Tiêu điểm

10 sự kiện công nghệ nổi bật nhất năm 2017

(VNF) – Cùng VietnamFinance điểm lại 10 sự kiện công nghệ nổi bật nhất trong năm 2017.

10 sự kiện công nghệ nổi bật nhất năm 2017

Những sự kiện công nghệ "hot" nhất năm 2017 tại Việt Nam.

Cách mạng công nghiệp 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất; bao gồm các hệ thống không thực-ảo (cyber-physical system), Internet Vạn Vật và điện toán đám mây, điện toán nhận thức (cognitive computing).

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính, bao gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý.

Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làTrí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).

Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu.

Trong lĩnh vực Vật lý, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ bắt đầu từ robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano.

Cách mạng công nghiệp 4.0

Hiện cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một phần châu Á. 

Bên cạnh những cơ hội mới, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức đòi hỏi các nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân cần phải nỗ lực hơn nữa trong tương lai, trong đó có Việt Nam.

20 năm Internet Việt Nam

Ngày 19/11/1997, Internet chính thực được ra đời tại Việt Nam sau rất nhiều lần bàn thảo.

Những ngày đầu tiên của thập niên 90, Internet từ con số 0 cho đến nay đã có trên 50 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam; số lượng người sử dùng Internet chiếm 53% dân số nước ta.

Nhằm kỉ niệm 20 năm Internet, Hiệp hội Internet Việt Nam, các nhà báo theo dõi mảng công nghệ thông tin và bạn đọc báo ICT.news đã bình chọn ra Top 10 nhân vật có sức ảnh hưởng lớn nhất tới Internet Việt Nam (2007-2017) diễn ra vào ngày 22/11 vừa qua.

Top 10 nhân vật có sức ảnh hưởng lớn nhất Intrernet Việt Nam trong một thập kỷ qua (2007 - 2017.

Điểm đặc biệt, trong danh sách này có 3 nhân vật, bao gồm ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT; ông Vũ Hoàng Lên, cựu Giám đốc Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC, hiện là Chủ tịch Hội Internet Việt Nam; ông Mai Liêm Trực nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông đã trở thành các nhân vật có sức ảnh hưởng lớn tới Internet Việt Nam trong 20 năm qua.

Ngoài 3 nhân vật trên, Top 10 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet Việt Nam thập kỷ 2007 - 2017 ghi nhận thêm sự xuất hiện của 7 cái tên mới gồm: ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT CMC; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel; ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch VNPT; ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG; ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch BKAV; ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Thang Đức Thắng, Tổng biên tập báo VnExpress.

Smartphone viền mỏng "lên ngôi"

Năm 2017, các hãng smartphone liên tục tung ra thị trường phiên bản điện thoại viền mỏng, nhiều tính năng vượt trội.

Mở đầu là hãng Xiaomi với phiên bản điện thoại màn hình tràn viền Mi Mix. Nhưng làn sóng smartphone viền mỏng thực sự "dâng trào" khi Samsung tung ra thị trường bộ đôi Galaxy S8 và S8+ hồi tháng 3 vừa qua.

Sau đó, hàng loạt sản phẩm với thiết kế tương tự đã trình làng như V30 của LG, Essential Phone của Andy Rubin, cha đẻ Android, Mate 10 của Huawei hay iPhone X của Apple ra đời.

 Galaxy S8 và S8+ của Samsung "mở đường" smartphone viền mỏng "lên ngôi".

Điện thoại thương hiệu Việt bất ngờ ‘dậy sóng’

Năm 2017 chứng kiến cuộc đua giữa các smartphone giữa các hãng như Samsung, Apple, HTC… và các đại diện Việt Nam như Viettel, VNPT, BKAV, Asanzo.

Năm nay, Viettel và VNPT bất ngờ trình làng một số dòng điện thoại smartphone tầm trung giá rẻ. Ngoài ra, nhiều thông tin rò rỉ cho rằng, Viettel sẽ tung ra phiên bản điện thoại "siêu bảo mật’ giá nghìn USD tại Việt Nam.

