Xe

10 sự kiện nổi bật của thị trường ô tô Việt Nam năm 2019

(VNF) - Năm 2019 thị trường ô tô Việt Nam chứng kiến nhiều biến động lớn như Nissan Motor gia hạn hợp tác phân phối xe, VinFast gia nhập VAMA, công bố lệ phí trước bạ mới hay "đường lưỡi bò" nguy hiểm xuất hiện trên bản đồ xe bán ra trong nước.

10 sự kiện nổi bật của thị trường ô tô Việt Nam năm 2019

10 sự kiện nổi bật của thị trường ô tô Việt Nam năm 2019.

1. Nissan Motor và Tập đoàn Tan Chong Motor Holdings Bhd gia hạn thoả thuận hợp tác

Một trong những sự kiện nổi bật của thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2019 không thể không nhắc đến đó là việc gia hạn thoả thuận hợp tác giữa Nissan Motor và Tập đoàn Tan Chong Motor Holdings Bhd.

Cụ thể, ngày 6/9/2019, Nissan Motor và Công ty Edaran Tan Chong Motor (ETCM) - Công ty thành viên thuộc Tập đoàn Tan Chong Motor Holdings Bhd đã ký kết thỏa thuận chung về việc gia hạn thời hạn hợp tác liên doanh giữa hai bên. Bản thỏa thuận hợp tác liên doanh sẽ được gia hạn từ 10/9/2019 đến hết ngày 30/9/2020.

Với việc gia hạn thời hạn hợp tác liên doanh, hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam tiếp tục được duy trì như thường lệ. Trong thời hạn nêu trên, Nissan Việt Nam tiếp tục nhập khẩu và phân phối vào thị trường Việt Nam các sản phẩm ô tô Nissan và các sản phẩm phụ tùng, phụ kiện khác.

Xem chi tiết tại đây.

2. Jaguar và Land Rover thay nhà phân phối tại thị trường Việt Nam

Tại sự kiện triển lãm ô tô Việt Nam VMS 2019 diễn ra vào cuối tháng 10/2019, Giám đốc Điều hành của thương hiệu xe sang Anh Quốc Jaguar và Land Rover đã công bố nhà nhập khẩu, phân phối kinh doanh các phụ tùng của hai thương hiệu kể trên là Công TNHH nhập khẩu Phú Thái Mobility.

Được biết, công ty TNHH nhập khẩu Phú Thái Mobility là một trong những công ty thành viên của Tập đoàn Phú Thái. Đơn vị này đã có sự hợp tác tốt với tập đoàn PON Hà Lan hơn 9 năm qua.

Tập đoàn PON là công ty chuyên nhập khẩu và phân phối hơn 10 thương hiệu gồm các thương hiệu xe khách, xe du lịch và ôtô sang ở Châu Âu và Bắc Mỹ bao gồm 2 thương hiệu Jaguar và Land Rover.

Xem chi tiết tại đây.

3. VinFast gia nhập VAMA

Trước thời điểm diễn ra triển lã ô tô Việt Nam VMS 2019, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa thông báo về việc thêm nhà sản xuất ô tô Việt Nam VinFast vào danh sách thành viên kể từ tháng 10/2019.

Mặc dù thời điểm đó phía VinFast chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào về sự việc trên, tuy nhiên đại diện của hãng cũng thông tin rằng để có thể tham dự triển lãm ô tô Việt Nam 2019, điều kiện bắt buộc là các hãng xe phải là thành viên của VAMA hoặc Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng Việt Nam (VIVA).

“Chính vì vậy, việc VinFast gia nhập VAMA cũng là một trong các điều kiện để tham dự triển lãm ô tô Việt Nam 2019”, vị này nói.

Bộ ba ô tô VinFast gồm Fadil, Lux A2.20 và SUV Lux SAd2.0 chính thức ra mắt người dùng trong nước tại một sự kiện hoành tráng diễn ra tại Công viên Thống Nhất vào tháng 11/2018.

Hiện tại, VinFast đang phân phối ra thị trường 5 mẫu xe gồm: Chevrolet Colorado, SUV 7 chỗ Trailblazer, xe giá rẻ Fadil, sedan Lux A2.0 và SUV Lux SA2.0.

