Xe

10 sự kiện nổi bật của ngành ô tô Việt Nam năm 2020

(VNF) - Năm 2020 là một năm đầy thử thách đối với ngành ô tô trong nước trước những tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, trong năm qua Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách mới nhằm thúc đẩy thị trường ô tô phát triển.

10 sự kiện nổi bật của ngành ô tô Việt Nam năm 2020

10 sự kiện nổi bật của ngành ô tô Việt Nam năm 2020

Rolls-Royce có nhà phân phối mới

Một trong những sự kiện gây chú ý trong ngành ô tô Việt Nam năm 2020 đó là Công ty S&S Automotive, một công ty con thuộc tập đoàn S&S Group chính thức trở thành đại lý ủy quyền mới của Rolls-Royce tại thị trường Việt Nam.

Theo đó, đại lý mới của Rolls-Royce tại Việt Nam sẽ đặt tại TP. HCM thay vì Hà Nội như trước đây và có kế hoạch ra mắt showroom cùng cơ sở bảo hành, bảo dưỡng mới vào quý II/2020.

Rolls-Royce Motor Cars TP. HCM cũng đã tiếp quản cơ sở bảo hành, bảo dưỡng tại Hà Nội để đảm bảo dịch vụ chăm sóc khách hàng không bị gián đoạn.

Giám đốc Thương hiệu của Rolls-Royce Motor Cars tại TP. HCM là bà Lê Thị Thanh Tú. Trước khi tiếp quản vị trí này, bà từng là Tổng thư ký Hiệp hội Ô tô thể thao Việt Nam.

Nissan Việt Nam có nhà phân phối mới 

Cũng trong năm 2020, Nissan Việt Nam đã tìm được nhà phân phối mới sau khi liên doanh Tan Chong Motor (Malaysia) và Nissan Motor (Nhật Bản) sẽ chấm dứt việc hợp tác, sản xuất, phân phối sản phẩm Nissan tại thị trường Việt Nam.

Theo đó, Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp ô tô Việt Nam (VAD) sẽ là đối tác chiến lược phân phối độc quyền xe Nissan tại dải đất hình chữ S.

Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp ô tô Việt Nam (VAD) được thành lập ngày 28/8/2020, người đại diện theo pháp luật là ông Đào Phong Trúc Đại.

Trụ sở chính của công ty đặt tại khu công nghiệp Việt Hưng, phường Việt Hưng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là bán buôn ô tô và xe có động cơ khác.

Giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước

Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Chỉnh phủ đã đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ đối với toàn bộ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước kể từ ngày 28/6 đến hết năm 2020. Sau năm 2021, mức thu lệ phí trước bạ với các dòng ôtô nói trên sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định 20/2019.

Theo quy định tại Nghị định 20/2019, lệ phí trước bạ cho ôtô dưới 9 chỗ ngồi đang được áp dụng ở mức 10-12% giá xe tùy địa phương.

Từ hôm nay, khách hàng mua xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ chỉ nộp lệ phí 5-6% giá xe. Với nhiều mỗi xe đang bán chạy trên thị trường, mức giảm này tương đương từ vài chục cho tới vài trăm triệu đồng.

Hơn 20.000 xe taxi công nghệ của Tập đoàn Mai Linh sẽ hoạt động năm 2021

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, một trong những mục tiêu đáng chú ý của Tập đoàn Mai Linh trong năm 2020 là phát triển và ứng dụng công nghệ để hội nhập với nền kinh tế 4.0; chuyển đổi từ taxi truyền thống sang taxi công nghệ. Kế hoạch đến sau năm 2021 Mai Linh sẽ có 20.000 xe taxi công nghệ. 

Theo tài liệu báo cáo Đại hội cổ đông của Tập đoàn Mai Linh, kết thúc năm 2019, tổng tài sản của công ty này đạt 4.831 tỷ đồng, doanh thu thuần đạt gần 2.212 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 2 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thuần hợp nhất của tập đoàn năm 2019 có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2018 do sự phát triển của các hãng taxi công nghệ và kéo theo đó là sự cạnh tranh bất bình đẳng.

