Tiêu điểm

10 sự kiện nổi bật ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2020

(VNF) – 2020 ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của ngành Kế hoạch và Đầu tư về nhân sự, chính sách, giải ngân vốn đầu tư công…

10 sự kiện nổi bật ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2020

10 sự kiện nổi bật ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2020

1. Nỗ lực đưa nền kinh tế tăng trưởng trong đại dịch

Ngay từ đầu năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trực tiếp dự thảo Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước để Thủ tướng ký ban hành ngay trong ngày đầu tiên của năm mới.

Cùng với Nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong năm 2020 Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tham mưu để Thủ tướng ban hành Chỉ thị về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh trong điều kiện vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch Covid-19.

Những động thái này đã góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua các tác động của đại dịch để duy trì mức tăng trưởng thực dương và trở thành một trong những nước có tăng trưởng GDP cao nhất thế giới.

2. Biến động nhân sự lãnh đạo 

Tháng 9/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ cơ quan Bộ lần thứ 25, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Kết quả của đại hội là Thứ trưởng Trần Quốc Phương trở thành bí thư Đảng ủy Bộ, ông Trần Duy Đông cùng ông Mai Ngọc Bích làm phó bí thư Đảng ủy.

Diễn biến sau đó, ông Trần Duy Đông được thăng từ Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ lên Thứ trưởng. Ông Đông sinh năm 1979, trở thành Thứ trưởng ở tuổi 41.

Trước đó, diễn biến nhân sự đáng chú ý là Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung được điều động làm phó bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhiệm kỳ 2015 - 2020 (tháng 3/2020) và ông Vũ Đại Thắng được điều động làm bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình (8/2020). Tới tháng 10/2020, ông Thắng đã tái đắc cử vị trí này.

3. Giải ngân đầu tư công tăng mạnh nhất trong một thập niên

Tính đến hết tháng 11/2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2020.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến tháng 11 đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong tháng 10 và 11.

“Có 15 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/11/2020 đạt trên 75%, trong đó 9 bộ, cơ quan trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 85%”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

4. Lập quy hoạch vùng đầu tiên tích hợp đa ngành

Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2020 đã tổ chức lập quy hoạch vùng đầu tiên tiếp cận tích hợp đa ngành tại Đồng bằng sông Cửu Long (thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050). Đây là bản quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai thực hiện theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch.

Sau khi được phê duyệt, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long là cơ sở để triển khai lập các quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan, như: quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị…

5 quan điểm mang tính cốt lõi của quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm: phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội – môi trường; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo nhằm biến thách thức thành cơ hội; thay đổi mô hình phát triển theo hướng tập trung hơn, phát triển các trung tâm kinh tế, các đô thị động lực, tập trung nguồn lực để tạo các “quả đấm thép”; tăng cường liên kết vùng; tập trung phát triển hạ tầng.

5. Công bố Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025

Đến năm 2025, Chương trình sẽ triển khai các hoạt động thiết thực với doanh nghiệp để đạt được 4 mục tiêu. Một là 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Hai là tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ Chương trình như sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp.

Ba là tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số, hướng tới các doanh nghiệp sản xuất, chế biến. Bốn là thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số.

Thông qua Chương trình, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ kỹ thuật tập trung vào 4 nội dung chính. Một là nâng cao nhận thức, tầm nhìn và chiến lược của doanh nghiệp về chuyển đổi số. Hai là số hóa hoạt động kinh doanh như marketing, bán hàng…

Ba là số hóa quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ, các nghiệp vụ quản lý tài chính, kế toán, nhân sự, báo cáo, giám sát và đánh giá… Bốn là chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho doanh nghiệp.

Trong giai đoạn đầu, Chương trình sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực như: cơ khí, điện tử, chế biến chế tạo, nông nghiệp, chế biến thực phẩm…

6. Quốc hội thông qua 3 luật quan trọng về đầu tư

Năm 2020, Quốc hội biểu quyết thông qua 3 đạo luật quan trọng gồm: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Luật PPP gồm 11 chương và 101 điều đã quy định rõ về lĩnh vực đầu tư, tổng mức đầu tư tối thiểu, cơ chế chia sẻ phần tăng giảm doanh thu, cơ chế kiểm toán của các dự án PPP...

Luật Đầu tư gồm 7 chương, 77 điều đã điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng, trong đó đáng chú ý là giảm số lượng các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện từ 243 ngành, nghề xuống còn 227 ngành, nghề và quy định về điều kiện tiếp cận thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài. 