Điểm đáng chú ý trong năm 2017 đều đổ dồn về BKAV với sự ra mắt Bphone 2017 vào hồi tháng 8 vừa qua. Điểm khác biệt của BKAV đối với các hãng điện thoại khác chính là định vị phân khúc thị trường: giá tầm trung, dưới 10 triệu đồng và kiểm soát tốt hơn quá trình sản xuất sản phẩm.

Tiếp theo BKAV, người bạn Asanzo đã "chào sân" bằng hai mẫu điện thoại giá rẻ dưới 5 triệu đồng. Trước khi trở thành một hãng cung cấp điện thoại, Asanzo đã có kinh nghiệm cung cấp các mặt hàng từ Tivi, đồ gia dụng… Cho tới nay, Asanzo đã có hon 8.000 điện thoại được tiêu thụ.

"Mã độc tống tiền" WannaCry trên hơn 230.000 máy tính

"Đại dịch" WannaCry là một cuộc biến thể của mã độc tống tiền, còn có tên gọi khác là WannaCrypt0r 2.0 hay Wcry diễn ra vào hồi tháng 5 vừa qua trên 150 quốc gia. Cuộc tấn công này đã khiến hơn 23.000 máy tính bị tấn công. Trong đó, Việt Nam nằm trong 20 quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Tính tới tháng 6/2017, Việt Nam ghi nhận khoảng 1.900 máy tính nhiễm WannaCry, trong đó có 1.600 máy tính thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và 300 máy tính của cá nhân.

Việt Nam ghi nhận khoảng 1.900 máy tính nhiễm WannaCry.

Được biết, WannaCry đã làm trì trệ hoạt động của nhiều bệnh viện, ngân hàng, hãng sản xuất xe hơi, hệ thống giao thông, ATM… nhưng hiện tại, giới bảo mật chưa thể tổng hợp đầy đủ thông tin về người đứng sau sự việc này.

Giống như những cuộc tấn công an ninh mạng khác, WannaCry khai thác lỗ hổng trên hệ điều hành Windows và mã hóa dữ liệu trong máy của người dùng, yêu cầu phải trả tiền chuộc bằng Bitcoin mới cung cấp mã khóa.

Theo các chuyên gia bảo mật, ransomware chính là một trong những nguyên nhân đẩy giá các loại tiền ảo lên cao trong năm nay.

Cuộc chiến phần cứng từ các gã khổng lồ Apple, Google

Tháng 9 vừa qua, Google chi 1,1 tỷ USD để mua một phần mảng kinh doanh điện thoại thông minh của HTC nhằm hiện thực hiện mục tiêu chiếm lĩnh thị trường smartphone.

Với kế hoạch lần này, Google quyết tâm trở thành một hãng cung cấp phần cứng, cạnh tranh sòng phẳng với chính các đối tác sản xuất thiết bị Android, trong đó có Samsung, Apple.

Theo huyền thoại công nghệ Steve Jobs, phần cứng và phần mềm chỉ có thể tạo ra tầm ảnh hưởng mang tính cách mạng nếu được phát triển cùng nhau, nắm quyền kiểm soát chặt chẽ mọi thứ liên quan đến trải nghiệm của người dùng. Do đó, nếu Google tiếp tục chỉ tập trung vào Android, iPhone sẽ luôn thắng. Họ buộc phải tự thiết kế điện thoại mới có thể đấu ngang với Apple.

Youtube đương đầu với thông tin độc hại

Năm 2017, Youtube nhiều lần "khốn đốn" vì bị tố trong quảng cáo có chứa những nội dung nhạy cảm, nguy hại tới trẻ em.

Một số video hướng tới trẻ em nhưng không phù hợp như phim về Spiderman, trong video đó có các nhân vật mặc bikini hở hang; Peppa Pig bị tra tấn bởi bác sĩ hay video Công chúa Elsa trong trang phục "thiếu vải". Tại Việt Nam, nội dung người lớn "đội lốt" video trẻ em cũng xuất hiện tràn lan trên Youtube.

