Ngân hàng

Xử lý nợ xấu qua thi hành án: Còn nhiều vướng mắc

(VNF) - Một số vướng mắc từ các ngân hàng có thể kể đến như: khi thẩm định giá tài sản thế chấp trước khi cho vay cao hơn nhiều lần so giá thẩm định khi kê biên đấu giá; tài sản thực tế không đúng; tài sản ở vị trí bất lợi trong giao dịch; đại diện các ngân hàng chưa nắm rõ thủ tục thi hành án...

Xử lý nợ xấu qua thi hành án: Còn nhiều vướng mắc

Xử lý nợ xấu qua thi hành án: Còn nhiều vướng mắc

Bộ Tư Pháp mới đây đã có giải trình gửi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về một số vấn đề liên quan đến công tác thi hành án dân sự (THADS) năm 2018, trong đó có giải trình về nguyên nhân của hạn chế trong việc thi hành án đối với khoản nợ của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Theo Bộ Tư pháp, kết quả thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng vẫn đạt tỷ lệ thấp và giảm so với cùng kỳ năm 2017 là do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan.

Về nguyên nhân khách quan, một số nguyên nhân từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng có thể kể đến như: khi thẩm định giá tài sản thế chấp trước khi cho vay cao hơn nhiều lần so giá thẩm định khi kê biên đấu giá; tài sản thực tế không đúng, là nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, có mồ mả trên đất.

Chẳng hạn, vụ Phan Thành Chính (Lâm Đồng) phải thi hành án cho Techcombank hơn 559 tỷ đồng nhưng tài sản bảo đảm định giá là 881 triệu đồng; vụ Hiệp Long (Quảng Ngãi) phải thi hành án cho Ngân hàng Phát triển là 186 tỷ đồng nhưng định giá tài sản thế chấp là 61 tỷ đồng đã giảm giá 21 lần chưa bán được.

Vụ Công ty Thủy sản Cam Ranh (Khánh Hòa) phải thi hành án cho Techcombank 63 tỷ đồng nhưng tài sản định giá chỉ có hơn 3 tỷ đồng và đã giảm giá 12 lần chưa bán được; vụ Công ty Minh Phương (Hà Nội) phải thi hành án cho SeABank số tiền hơn 47 tỷ đồng nhưng giá tài sản bán được chỉ hơn 9 tỷ đồng.

Báo cáo của Cục THADS tỉnh Hòa Bình cho thấy có 4 việc thi hành án tài sản thế chấp là động sản nhưng đến giai đoạn thi hành án tài sản không còn. Cục THADS TP. Hà Nội có vụ Tạ Minh Tuấn phải thi hành án cho VPBank hơn 6 tỷ tài sản thế chấp là 2 xe ô tô nhưng không xác minh được xe ở đâu.

Tại Kiên Giang, ngân hàng nhận thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất, trên đất có 14 ngôi mộ không rõ lai lịch.

Vẫn theo Bộ Tư Pháp, một số nguyên nhân khác gồm: tài sản ở vị trí bất lợi trong giao dịch dẫn đến khó xử lý, việc thi hành án kéo dài (những vụ việc này phải phân loại có điều kiện thi hành trên tổng số khoản phải thi hành đã tuyên trong bản án); đại diện cho tổ chức tín dụng chưa nắm rõ thủ tục THADS, chưa tích cực trong việc thu hồi nợ, chậm giải quyết các vướng mắc phát sinh, thậm chí cho thỏa thuận để thanh toán dần, đề nghị chậm giao tài sản đã bán đấu giá.

Bộ Tư pháp cũng chỉ ra rằng, ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn chưa cao, phần lớn người phải thi hành án tìm cách trốn tránh, chây ỳ, chống đối quyết liệt việc thi hành án (thay đổi liên tục người đại diện, thay đổi địa chỉ, trốn tránh không làm việc, thậm chí lợi dụng thủ tục yêu cầu tuyên bố phá sản, khiếu nại tố cáo, quyền khởi kiện ra Tòa án nhằm kéo dài thời gian tổ chức thi hành án).

