Xe

10 sự kiện nổi bật của ngành ô tô Việt Nam năm 2022

(VNF) - VietnamFinance bình chọn 10 sự kiện nổi bật nhất của ngành ô tô Việt Nam trong năm 2022.

1. VinFast xuất khẩu xe điện ra thế giới

Năm 2022, một trong những sự kiện nổi bật nhất của ngành ô tô Việt Nam là nhà sản xuất ô tô Việt Nam VinFast chính thức xuất khẩu gần 1.000 xe điện VF 8 ra thế giới. Đây là lô xe điện đầu tiên xuất khẩu ra thị trường quốc tế trong số 65.000 đơn đặt hàng xe điện VinFast VF 8 và VF 9 trên toàn cầu.

Lô xe điện VF 8 này được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, sau đó, VinFast sẽ xuất khẩu các lô xe VF 8 tiếp theo tới các thị trường Canada và châu Âu để kịp bàn giao cho khách hàng vào năm 2023.

Về mẫu VF 9, VinFast đã lên kế hoạch bàn giao cho thị trường Việt Nam và quốc tế trong quý I/2023.

Xem chi tiết tại đây. 

2. VinFast dự kiến lên sàn chứng khoán Mỹ

Cũng trong năm 2022, thông tin từ Tập đoàn Vingroup cho biết VinFast Trading & Investment Pte. Ltd. đã nộp hồ sơ đăng ký theo Mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng.

Số lượng cổ phần chào bán và khoảng giá dự kiến vẫn chưa được xác định. VinFast dự kiến niêm yết cổ phiếu phổ thông trên sàn Nasdaq Global Select Market với mã “VFS”.

Citigroup Global Markets Inc., Morgan Stanley & Co. LLC, Credit Suisse Securities (USA) LLC và J.P. Morgan Securities LLC sẽ đóng vai trò Ngân hàng dựng sổ chính, kiêm đại diện của các nhà bảo lãnh phát hành cho đợt chào bán được đề xuất.

BNP Paribas Securities Corp., HSBC Securities (USA) Inc., RBC Capital Markets, LLC và Wolfe | Liên minh Nomura cũng sẽ là các bên đồng dựng sổ. Robert W. Baird & Co. Incorporated sẽ đóng vai trò đồng quản lý.

Xem chi tiết tại đây.

3. Khánh thành nhà máy Hyundai Thành Công Việt Nam số 2

Một trong những sự kiện gây chú ý trong năm 2022 của ngành ô tô Việt Nam đó là Tập đoàn Thành Công (TC Group) và Tập đoàn ô tô Hyundai chính thức khánh thành nhà máy Hyundai Thành Công Việt Nam số 2 (HTMV2) tại khu công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Nhà máy HTMV2 được xây dựng trên tổng diện tích hơn 50ha, diện tích nhà xưởng 87.000m2, chiều dài đường thử 1,5km (1.503m), có tổng công suất thiết kế đạt 100.000 xe/năm, kết hợp với nhà máy số 1 sẽ đưa tổng công suất xe Hyundai xuất xưởng đạt mức 180.000 xe/năm.

Ngoài ra, Tập đoàn Thành Công cũng công bố thông tin về việc đưa vào lắp ráp, sản xuất mẫu xe điện Ioniq 5 và mẫu xe Hyundai Santa Fe bản hybrid ngay tại nhà máy Hyundai Thành Công Việt Nam số 2.

Xem chi tiết tại đây. 

4. Thaco đưa vào lắp ráp xe BMW tại Việt Nam

Trong thời gian tới, Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) sẽ đưa vào lắp ráp BMW 3-Series, 5-Series, X3 và X5 tại khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải thuộc khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.

Theo BMW, sự hợp tác này sẽ mở rộng mạng lưới sản xuất xe của tập đoàn ở châu Á. Ở khu vực này, BMW đã có nhà máy ở Ấn Độ và Thái Lan. Các nhà máy liên doanh ở Trung Quốc và nhà máy đối tác ở Malaysia, Indonesia và giờ đến Việt Nam.