Để khắc phục tình trạng trên, Google đã thuê 10.000 nhân viên để xóa video tiêu cực trên Youtube.

Công nghệ AI tiến sâu vào cuộc sống

Năm 2017 chứng kiến sự lớn mạnh của công nghệ AI trong cuộc sống, khi chúng ta không còn "mơ" những hình ảnh trong phim viễn tưởng mà xu hướng chuyển từ "mobile-first" (ưu tiên di động) sang "AI-first" (ưu tiên trí tuệ nhân tạo) đang hình thành rõ nét trong các sản phẩm gần gũi với đời sống con người.

Trong mảng smartphone, các đại gia như Apple, Qualcomm, Huawei… đều đã phát triển những bộ vi xử lý tích hợp trí tuệ nhân tạo, thông minh hơn trong việc xử lý lệnh bằng giọng nói, dịch ngôn ngữ theo thời gian thực…

Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và người máy có thể vượt tầm kiểm soát của con người.

Hồi tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin chia sẻ nỗi lo trí tuệ thông minh nhân tạo sẽ mang đến hiểm họa khó lường và một ngày nào đó sẽ "ăn con người".

Trong thư gửi tới Thủ tướng Australia và Canada, hàng trăm nhà nghiên cứu cho rằng các hệ thống AI có thể là "vũ khí hủy diệt hàng loạt", phải bị ngăn chặn trước khi gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Apple kỷ niệm 10 năm hoạt động

Apple từ một smartphone "vô danh" cùng với những tính năng hạn chế, sau 10 năm đã trở thành một "gã khổng lồ" trong ngành công nghiệp di động, là hãng điện thoại ăn khách nhất thế giới với 1,2 tỷ máy được tiêu thụ.

Mặc dù chỉ sản xuất duy nhất một dòng điện thoại, Apple đã "xô đổ" rất nhiều hãng điện thoại lớn, trong đó có Nokia, BlackBerry… Điểm đặc biệt, iPhone cũng đã tạo ra cuộc cách mạng nhằm đổi mới không ngừng những tính năng trong điện thoại nhằm đáp ứng xu thế thị trường.

Đánh dấu chặng đường 10 năm phát triển, đại gia Apple đã chính thức tung ra thị trường iPhone X như một lời tri ân tới khách hàng.

Mặc dù iPhone X vẫn còn 1 vài điểm hạn chế, song với những người yêu thích dòng smartphone của "Táo khuyết" thì đây vẫn là phiên bản điện thoại được yêu thích nhất trong năm 2017 này.

Cặp song sinh trở thành tỷ phú nhờ Bitcoin

Khi tiền ảo Bitcoin vượt mức 11.500 USD thì cũng là lúc cặp song sinh Cameron Winklevos và Tyler Winklevos trở thành 2 tỷ phú Bitcoin đầu tiên trên thế giới.

Hiện tại, họ sở hữu hơn 1 tỷ USD Bitcoin và vừa tuyên bố trên tờ Fox Business rằng giá một đồng Bitcoin có thể lên tới 300.000 USD, gấp 20 lần so với hiện tại và không đối thủ nào có thể đánh bại.

Năm 2012, cặp song sinh này lần đầu biết đến Bitcoin. Đến năm 2013, hai anh em họ đã dùng 11 triệu USD để đầu tư vào Bitcoin. Số tiền ảo họ mua khi đó tương đương 1% số Bitcoin đang lưu thông.

Kể từ đó, giá Bitcoin đã tăng tới 10.000%, chạm đỉnh 11.700 USD một đồng vào ngày 4/12 vừa qua, giúp tài sản hai anh em vượt 1 tỷ USD. Họ cũng là các tỷ phú Bitcoin đầu tiên trên thế giới.

Tin mới lên