Cùng với đó là sự bất cập, chồng chéo, chưa rõ ràng của pháp luật có liên quan như: chưa cụ thể thủ tục thi hành án khi có liên quan đến biện pháp ngăn chặn (các đại án ngân hàng); việc xử lý tài sản hình thành trong tương lai, các dự án còn chưa có tính khả thi; quy định về mức lãi phạt, lãi chậm thi hành án trong bản án không rõ; chưa thống nhất bảo vệ người mua trúng đấu giá.

Đơn cử về vụ việc thế chấp là dự án không xử lý được là vụ việc Công ty TNHH HACO Huế thế chấp dự án khu du lịch cho Agribank số tiền hơn 22 tỷ nhưng khi tổ chức thi hành án đã ngừng hoạt động, tài sản hư hỏng không đủ chi phí cưỡng chế.

Mặc dù có sự hỗ trợ từ Nghị quyết 42 nhưng kết quả thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng vẫn đạt tỷ lệ thấp và giảm so với năm 2017

Bộ Tư Pháp cho biết, công tác phối hợp với một số cơ quan, đơn vị có liên quan hiệu quả còn chưa cao như: phối hợp với Tòa án, chính quyền địa phương, Công an trong bảo vệ cưỡng chế, xử lý hình sự hành vi cản trở, chống đối việc thi hành án; với Sở Tài nguyên - Môi trường trong việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là vi phạm trong thủ tục chuyển quyền sử dụng đất nhằm trốn tránh thi hành án, phối hợp cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện cưỡng chế thi hành án và xử lý các vướng mắc liên quan; với Viện kiểm sát trong việc kiểm sát và xử lý nghiêm các hành vi cản trở, trốn tránh việc thi hành án, việc áp dụng các quy định pháp luật liên quan.

Ví dụ, vụ việc Công ty TNHH Công Thành (Bình Phước) thi hành án cho Sacombank đã xử lý tài sản bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản do Công an không phối hợp bảo vệ cưỡng chế giao tài sản.

Vụ ông Nguyễn Văn Đoàn (Gia Lai) phải thi hành án cho Agribank tài sản kê biên đã bán đấu giá thành, nhưng khi người mua trúng đấu giá làm thủ tục chuyển quyền thì Phòng Tài nguyên - Môi trường xác định giấy chứng nhận cấp cho người phải thi hành án là sai sót nên đã ra quyết định thu hồi giấy.

Vụ Lê Văn Đông (Gia Lai) phải thi hành án cho Agribank đã kê biên bán đấu giá nhưng quá trình tổ chức thi hành án phát hiện giấy CNQSD đất được cấp sai; vụ ông Nguyễn Văn Quận (An Giang) thế chấp Quyền sử dụng đất cho Kienlongbank cấp sai tên trong giấy CNQSDĐ, Vụ Đoàn Lê Nguyên (An Giang) thế chấp QSDĐ nhưng giấy đất được cấp trùng.

Hay như vụ Trần Châu, Trần Thị Nở (Phú Yên), mặc dù Viện kiểm sát cùng cấp đã tham gia trực tiếp vào việc kê biên tài sản của cơ quan thi hành án nhưng sau đó lại kháng nghị biên bản kê biên và Quyết định kê biên của Chấp hành viên.

Một nguyên nhân khách quan nữa mà Bộ Tư pháp đưa ra là tâm lý e ngại của người dân mua tài sản thi hành án vì hầu hết họ cho rằng tài sản bị xiết nợ là không may mắn; tài sản không “sạch”, lo ngại chậm được giao tài sản; không thực hiện được thủ tục chuyển nhượng do vướng các khoản nợ thuế của người phải thi hành án có liên quan đến đất… nên nhiều tài sản không bán được, phải giảm giá nhiều lần, thậm chí đến lần thứ 18 vẫn không có người mua.

Số liệu 10 tháng gần cho thấy có 2.856 việc với 4.534 tỷ đồng bán nhiều lần không thành; trong đó số bán 3 lần trở lên là 1917 việc với 2.675 tỷ đồng. Cá biệt, vụ Công ty Việt Nhật Quang (Phú Thọ) bán lần thứ 18 chưa có người mua.