Ông Michael Nikolaides, Phó chủ tịch cấp cao mạng lưới sản xuất Tập đoàn BMW, Quản lý chuỗi cung ứng, cho biết: “Đây là một cột mốc quan trọng đối với Tập đoàn BMW tại châu Á Thái Bình Dương khi chúng tôi tìm cách củng cố dấu ấn của mình trong khu vực”.

Giám đốc điều hành BMW Group Châu Á, ông Lars Nielsen, chia sẻ: “Đã gần 5 năm kể từ khi chúng tôi tái khởi động thương hiệu BMW tại Việt Nam và đưa Thaco trở thành nhà nhập khẩu chính thức xe BMW. Chúng tôi đã xây dựng mối quan hệ bền chặt với đội ngũ Thaco trong thời gian này và kinh nghiệm cũng như cam kết phát triển thương hiệu của họ là điều hiển nhiên”.

Xem chi tiết tại đây. 

5. Triển lãm ô tô Việt Nam 2022 - Vietnam Motor Show 2022 quay trở lại

Sau 2 năm bị gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19, Triển lãm ô tô Việt Nam 2022 (Vietnam Motor Show 2022) với sự tham gia của 14 thương hiệu ô tô đã chính thức quay trở lại và được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP. HCM.

So với những lần tổ chức trước đây, Triển lãm Vietnam Motor Show 2022 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với tổng diện tích không gian lên đến 40.000m2, riêng diện tích trưng bày trong nhà lên đến gần 20.000m2.

Năm 2022, Triển lãm VMS2022 quy tụ 14 thương hiệu ô tô gồm: Audi, Brabus, Honda, Jeep, Lexus, Mercedes-Benz, Mitsubishi Motors, Morgan, MG, RAM, Subaru, Toyota, Volkswagen, Volvo. Theo thống kê, sẽ có hơn 120 mẫu xe được trưng bày và giới thiệu.

Xem chi tiết tại đây.

6. Thí điểm đấu giá biển số ô tô, đề xuất giá khởi điểm từ 40 triệu đồng

Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định: Kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước là tài sản công. Do đó, biển số xe ô tô được coi là tài sản công.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về đấu giá biển số xe ô tô; nguyên tắc xác định giá khởi điểm; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số, người nhận chuyển nhượng biển số trúng đấu giá… Việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá mang tính đặc thù, một số nội dung quy định thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Nhấn mạnh việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá là cần thiết, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, mục đích xây dựng Nghị quyết nhằm khai thác có hiệu quả tài sản công là biển số xe, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, cấp biển số; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân. Đồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; mọi người dân đều có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn biển số để tham gia đấu giá.

Về giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá, dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng quy định cụ thể về giá khởi điểm của từng biển số đưa ra đấu giá, theo đó xác định con số cụ thể, áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả các trường hợp đấu giá, giá khởi điểm là mức giá thấp nhất và phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, vùng 1 gồm Hà Nội, TPHCM là 40 triệu đồng; vùng 2 gồm các địa phương còn lại là 20 triệu đồng. Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Thời hạn thực hiện thí điểm là 3 năm kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành.

Xem chi tiết tại đây.

7. Nhiều thương hiệu "khai tử" và ngừng bán nhiều dòng xe

Năm 2022, nhiều hãng xe trong nước phải thông báo ngừng bán một số mẫu xe với nhiều lý do như: doanh số thấp, bị khách hàng trong nước “quay lưng”, thiếu nguồn cung, không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải euro 5,…

Theo đó, Toyota Việt Nam tạm ngừng bán mẫu xe đa dụng Toyota Innova, xe cỡ nhỏ Wigo. Đáng chú ý, đứa “con cưng” Hilux cũng đã ngừng bán do không đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải euro 5.

Thương hiệu ô tô Việt Nam VinFast ngừng bán 3 mẫu xe chạy xăng là: Lux A2.0, Lux SA2.0 và Fadil để tập trung vào sản xuất xe điện. Theo đó, tromg thời gian tới hãng xe VinFast sẽ tung ra thị trường dải sản phẩm ô tô điện mới gồm 5 mẫu xe: VF 5, VF 6, VF 7, VF 8, VF 9 thuộc đầy đủ các phân khúc A-B-C-D-E.