Doanh thu từ hoạt động taxi/tổng doanh thu năm 2019 đạt 83,1%; tỷ lệ này tăng so với năm 2018 (81,3%), cho thấy taxi tiếp tục đóng vai trò là hoạt động kinh doanh chủ lực, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn.

F1 bị huỷ 

Ngày 16/10, UBND Thành phố Hà Nội, Công ty TNHH Hiệp hội Thể thao Xe động cơ (VMA) và Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix (VGPC) đã chính thức thông báo hủy chặng đua xe công thức 1 tại Việt Nam năm 2020 sau nhiều thảo luận với Liên đoàn Ô tô quốc tế (FIA) và Tập đoàn Formula 1.

Đối với các khách hàng đã mua vé trước đó, Công ty VGPC sẽ tiến hành hoàn tiền cho tất cả các khách hàng đã mua vé chặng đua xe công thức 1 Việt Nam 2020. 

Bên cạnh đó, ban tổ chức giải đua xe Công thức 1 đã công bố Việt Nam bị loại khỏi danh sách vào năm sau.  Sự vắng mặt của Việt Nam sẽ tạo ra khoảng cách về lịch thi đấu, đồng thời mùa giải F1 2021 sẽ giảm xuống còn 22 chặng đua.

Một thay đổi lớn khác so với kế hoạch ban đầu là Grand Prix Brazil sẽ vẫn diễn ra ở Interlagos, Sao Paulo thêm một năm nữa mặc dù có kế hoạch chuyển đến Rio.

Xe tải dưới 1,5 tấn sẽ không được xem là xe con

Tại điểm 3.23 Điều 3 của Quy chuẩn nêu rõ: “Xe ô tô con (thường gọi xe con) là xe ô tô được xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, để chở người không quá 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ người lái)”.

So với hiện nay, quy định này đã loại xe tải dưới 1,5 tấn ra khỏi danh sách xe con. Bởi theo Quy chuẩn 41:2016/BGTVT đang áp dụng, xe con còn bao gồm ô tô chở hàng với khối lượng chuyên chở dưới 1,5 tấn.

Tương tự, đối với xe bán tải (xe pickup), quy định mới của Bộ Giao thông vận tải cũng đã hạn chế số lượng xe được xem là xe con hơn rất nhiều.

Cụ thể, từ ngày 1/7/2020 khi Thông tư có hiệu lực, chỉ những xe bán tải (xe pickup) có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950 kg hoặc xe 3 bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400 kg mới được xem là xe con.

Xe dưới 9 chỗ không phải lắp bình cứu hoả

Chính phủ đã ban hành Nghị định 136/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 10/1/2021 để thay thế Nghị định 79/2014 quy định về cùng nội dung được ban hành cách đây 6 năm.

Một trong những điểm mới đáng chú ý đó là bãi bỏ quy định xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi phải trang bị bình cứu hỏa như quy định lâu nay.

Theo Nghị định này, ô tô từ 4 đến 9 chỗ ngồi chỉ cần bảo đảm điều kiện hoạt động đã được kiểm định, vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy. Đối với xe trên 9 chỗ ngồi, Nghị định 136 yêu cầu các điều kiện đảm bảo về phòng cháy chữa cháy cơ bản giống với quy định hiện hành.

Cụ thể, phương tiện phải trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động, bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.

Thương hiệu xe sang Audi dính nhiều lần triệu hồi nhất năm 

Trong năm 2020, thương hiệu xe Audi bán tại thị trường Việt Nam đã có tới 4 lần thông báo triệu hồi xe với nhiều lỗi khác nhau trên các mẫu xe ăn khách như Audi Q5, Q7 và A3.

Có nhiều lỗi khác nhau khiến xe bị triệu hồi gồm: ống áp suất thấp của hệ thống cung cấp nhiên liệu bị hỏng, hộp số,  gioăng cao su bị lỗi hay tâm chắn bùn trên xe có nguy cơ bị hỏng. 

Cụ thể, mở màn cho chuỗi chương trình triệu hồi đối với hầu hết các mẫu xe bán chạy của hãng là đợt triệu hồi trên mẫu xe Audi Q5 diễn ra vào tháng 2/2020. 