Ngoài ra, theo Bộ Tư pháp, số lượng việc, tiền tăng cao hàng năm, gây áp lực lớn cho Chấp hành viên (nhất là ở các thành phố lớn) trong khi thủ tục THADS còn chưa thực sự tinh gọn, dẫn đến tiến độ thi hành án bị chậm.

10 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh bình quân mỗi Chấp hành viên phải giải quyết 394 việc tương ứng với số tiền trên 36 tỷ đồng; tỉnh Bình Dương mỗi Chấp hành viên giải quyết 393 việc tương ứng với trên 96 tỷ đồng; tỉnh Long An mỗi Chấp hành viên giải quyết 386 việc tương ứng với  trên 71 tỷ đồng; TP. Hồ Chí Minh mỗi Chấp hành viên giải quyết 312 việc tương ứng với trên 202 tỷ đồng; TP. Hà Nội mỗi Chấp hành viên giải quyết 174 việc tương ứng với  trên 113 tỷ đồng; TP. Đà Nẵng mỗi Chấp hành viên giải quyết 240 việc tương ứng với  trên 109 tỷ đồng.

Về nguyên nhân chủ quan, một số Thủ trưởng cơ quan THADS (nhất là cấp huyện) chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm thu hồi nợ xấu, chưa tích cực chủ động mà phó mặc cho Chấp hành viên; một số Chấp hành viên còn chậm tổ chức thi hành án hoặc cố tình trì hoãn việc tổ chức thi hành án, chưa kiên quyết áp dụng các quy định của pháp luật để tổ chức thi hành án, để việc thi hành án kéo dài.

Chẳng hạn, theo báo cáo của Cục THADS tỉnh Đồng Nai, vụ Phạm Thị Kim Lan thi hành án cho Ngân hàng Việt Á có nhiều khiếu nại do Chấp hành viên có nhiều sai phạm trong việc kê biên tài sản.

3 nguyên nhân liên quan đến Nghị quyết số 42/2017/QH14 theo Bộ Tư Pháp:

Một là, trường hợp các tổ chức tín dụng không đồng ý trích tiền hỗ trợ thuê nhà ở theo Điều 125 Luật THADS nên cơ quan THADS không bố trí được chỗ ở cho người phải thi hành án, Ban Chỉ đạo THADS, chính quyền địa phương, cơ quan công an không đồng tình việc cưỡng chế thi hành án do không đảm bảo an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; do không cưỡng chế huy động lực lượng được nên không chi được tiền cho Ngân hàng.

Hai là, Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định không được trừ từ tiền bán tài sản các khoản thuế liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm (như tiền thuế thu nhập cá nhân...); các khoản nợ thuế phí khác (như tiền thuê đất hàng năm, phí hạ tầng của các khu công nghiệp còn nợ); các khoản phí thuế trước đây được miễn do thuộc diện thu hút đầu tư của người phải thi hành án. Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, Công văn số 4604/BTC-TCT ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính không có nội dung hướng dẫn cụ thể như cơ chế “khoanh nợ, treo nợ, xóa nợ...”.

Ba là, Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng cho bên mua, bên nhận tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định của Nghị quyết. Tuy nhiên, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường mặc dù có bổ sung 01 điều nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục để sang tên liên quan tài sản thi hành án (thuế thu nhập cá nhân, không thu hồi được giấy CNQSDĐ...), dẫn đến khó khăn trong việc cấp giấy CNQSDĐ cho người mua người nhận tài sản.

Bên cạnh đó, việc Nghị quyết ưu tiên thanh toán cho Ngân hàng trước án phí nhưng không có cơ chế xử lý tiền này khiến cho việc thi hành án khoản chủ động thi hành án phí chưa có giải pháp tháo gỡ dẫn đến thất thu cho ngân sách nhà nước, tồn đọng án.

Ngày 7/8/2018, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo số 183/BC-BTP Báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về tình hình triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14, trong đó Bộ Tư pháp đã kiến nghị một số giải pháp cơ bản nhằm khắc phục tình trạng nêu trên.

Tin mới lên