Cuối tháng 2/2022, Ford Việt Nam thông báo ngừng phân phối dòng xe EcoSport. Đại diện hãng cho biết do Tập đoàn Ford tái cơ cấu ở Ấn Độ từ 2021 dẫn đến việc thay đổi các nhà máy sản xuất xe và linh kiện tại đó, điều này gây ảnh hưởng đến một số dòng xe, trong đó có EcoSport.

TC Motor - đơn vị lắp ráp, phân phối ô tô du lịch Hyundai tại Việt Nam cũng công bố tạm ngừng sản xuất, phân phối đối với mẫu xe Hyundai Kona bắt đầu từ tháng 6/2022. Lý do của việc tạm ngừng lắp ráp Hyundai Kona tại Việt Nam do thiếu hụt nguồn cung ứng linh phụ kiện.

Xem chi tiết tại đây.

8. Đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy

Một trong những nội dung đáng chú ý khác của ngành ô tô Việt Nam năm 2022 đó là đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy. Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng việc thực hiện các loại bảo hiểm bắt buộc đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích xã hội nhưng với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy thì không.

Sau hơn 10 năm triển khai Nghị định 103/2008/NĐ-CP, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019 (45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm). Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác, cụ thể, tỷ lệ chi trả của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe ô tô là khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ là 31%.

VCCI cho rằng so với biện pháp bồi đòi bồi thường khác, bảo hiểm có ưu điểm là chi trả nhanh hơn đối với người bị tai nạn và giảm áp lực tài chính đối với người phải bồi thường, từ đó tạo ra giá trị thặng dư cao hơn cho cùng một số tiền bồi thường. Tuy nhiên, với số tiền chi trả “ít ỏi” 45 tỷ đồng thì rất khó có thể thuyết phục rằng lợi ích mang lại từ khoản tiền bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy lớn hơn chi phí xã hội phải bỏ ra là 765 tỷ đồng. Như vậy, nhìn về mặt tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.

Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ trường hợp xe máy.

Xem chi tiết tại đây.

9. Bãi bỏ các quy định về tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô

Ngày 10/8/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 11/2022/TT-BKHCN về việc bãi bỏ các văn bản quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã bãi bỏ toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật sau đây: - Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 1-10-2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô; Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11-5-2005 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 1-10-2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô; Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN ngày 12-3-2012 về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11-5-2005 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 1-10-2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

Thông tư số 11/2022/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 1/10/2022.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, giới chuyên môn cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật trên không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành công nghiệp ô tô, bởi Việt Nam hiện vẫn sử dụng cách tính tỷ lệ nội địa hóa theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước.

Trong khi đó, các nước ASEAN lại tính theo tổng giá trị của từng chi tiết cộng lại để hưởng ưu đãi thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ký kết các Hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA… nên các chênh lệch về thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc và bộ linh kiện không còn nên cần bãi bỏ, sửa đổi các quy định liên quan để phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, việc bãi bỏ các quy định trên không chỉ đảm bảo sự thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mà còn đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phù hợp với tiêu chuẩn chung của khu vực và quốc tế.

Xem chi tiết tại đây. 

10. Mức thu lệ phí trước bạ với ô tô điện chạy pin là 0%

Tại Nghị định 10/2022, theo điểm c khoản 5 Điều 8, việc tính lệ phí trước bạ với ô tô điện chạy pin được chia thành hai giai đoạn sau.

Giai đoạn 1, mức thu lệ phí trước bạ với ô tô điện chạy pin là 0% trong vòng ba năm kể từ ngày 1/3/2022. Tức từ ngày 1/3/2022 đến hết ngày 1/3/2025, mức thu lệ phí trước bạ với ô tô điện chạy pin là 0%.

Giai đoạn 2, từ sau ngày 1/3/2025 đến hết ngày 1/3/2027, mức thu lệ phí trước bạ khi mua ô tô điện chạy pin bằng 50% mức thu với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.

Các loại ô tô điện chạy pin nộp lệ phí trước bạ lần thứ hai trở đi với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Xem chi tiết tại đây. 

Xem thêmÔ tô hãng nào nào được người Việt tiêu thụ nhiều nhất trong tháng 11?

Tin mới lên