Đến tháng 4/2020, mẫu SUV 7 chỗ ăn khách của Audi Việt Nam là Q7 chính thức bị triệu hồi để kiểm tra, khắc phục lỗi ở bộ phận lái của xe. Tháng 8/2020, Audi Việt Nam lại tiếp tục ra thông báo triệu hồi đối với mẫu xe khác của hãng là Audi A3.

Tháng 11/2020, Audi tiếp tục triệu hồi đối với mẫu sedan Audi A8L là 33 chiếc do liên quan tới lỗi gioăng cao su.

Nhiều chính sách liên quan tới ô tô có hiệu lực 

Trong năm 2020, nhiều chính sách mới có hiệu lực thi hành như xe không giấy tờ được sang tên chính chủ, đăng ký xe qua trực tuyến, gắn hai biển số ngắn trên xe ô tô hay chuyển biển số nền vàng, chữ đen.

Cụ thể, xe không giấy tờ được sang tên chính chủ trong trường hợp người đang sử dụng xe có giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng, thì trong thời hạn hai ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý hồ sơ xe giải quyết đăng ký, cấp biển số (đối với ô tô sang tên trong cùng tỉnh và mô tô cùng điểm đăng ký xe) hoặc cấp giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe cho người đang sử dụng xe để làm thủ tục đăng ký, cấp biển số tại nơi cư trú.

Trường hợp người đang sử dụng xe không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, cơ quan quản lý hồ sơ xe cấp giấy hẹn có giá trị được sử dụng xe trong thời gian 30 ngày; gửi thông báo cho người đứng tên trong đăng ký xe, niêm yết công khai trên trang thông tin điện tử của Cục CSGT và tại trụ sở cơ quan; tra cứu tàng thư xe mất cắp và dữ liệu đăng ký xe ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ sang tên.

Sau 30 ngày nếu không tranh chấp, khiếu kiện, cơ quan quản lý hồ sơ xe phải giải quyết đăng ký, cấp biển số (đối với ô tô sang tên trong cùng tỉnh và mô tô cùng điểm đăng ký xe) hoặc cấp giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe cho người đang sử dụng xe để làm thủ tục đăng ký, cấp biển số tại nơi cư trú.

Về việc đăng ký xe qua trực tuyến sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/8. Theo đó, chủ xe kê khai thông tin của xe, chủ xe vào giấy khai đăng ký xe theo mẫu trên trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông hoặc cổng dịch vụ công quốc gia để đăng ký xe trực tuyến và nhận mã số thứ tự, lịch hẹn giải quyết hồ sơ qua email hoặc qua tin nhắn điện thoại.

Tiếp đến là chính sách thay vì gắn một biển số ngắn và một biển số dài như trước đây thì nay đối với xe ô tô sẽ được gắn hai biển số ngắn với kích thước: chiều cao 165 mm, chiều dài 330 mm.

Ảnh hưởng Covid-19, nhiều nhà máy tại Việt Nam đóng cửa

Do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành chỉ thị số 16/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch. Theo đó, Việt Nam sẽ tiến hành cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ ngày 1/4 với mục tiêu ngăn chặn sự lây lan của virus.

Các nhà máy ô tô đầu tiên tại Việt Nam thông báo tạm dừng sản xuất gồm: Ford, Hyundai Thành Công, Honda, Toyota. Tiếp ngay sau đó là các hãng xe khác như: Nissan, Yamaha, VinFast và Mercedes-Benz cũng đã thông báo tạm dừng sản xuất tại các nhà máy ít nhất 15 ngày. 

Với sự ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 109/2020/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước vừa ban hành ngày 15/9/2020, cho phép doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cụ thể, Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3/2020 chậm nhất là ngày 20/9/2020; tháng 4/2020 chậm nhất vào ngày 20/10/2020; tháng 5/2020 chậm nhất vào ngày 20/11/2020. Riêng thời thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế các tháng 6, 7, 8, 9 và tháng 10/2020 chậm nhất đều rơi vào ngày 20/12/2020.

Xem thêm: Chênh 100 triệu đồng: Nên mua Hyundai Kona 1.6Turbo hay Peugeot 2008 GT Line?

Tin mới lên