Tiêu điểm

10 sự kiện kinh tế nổi bật của Chính phủ trong tháng đầu tiên

(VNF) - Ban biên tập VietnamFinance vừa tiến hành bình chọn 10 sự kiện kinh tế quan trọng trong tháng hoạt động đầu tiên của Chính phủ mới dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

10 sự kiện kinh tế nổi bật của Chính phủ trong tháng đầu tiên

Ảnh minh họa

Ra thông điệp "không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng"

Tại phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo về việc "không điều chỉnh các mục tiêu tăng trưởng" ngay cả khi tình hình chung còn nhiều khó khăn. Cụ thể, Chính phủ đã "đánh giá hết sức nghiêm túc, tình hình kinh tế - xã hội trong 4 tháng đầu năm vẫn giữa được ổn định vĩ mô, nhưng tình hình tăng trưởng có giảm so với cùng kỳ năm trước, nông nghiệp quý I tăng trưởng âm 1,23%, lạm phát 4 tháng đã tăng 1,33%". 

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: "Mặc dù có rất nhiều khó khăn thách thức nhưng Chính phủ kiên quyết không điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu, phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6,7%, kiểm soát tốt lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Mục tiêu của Chính phủ là vừa bảo đảm được ổn định vĩ mô nhưng vẫn bảo đảm tốc độ tăng trưởng, hai mục tiêu này rất quan trọng".

Khẳng định "xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ"

Cũng tại phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề Chính phủ phải chuyển từ phương thức quản lý theo mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ phục vụ, hướng tới doanh nghiệp và người dân, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả của Chính phủ và chính quyền các cấp.

Định hướng điều hành sắp tới sẽ là "phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng thị trường, những việc nào mà thị trường làm tốt thì để thị trường làm, Chính phủ tập trung lo xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách với sự tham gia sự đóng góp của người dân, hướng tới dần xóa bỏa cơ chế xin - cho. "Chúng ta vẫn còn cơ chế xin - cho, Chính phủ quyết tâm hướng tới xóa bỏ cơ chế này", Thủ tướng nói.

Chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ "cà phê Xin Chào"

Vụ việc liên quan đến quán cà phê Xin Chào ở quận Bình Chánh (TP. HCM) được xem là ví dụ điển hình về vi phạm quyền tự do kinh doanh của người dân. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, ngay sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh về việc ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê "Xin Chào" bị khởi tố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo Chủ tịch UBND TP. HCM khẩn trương kiểm tra, làm rõ vụ việc, đồng thời có ý kiến chỉ đạo công an và đề nghị Viện trưởng Viện KSND Tối cao chỉ đạo kiểm tra thông tin liên quan đến việc xử lý hình sự về hành vi kinh doanh trái phép đối với ông Nguyễn Văn Tấn.

Ngày 23/4/2016, Viện trưởng Viện KSND Tối cao có văn bản số 48/BC-VKSTC kết luận, chỉ đạo giải quyết vụ án theo đó hành vi của ông Nguyễn Văn Tấn không phạm tội kinh doanh trái phép; Viện KSND huyện Bình Chánh ra ngay quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Tấn và công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định. Tiếp đó, Viện trưởng Viện KSND TPHCM đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Thanh Tòng, Phó Viện trưởng Viện KSND Quận 6 (nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh) và Kiểm sát viên Hồ Văn Son, những người trực tiếp tiến hành tố tụng vụ án này. 

Tổ chức cuộc gặp Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp

Ngày 29/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề: "Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước" với sự tham gia của hàng trăm lãnh đạo doanh nghiệp. Tiếp đó, chiều 29/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp tục làm việc với các bộ ngành, địa phương để bàn cách xử lý, giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp chưa được trả lời tại Hội nghị. Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, cộng đồng doanh nghiệp coi Hội nghị với Thủ tướng là một "Hội nghị Diên Hồng" trong phát triển doanh nghiệp. Ông Lộc kỳ vọng rằng cuộc gặp của Thủ tướng sẽ mở đầu cho cao trào hiến kế với Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Chỉ đạo xử lý vụ khủng hoảng cá chết tại miền Trung

Văn phòng Chính phủ ngày 3/5 đã có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường ngày 1/5/2016. Theo đó, Thủ tướng đánh giá sự cố môi trường hiện tượng hải sản chết bất thường xảy ra thời gian qua tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế là sự cố môi trường nghiêm trọng, bất thường, lần đầu tiên xảy ra ở nước ta trên vùng biển rộng, nên việc xác định nguyên nhân phải thực hiện khẩn trương, thận trọng, chắc chắn, có căn cứ khoa học.

