Tiêu điểm

10 bị can chuyển gần 30 ngàn tỷ ra nước ngoài đối diện án phạt nào?

Công an TP Hà Nội vừa triệt phá một đường dây vận chuyển trái phép số tiền lên tới gần 30 ngàn tỷ đồng ra nước ngoài. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, trong vụ án này, các bị can sẽ bị xử lý như thế nào?

10 bị can chuyển gần 30 ngàn tỷ ra nước ngoài đối diện án phạt nào?

Đây là vụ án vận chuyển tiền tệ qua biên giới rất nghiêm trọng và phức tạp với số lượng lớn nhất từ trước đến nay

Ngày 25/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố 6 bị can gồm Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Thị Hà về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” theo Điều 189 Bộ luật hình sự.

Bước đầu, phía điều tra xác định Nguyễn Văn Thắng cùng đồng phạm thành lập nhiều công ty làm thủ tục hồ sơ tạm nhập tái xuất và lợi dụng vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới. Hiện Công an TP Hà Nội đã tiến hành khởi tố thêm 4 bị can nữa.

Đây là vụ án vận chuyển tiền tệ qua biên giới rất nghiêm trọng và phức tạp với số lượng lớn nhất từ trước đến nay mà cơ quan cảnh sát điều tra triệt phá thành công. Phương thức, thủ đoạn của các bị can hết sức tinh vi để chuyển số tiền đặc biệt lớn từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép, nhằm che giấu hành vi phạm tội khác.

Hiện nay, cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ nguồn gốc số tiền, động cơ mục đích của các đối tượng và làm rõ các đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.

Theo Điều 189 Bộ Luật hình sự 2015, tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” sẽ bị xử lý như sau:

1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 02 năm: a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này; b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: a) Có tổ chức; b) Vật phạm pháp trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; c) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; e) Phạm tội 02 lần trở lên; g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp trị giá từ 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 5 năm đến 10 năm...

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 300 trăm đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng; c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Như vậy, với số tiền vận chuyển trái phép qua biên giới lên đến gần 30 ngàn tỷ đồng, các đối tượng trong vụ án này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 năm tù và số tiền trên sẽ bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.

Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguồn gốc số tiền này. Nếu là số tiền hợp pháp thì thu nhập từ số tiền này phải nộp thuế và việc vận chuyển qua biên giới họ sẽ phải khai báo. Còn trường hợp số tiền trên là do phạm tội mà có hoặc trốn thuế, cơ quan điều tra sẽ khởi tố thêm các tội danh khác, có thể là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; buôn lậu; buôn bán ma túy hoặc các tội phạm về tham nhũng... Lúc đó, án phạt chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều.

 

Tin mới lên