Tài chính quốc tế

1 năm hậu thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội: 13 lần phóng tên lửa và sự mất kiên nhẫn của Triều Tiên

(VNF) - Nỗ lực đàm phán Mỹ - Triều đã đình trệ từ sau hội nghị thượng đỉnh thứ hai tại Hà Nội do những bất đồng về phạm vi phi hạt nhân hóa và các lệnh trừng phạt của Mỹ. Bình Nhưỡng đặt ra thời hạn cuối năm 2019 để Washington đưa ra nhượng bộ mới nhưng không có động thái nào được thực hiện.

1 năm hậu thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội: 13 lần phóng tên lửa và sự mất kiên nhẫn của Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại khách sạn Sofitel Legend Metropole, Hà Nội, ngày 28/2/2019.

Thượng đỉnh tại Hà Nội không có tuyên bố chung

Mặc dù nhiều người kỳ vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ cùng ký “Tuyên bố Hà Nội” sau Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 nhưng thật đáng tiếc không có thỏa thuận nào được ký kết.

Ngày 28/2/2019, sau nhiều giờ thương lượng, hai nhà lãnh đạo đã không thể đạt được thỏa thuận chung do bất đồng quan điểm liên quan tới lệnh trừng phạt của Mỹ lên Triều Tiên. Trong khi Bình Nhưỡng thể hiện mong muốn sẽ tháo dỡ cơ sở hạt nhân chính nhưng yêu cầu Mỹ phải dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt, Washington đã không nhất trí điều này.

Chỉ 3 tuần sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai kết thúc, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt với 2 công ty vận tải Trung Quốc là Dalian Haibo và Liaoning Danxing vì giúp Triều Tiên lách các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Theo lệnh trừng phạt của Mỹ, các công ty Trung Quốc không được giao dịch với các cá nhân và tổ chức Mỹ, đồng thời đóng băng tài sản của các công ty này tại Mỹ.

Tiếp tục gặp nhau lại “nơi nguy hiểm nhất thế giới”

Ngày 30/6, Tổng thống Trump đã vượt qua đường biên giới Hàn-Triều, vốn được ví là “nơi nguy hiểm nhất thế giới”, trở thành Tổng thống đương nhiệm Mỹ đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên.

Ông Trump tiến vài mét vào biên giới Triều Tiên và bắt tay ông Kim Jong-un trước khi mời ông Kim quay về phía Hàn Quốc để hội đàm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay tại biên giới Hàn - Triều.

Sau cuộc hội đàm 40 phút tại Nhà Tự do ở phía nam đường biên giới Hàn - Triều, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa vốn bị đình trệ từ sau hội nghị thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội.

Cả ông Trump lẫn ông Kim đều đánh giá cuộc gặp có ý nghĩa lớn, thậm chí mang giá trị lịch sử và góp phần khai thông những bế tắc trong quan hệ song phương.

13 lần thử tên lửa

Kể từ sau cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Mỹ - Triều tại Khu Phi quân sự liên Triều (DMZ), Bình Nhưỡng cáo buộc Washington phá vỡ lời hứa khi lên kế hoạch tổ chức tập trận chung với Seoul vào tháng 8, cảnh báo rằng hành động của Mỹ và Hàn Quốc có thể phá hủy mọi nỗ lực đàm phán.

Triều Tiên đồng thời đề cập tới khả năng nối lại các vụ phóng tên lửa tầm xa và thử hạt nhân vốn bị trì hoãn từ năm 2017.

Trong năm 2019, Triều Tiên thực hiện 13 đợt thử nghiệm tên lửa, phóng lên ít nhất 25 quả đạn các loại, bao gồm cả một số loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tên lửa phóng từ tàu ngầm hoàn toàn mới.

Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) bay ở vị trí không được tiết lộ trong bức ảnh do Cơ quan Thông tấn Trung ương (KCNA) của Triều Tiên phát hành vào ngày 2/10. Ảnh: KCNA.

Ban đầu, mục đích của các vụ thử lên lửa nhằm gửi đi cảnh cáo cứng rắn tới Hàn Quốc khi nước này lên kế hoạch tập trận quân sự với Mỹ, sau đó tần suất của các vụ thử lên lửa tăng dần.

Một trong những mục đích chính của các vụ thử tên lửa dường như để cảnh báo Washington về những loại vũ khí mà Bình Nhưỡng đang phát triển.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là "thách thức nghiêm trọng" với cộng đồng quốc tế.