Để sớm tìm ra nguyên nhân sự cố môi trường này và để tăng cường kiểm soát, không để sự cố tương tự xảy ra; đồng thời để bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, sớm khôi phục sản xuất, đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Thông báo số 68/TB-VPCP ngày 29/4/2016, số 70/TB-VPCP ngày 30/4/2016 của Văn phòng Chính phủ và các văn bản có liên quan.

Chỉ đạo về đề xuất xây dựng Dự án Giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng 

Công ty TNHH Xuân Thiện, Ninh Bình đã trình Dự án Giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng đoạn Việt Trì-Lào Cai kết hợp với thủy điện với mục tiêu khi hoàn thành sẽ "tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc, góp phần giảm áp lực đường bộ, đường sắt trên tuyến Hà Nội-Lào Cai". Theo chủ đầu tư, Dự án này sẽ tạo ra tuyến vận tải đường thủy thông suốt quanh năm từ Lào Cai-Hải Phòng cho tàu có trọng tải từ 400-600 tấn.

Tuy nhiên, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4 diễn ra vào chiều 5/5, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ KH&ĐT) cho biết dự án này mới ở mức sơ khai, ý tưởng đề xuất. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thức được tầm quan trọng và ảnh hưởng của Dự án đến môi trường nên đã tiến hành xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan, tuy nhiên hiện mới dừng ở mức báo cáo Chính phủ cho chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu Dự án. Nếu được chấp thuận, Dự án sẽ còn qua 2 bước nữa là các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án, sau đó tổ chức nghiên cứu khả thi. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi thì chủ đầu tư mới được tiếp tục đầu tư.

Thủ tướng tiếp bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản

Chiều 5/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida. Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao; tích cực hợp tác triển khai các thỏa thuận đã ký kết, nhất là kết nối hai nền kinh tế ở cả Trung ương và địa phương; đề nghị Nhật Bản tiếp tục cung cấp ODA ở mức cao cho Việt Nam trong năm tài khóa 2016, hỗ trợ Việt Nam trong chiến lược công nghiệp hóa, xây dựng hạ tầng, tái cơ cấu nền kinh tế và đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Nhật Bản hỗ trợ lâu dài cho Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng không nhỏ tới một số khu vực của Việt Nam. Về phần mình, khẳng định Nhật Bản luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam, Bộ trưởng Fumio Kishida cho biết, Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế thông qua tài trợ vốn ODA, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ban hành Nghị quyết 19 về môi trường kinh doanh

Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 vừa được chính thức ban hành. Theo đó, Việt Nam phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4; đến năm 2017 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới); mục tiêu đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế.

Công bố thông tin mới về TPP

Một phần cam kết của Việt Nam trong TPP sẽ được áp dụng đối với các nước khác ngoài 11 thành viên TPP như với Nga, 28 nước thuộc Liên minh châu Âu và các nước thành viên ASEAN. Đây là thông tin được lãnh đạo Bộ Tư pháp nêu rõ khi báo cáo Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 4/2016 đang diễn ra về kết quả rà soát pháp luật và đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới hệ thống pháp luật Việt Nam.

Cũng tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trình bày tờ trình phê chuẩn Hiệp định TPP, trong đó đánh giá toàn diện tác động của TPP tới Việt Nam, nêu rõ những cơ hội và thách thức. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá tác động của Hiệp định TPP đến hệ thống các quy định pháp luật Việt Nam.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo về thị trường chứng khoán

Chiều 27/4 tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: "Chúng ta quyết tâm phát triển, và phải huy động mọi nguồn lực chứ chỉ dựa vào ngân sách để phát triển thôi thì rất khó khăn", đồng thời cho rằng các bộ, ngành cần nhận thức đầy đủ, rõ ràng hơn về thị trường chứng khoán để hoàn thiện cơ sở pháp lý, thể chế, hạ tầng để thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế, san sẻ gánh nặng cho ngành ngân hàng".

Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Chứng khoán cũng cần thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp đồng bộ, nhằm thu hút sự tham gia sâu rộng của các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời cùng với các bộ, ngành xây dựng cơ chế hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp ở trong nước, quan tâm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tích cực chuẩn bị để vận hành thị trường chứng khoán phái sinh. Với thị trường cổ phiếu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cả về số lượng và chất lượng, nâng cao khả năng quản trị của doanh nghiệp để tạo ra nguồn hàng hóa dồi dào phát triển thị trường này. 

Tin mới lên