Xem chi tiết tại đây.

4. Nhiều mẫu xe mới ra mắt người dùng

Năm 2019 là năm thị trường ô tô Việt Nam có nhiều “khởi sắc” khi các hãng đã giới thiệu tới người tiêu dùng trong nước khá nhiều mẫu xe mới, từ bình dân đến xe sang.

Cụ thể, ở phân khúc xe bình dân phải nhắc đến những cái tên của hãng xe Nhật Bản Toyota như Toyoya Avanza, Rush và Wigo.

Honda Việt Nam cũng cho ra mắt mẫu xe HR-V và xe giá rẻ Brio. Hay nhà phân phối Mitsubishi Việt Nam cũng giới thiệu mẫu MPV giá rẻ Xpander.

Ở phân khúc xe cao cấp, hạng sang là những cái tên như Lexus LX570, BMW X7, BMW X3, Honda Accord hay Toyota Camry mới. Đặc biệt và đáng chú ý nhất là mẫu xe siêu sang Rolls-Royce Cullman.

Xem chi tiết tại đây. 

5. Áp dụng Bảng tính lệ phí trước bạ mới

Cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định về việc điều chỉnh, bổ sung Bảng giá tính lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy có hiệu lực từ ngày 29/10/2019.

Cụ thể đối với ô tô, quyết định số 2064 đã điều chỉnh giá tính lệ phí trước bạ (GTLPTB) của 68 dòng xe ô tô chở người từ 9 người trở xuống nhập khẩu; điều chỉnh GTLPTB của 20 dòng xe ô tô chở người từ 9 người trở xuống sản xuất, lắp ráp trong nước; điều chỉnh GTLPTB của 8 dòng xe ô tô pick up, tải Van nhập khẩu; điều chỉnh GTLPTB của 2 dòng xe ô tô pick up, tải Van sản xuất, lắp ráp trong nước.

Đối với xe máy, quyết định số 1112 đã điều chỉnh GTLPTB của 23 dòng xe máy hai bánh nhập khẩu; điều chỉnh GTLPTB của 27 dòng xe máy hai bánh sản xuất, lắp ráp trong nước; điều chỉnh GTLPTB của 6 dòng xe máy hai bánh (điện) sản xuất, lắp ráp trong nước.

Xem chi tiết tại đây. 

6. Bộ Tài chính hướng dẫn khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công

Trong năm 2019, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 24/2019/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6/6/2019.

Cụ thể là khoán kinh phí định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của Cục, Vụ và tổ chức tương đương (gọi là đơn vị) thuộc, trực thuộc Bộ, cơ quan trung ương quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP.

Xem chi tiết tại đây. 

7. “Đường lười bò” xuất hiện trên xe

Một sự kiện nổi cộm và gây bức xúc trong dư luận của thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2019 là việc “đường lưỡi bò” xuất hiện trên bản đồ của mẫu xe Volkswagen Touareg.

Cụ thể, vụ việc “đường lưỡi bò” xuất hiện trên bản đồ của mẫu xe Volkswagen gây ồn ào dư luận vào cuối tháng 10/2019, khi mẫu xe Touareg có hình ảnh “đường lưỡi bò” được trưng bày tại Triển lãm ô tô Việt Nam 2019 (Vietnam Motor Show 2019 - VMS 2019).

Không chỉ riêng Volkswagen Touareg, mẫu xe Zotye T600 đời 2017 (Trung Quốc) được Công ty CPTM Kylin - GX668, đơn vị nhập khẩu chính hãng ô tô Trung Quốc bán tại Việt Nam, cũng gây xôn xao dư luận khi chức năng định vị trên xe sử dụng bản đồ Trung Quốc, ngôn ngữ màn hình cũng là tiếng Trung.

Cụ thể, bản đồ định vị trên chiếc xe nói trên xuất hiện “đường lưỡi bò” bao khắp Biển Đông. Ngoại trừ địa phận Trung Quốc và vùng Biển Đông, các vị trí khác đều không có thông tin trên bản đồ này. Trong đó, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam được ghi trái phép là Tây Sa và Nam Sa. 