Đàm phán cấp chuyên viên tại Thụy Điển thất bại

Sau nhiều tháng bế tắc, ngày 5/10, Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun và người đồng cấp Triều Tiên Kim Myong-gil đã gặp nhau ở Villa Elfvik Strand, một trung tâm tổ chức hội nghị ở Lidingo, phía Đông Bắc thủ đô của Thụy Điển.

Cuộc đàm phán tập trung vào cách thức để thúc đẩy việc thực thi thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 6/2018 tại Singapore.

Tuy nhiên, cuộc đàm phán đã đổ vỡ ngay sau khi bắt đầu.

Phát biểu trước Đại sứ quán Triều Tiên ở ngoại ô thủ đô Stockholm, trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong-gil cáo buộc Washington đã khiến cuộc đàm phán "kết thúc trong vô nghĩa".

Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong-gil (giữa) tuyên bố đàm phán hạt nhân với Mỹ đổ vỡ.

Ông Kim Myong-gil bày tỏ không hài lòng và nhấn mạnh cuộc đàm phán lần này không đáp ứng được mong đợi của Bình Nhưỡng.

Ông khẳng định lý do đàm phán không mang lại kết quả hoàn toàn là do phía Mỹ không chịu từ bỏ lập trường và quan điểm cũ, mặc dù Washington đã nhiều lần gợi ý về một cách tiếp cận linh hoạt và sáng tạo, khiến dư luận kỳ vọng về khả năng giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Kim Myong-gil kêu gọi Mỹ thay đổi lập trường và khẳng định các cuộc thương lượng sẽ không được nối lại ít nhất là trước cuối năm 2019.

Triều Tiên mất kiên nhẫn

Sau khi đàm phán Mỹ - Triều cấp chuyên viên tại Stockholm sụp đổ, Bình Nhưỡng liên tục cáo buộc Washington có cách tiếp cận không phù hợp và đe dọa nếu điều này không được cải thiện, quan hệ giữa hai nước "có thể kết thúc ngay lập tức".

Hồi đầu tháng 1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ chấm dứt lệnh đình chỉ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và vũ khí hạt nhân, đồng thời cho biết sẽ sớm "trình diễn một vũ khí chiến lược mới".

Ông Kim cho rằng Mỹ có "thái độ thô lỗ" và đi ngược lại những lợi ích cơ bản của Triều Tiên khi tổ chức hàng chục cuộc tập trận, đưa khí tài hiện đại đến Hàn Quốc và đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.

Giới chuyên gia nhận định "con đường mới" của Triều Tiên có thể là phát triển cùng lúc quân sự và kinh tế để đứng vững trước các lệnh trừng phạt, đồng thời yêu cầu hòa bình và bình thường hóa vô điều kiện quan hệ với Mỹ trước khi đàm phán phi hạt nhân hóa.

Trong thông điệp chúc mừng năm mới 2020, ông Kim tuyên bố ông không mong Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt mà kêu gọi người dân thực hiện "bước đột phá phía trước" nhằm giải quyết những thách thức mà đất nước phải đối mặt, tăng cường nỗ lực xây dựng nền kinh tế tự chủ.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi đầu tháng 1 cho biết Mỹ mong Triều Tiên tiếp tục con đường ngoại giao và giữ cam kết không thử tên lửa xuyên lục địa cùng vũ khí hạt nhân.

"Tổng thống Trump chọn cách tiếp cận mà chúng tôi tạo dựng trên con đường ngoại giao. Chúng tôi hy vọng Chủ tịch Kim Jong-un sẽ giữ cam kết của mình. Chúng tôi mong Triều Tiên sẽ xem xét lại và tiếp tục con đường ngoại giao. Chúng tôi muốn hòa bình thay vì đối đầu", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trên kênh truyền hình CBS.

Năm 2020 hứa hẹn sẽ là một năm mà Bình Nhưỡng tiếp tục “đánh bài” với Washington về 1 trong 2 lựa chọn: chấp nhận chế độ hiện tại ở Triều Tiên với sức mạnh răn đe hạt nhân chiến lược, hoặc đạt được thỏa thuận đột phá nhằm mở đường bình thường hóa quan hệ Mỹ - Triều.

Xem thêm >> ‘Lao đao’ vì dịch Covid-19, ngành hàng không toàn cầu nguy cơ thiệt hại gần 30 tỷ USD

Tin mới lên