USD do tài sản hao hụt và sự sụt giảm của giá cả hàng hóa, theo Wall Street Journal.

WSJ: Bầu Đức đang vướng vào hậu quả của bùng nổ nợ ở Việt Nam

Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: Bloomberg

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là người Việt đầu tiên sở hữu máy bay riêng, bằng việc bỏ ra 5,1 triệu USD mua chiếc máy bay cánh quạt hạng nhẹ Beechcraft King Air 350 vào năm 2008. Ông cũng sở hữu các đồn điền cao su ở Lào và Campuchia và các trang trại bò, kinh doanh các nhà máy gỗ và có hàng loạt dự án bất động sản.

Một buổi sáng tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2009, ông Đức nói với một phóng viên rằng ông đang để mắt tới 20% cổ phần câu lạc bộ bóng đá Arsenal FC. Nhưng việc thâu tóm này đã không bao giờ xảy ra, và bây giờ bầu Đức đang "đau đầu" với nhiều kế hoạch khác khi ông phải tìm cách cứu doanh nghiệp của mình - Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).

Các nhà kinh tế nói rằng vấn đề của HAGL cũng giống như nhiều công ty khác đang gặp khó khăn vì hậu quả của bùng nổ nợ ở Việt Nam trong những năm gần đây. Theo đó, nếu ông Đức và những ngân hàng là chủ nợ của ông có thể xử lý cuộc khủng hoảng này, thì đây là một minh chứng cho thấy Việt Nam có thể trở thành câu chuyện tăng trưởng đột phá tiếp theo của thế giới.

HAGL là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, với tổng tài sản của 2,27 tỷ USD tính đến cuối tháng 6/2016. 

"Các ngân hàng đều muốn HAGL vay nợ. Hoạt động kinh doanh của công ty từng phát triển tốt và ông Đức đã có mối quan hệ tốt với các ngân hàng và chính phủ. Ông Đức có vẻ giống như một ngôi sao", WSJ dẫn lời ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện đang cố vấn cho chính phủ về chính sách kinh tế. "Tuy nhiên, công ty đã di chuyển quá nhanh sang quá nhiều ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp không có lợi thế".

Giá cổ phiếu của HAGL đã giảm khoảng 60% trong năm nay, và ông Đức đã buộc phải bán nhiều tài sản từ trang trại bò đến học viện bóng đá để lấy tiền trả nợ.

Những người quen thuộc với vấn đề này nói rằng ông Đức đang nỗ lực sắp xếp lại các hoạt động kinh doanh khác, bao gồm một khu mua sắm và khách sạn tại Myanmar.

Vào tháng 9, tại cuộc họp cổ đông của công ty, ông Đức tuyên bố dự định bán 80.000 ha diện tích trồng cao su tại Lào cho nhà đầu tư Trung Quốc với giá 355 triệu USD. 

Nếu bán cho đến khi trả xong nợ, HAG còn lại gì, chưa thể biết, nhưng cái rõ trước mắt là đối tác Trung Quốc sẽ trở thành chủ sở hữu vườn cao su hàng chục ngàn ha ngay cạnh biên giới Việt Nam. Đấy không còn là câu chuyện của một doanh nghiệp, mà là vấn đề của quốc gia.

WSJ nhận định Việt Nam nhìn chung muốn xây dựng hình ảnh là một trung tâm sản xuất công nghệ cao thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như Samsung Electronics và một trung tâm du lịch thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới.

Chính phủ đang muốn huy động hơn 2 tỷ USD từ việc bán cổ phần tại hai nhà sản xuất bia lớn nhất cả nước là Sabeco và Habeco, trong đó, nhiều đại gia bia ngoại như Inheuser-Busch InBev và Heineken cũng như các nhà sản xuất bia Nhật Bản và Thái Lan đang rất quan tâm đến việc mua cổ phần tại hai nhà máy bia này.

Tuy nhiên, theo WSJ, việc giải quyết các các vấn đề về nợ của HAGL đang đe dọa đến đến hình ảnh này của Việt Nam vì nhà đầu tư sẽ để ý hơn đến vấn đề nợ nần của nền kinh tế.

WSJ nhận định đây là một vấn đề dai dẳng của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề đặc biệt là tại các tập đoàn lớn, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước. Một trong các trường hợp nổi bật nhất là công ty đóng tàu nhà nước Vinashin với khoản nợ hơn 4 tỷ USD. Chủ tịch Vinashin đã bị sa thải và bị kết án vào năm 2012, sau đó Chính phủ phải can thiệp để cơ cấu lại hoạt động kinh doanh của tập đoàn này.

Kể từ trường hợp Vinashin, một loạt các khoản nợ của doanh nghiệp đối mặt với tỷ lệ nợ quá hạn tăng cao, buộc các ngân hàng tăng lãi suất cho vay lên mức khoảng 11%. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng lên.

Moody cảnh báo rằng nếu Chính phủ cứu HAGL như đã từng cứu Vinashin, việc này sẽ hình thành suy nghĩ "quá lớn để sụp đổ" (too big too fail) và do đó có thể khiến các nhà băng cho vay nhiều hơn và doanh nghiệp đi vay nhiều hơn so với khả năng chi trả.

"Công bằng mà nói, Việt Nam có một lịch sử lâu dài ngân hàng trung ương nới lỏng các quy định cho các ngân hàng. Điều này khiến các ngân hàng áp dụng một thời gian dài, thay vì nhìn nhận vấn đề phù hợp với thông lệ tốt nhất", ông Eugene Tarzimanov, Phó Chủ tịch, chuyên gia xếp hạng tín nhiệm của Moody's, phụ trách thị trường ở Việt Nam cho biết. "Nhưng có yếu tố rủi ro đạo đức đối với các ngân hàng, bởi vì nếu các ngân hàng đang bảo lãnh các khoản vay thì không nên xem xét một gói cứu trợ của chính phủ hoặc hỗ trợ người đi vay".

Một số chủ nợ của Hoàng Anh Gia Lai ủng hộ và cho rằng cứu trợ từ Chính phủ là cần thiết để vực dậy hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai và từ đó xây dựng lộ trình "dọn dẹp" các khoản nợ đang cản trở nền kinh tế Việt Nam.

"Sẽ là khó khăn để làm sáng tỏ tất cả các vấn đề và nhận được sự đồng thuận của tất cả mọi người", ông Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp của Ngân hàng BIDV -  chủ nợ lớn nhất của HAGL, với khoản nợ 324 triệu USD.

"Nhưng nếu chúng ta có thể làm điều đó, sẽ tạo ra một khuôn khổ mới cho việc giải quyết tất cả các vấn đề về nợ tồn tại trong khu vực tư nhân", ông Lực nói thêm.

Tin mới lên