Luật Doanh nghiệp gồm 10 chương, 218 điều, điều chỉnh nhiều điểm so với luật cũ, trong đó có 40 điểm mới đáng chú ý. Gây tranh cãi nhất trong số đó là việc đưa hay không đưa hộ kinh doanh vào luật.

Tựu trung, 3 đạo luật trên được đánh giá là đã khơi thông các điểm nghẽn, tạo hành lang rộng rãi và chắc chắn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

7. SMEDF ký hợp đồng khung cho vay gián tiếp với 5 ngân hàng

Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) và 5 ngân hàng thương mại ((BIDV, MBBank, SHB, HDBank và Bắc Á Bank) đã ký hợp đồng khung cho vay gián tiếp.

Hoạt động cho vay gián tiếp của SMEDF dành cho đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị đáp ứng quy định tại Điều 6 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP và Điều 23 Nghị định số 39/2019/NĐ-CP.

Lãi suất cho vay ngắn hạn là 4,16%/năm; lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn là 6,0%/năm. Mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh.

Thời hạn cho vay được xác định phù hợp với khả năng thu hồi vốn, khả năng trả nợ của doanh nghiệp và điều kiện cụ thể của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nhưng tối đa không quá 7 năm. Thời gian ân hạn cho một dự án (vay vốn trung và dài hạn) tối đa là 02 năm.

Với số vốn điều lệ tối thiểu là 2.000 tỷ đồng, việc thành lập SMEDF thể hiện quyết tâm của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc huy động các nguồn lực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, tạo động lực phát triển nền kinh tế đất nước. Đến nay, Quỹ đã chấp thuận ủy thác cho ngân hàng để giải ngân cho doanh nghiệp nhỏ và vừa số tiền gần 200 tỷ đồng.

8. Công bố Sách trắng doanh nghiệp và Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2020

Tổng cục Thống kê hồi tháng 4/2020 đã công bố Sách trắng doanh nghiệp và Sách trắng hợp tác xã năm 2020. Trong đó, Sách trắng doanh nghiệp được phát hành lần thứ hai với những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp năm 2019 và giai đoạn 2016-2019; còn Sách trắng hợp tác xã lần đầu phát hành với số liệu tổng quan về hợp tác xã năm 2018 và giai đoạn 2016-2018.

Sách trắng doanh nghiệp gồm 6 phần: bối cảnh phát triển doanh nghiệp năm 2019; tổng quan phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 và giai đoạn 2016-2019; một số nét chủ yếu về doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 và giai đoạn 2016-2018;

Đề xuất giải pháp phát triển doanh nghiệp; bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2019 và giai đoạn 2016-2019 toàn quốc; bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2019 và giai đoạn 2016-2019 các địa phương.

Sách trắng hợp tác xã Việt Nam gồm 5 phần: bối cảnh phát triển hợp tác xã năm 2018; tổng quan phát triển hợp tác xã Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2016-2018; đề xuất giải pháp phát triển hợp tác xã;

Bộ chỉ tiêu phát triển hợp tác xã năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 của cả nước (phụ lục); bộ chỉ tiêu phát triển hợp tác xã năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 của các địa phương (phụ lục).

9. Thu hút hơn 28 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài

Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD.

Trong đó: có 2.523 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14,6 tỷ USD; có 1.140 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD; có 6.141 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 7,5 tỷ USD.

Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.695 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 3,2 tỷ USD và 4.446 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 4,3 tỷ USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2020 ước tính đạt gần 20 tỷ USD.

10. Hé lộ Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2030

Năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội thảo tham vấn cho dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 – 2030, qua đó cho thấy những nội dung cơ bản của chiến lược này.

Theo đó, Chiến lược có 5 quan điểm phát triển, 6 mục tiêu chiến lược và 3 đột phá chiến lược. 5 quan điểm gồm 22 ý chính (quan điểm 1 và 2 có 10 ý, quan điểm 3 - 4 -5 có 12 ý). 6 mục tiêu có 2 điểm nổi bật là: đến năm 2030 Việt Nam nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Các mục tiêu cụ thể có thể kể đến như: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm, đô thị hóa 50%, tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33 - 35% GDP; nợ công không quá 60% GDP...

3 đột phá chiến lược gồm: đột phá về thể chế (trọng tâm là thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực và nâng cao hiệu lực quản trị quốc gia); đột phá về về khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, khát vọng phát triển dân tộc; đột phá về phát triển hạ tầng.

Tin mới lên