Xem chi tiết tại đây. 

8. Nhiều đợt triệu hồi xe với số lượng lớn

Điển hình cho những đợt triệu hồi xe với số lượng “khủng” tại Việt Nam trong năm 2019 là mẫu bán tải Ford Ranger.

Cụ thể, đợt triệu hồi lần đầu được thôn g báo là vào tháng 5/2019 với số lượng 9.852 chiếc, do liên quan tới hệ thống ống dầu phanh trước. Số lượng xe bị triệu hồi được sản xuất trong khoảng từ ngày 1/3/2016 đến 16/4/2018.

Đợt triệu hồi lần thứ 2 cũng liên quan tới lỗi này có số lượng xe bị ảnh hưởng lên đến 25.288 chiếc, được sản xuất từ ngày 1/3/2016 đến ngày 16/4/2018.

Điều đáng nói là đợt triệu hồi lần 2 có thời gian để khắc phục kéo dài gần 10 năm (từ ngày 25/6/2019 đến ngày 25/6/2029).

Xem chi tiết tại đây. 

Vụ triệu hồi gây chú ý tại Việt Nam trong năm 2019 là mẫu xe ăn khách lên như “diều gặp gió” Mitsubishi Xpander.

Mặc dù chỉ mở bán hơn 1 năm nhưng doanh số của hãng đã vượt hơn 10.000 xe bán ra, tuy nhiên vận đen ập đến khi hãng cũng phải ra thông báo triệu hồi đối với hơn 14.000 xe bị lỗi hệ thống bơm nhiên liệu.

Cụ thể, số lượng xe bị ảnh hưởng là 14.051 chiếc. Trong đó, có 9.428 xe Xpander số tự động sản xuất trong khoảng thời gian từ 14/8/2018 đến 22/8/2019 và 4.623 xe thuộc bản số sàn, sản xuất từ ngày 23/8/2018 đến 26/8/2019.

Không chỉ chết máy, mẫu xe bán chạy nhất của Mitsubishi Việt Nam cũng bị nhiều người dùng phàn nàn về hiện tượng phuộc sau chảy dầu.

Xem chi tiết tại đây.

9. Ford sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Cụ thể, Ford Mỹ sẽ đầu tư thêm 82 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư lên 184,7 triệu USD, để mở rộng sản xuất tại nhà máy ở Hải Dương.

Với khoản đầu tư mới, Ford sẽ nâng công suất nhà máy từ 14.000 xe/năm hiện tại lên 40.000 xe/năm. Đồng thời, Ford Việt Nam cũng sẽ nhập khẩu các loại xe ô tô nguyên chiếc và linh, phụ kiện ô tô để bán cho các thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó. Ford Việt Nam cũng sẽ chịu trách nhiệm phân phối các loại xe và linh, phụ kiện ô tô nhập khẩu, xuất khẩu các loại ô tô nguyên chiếc sản xuất tại Việt Nam…

Theo kế hoạch, trong giai đoạn I, Ford Việt Nam sẽ đưa các hạng mục công trình và máy móc, thiết bị vào sử dụng trong quý II/2020; giai đoạn II, dấu mốc được tính từ quý II/2022.

Xem chi tiết tại đây. 

10. Sẽ giảm thuế linh kiện ô tô sản xuất trong nước

Năm 2019, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản đề xuất giảm thuế với linh kiện làm được trong nước nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo nền tảng cho sự phát triển của ngành sản xuất ôtô trong nước, đặc biệt là xe điện, ô tô điện.
Cụ thể, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ ngành trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách mới, tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ôtô của các doanh nghiệp lớn, thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia vào các dự án có quy mô lớn có kèm theo chuyển giao và làm chủ công nghệ tại Việt Nam.

Đồng thời phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu, ban hành chính sách ký quỹ xử lý sản phẩm ôtô thải bỏ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng ngành công nghiệp ô tô.

Xem chi tiết tại đây.

Xem thêm: Chuyển sang nhập khẩu khiến giá tăng cao, liệu Mercedes-Benz GLC 300 2020 có đủ hấp dẫn?

Tin mới lên