Tiêu điểm

10 triệu tỷ đồng để đầu tư: Huy động vốn như thế nào?

(VNF) – Trong giai đoạn 2016 – 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến khoảng 32 – 34% GDP, tương đương 9 - 10 triệu tỷ đồng. Đâu là giải pháp để huy động nguồn vốn đó?

10 triệu tỷ đồng để đầu tư: Huy động vốn như thế nào?

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 9 - 10 triệu tỷ đồng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2016 – 2020, cơ cấu vốn đầu tư sẽ thay đổi theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài nhà nước, nhất là đầu tư của khu vực tư nhân trong nước.

Cụ thể, vốn nhà nước dự kiến giảm từ 39,1% (giai đoạn 2011-2015) xuống còn khoảng 31-34% (giai đoạn 2016-2020). Trong khi đó, vốn khu vực tư nhân trong nước dự kiến tăng từ 38,3% lên 45-48% tổng đầu tư toàn xã hội.

Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu vốn, giải pháp tổng thể được đưa ra là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, trước hết là hiệu quả đầu tư. Từ đó kích thích khu vực kinh tế tư nhân tham gia mở rộng đầu tư làm tăng tổng vốn đầu tư lên.

Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế có thể mang lại nguồn lực đầu tư đáng kể, đặc biệt từ việc đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp có thể tạo ra nguồn thu từ 15-20 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2020.

Xác định vốn từ khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, giải pháp huy động vốn từ khu vực này là cần thực hiện đúng và đầy đủ các giải pháp theo Nghị quyết số 10-NQ/TW, phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân, đảm bảo hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường; đảm bảo quyền tự do kinh doanh, sở hữu tài sản; xoá bỏ các rào cản, chính sách và các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất kinh doanh; xóa bỏ bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực xã hội, trọng tâm là vốn và đất đai, cơ hội kinh doanh…

Đối với vốn đầu tư của Nhà nước, giải pháp được nêu ra là thực hiện nghiêm túc đầy đủ Quyết định 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trong số 240 doanh nghiệp nhà nước thuộc diện sắp xếp 2016-2020, chỉ giữ lại 103 doanh nghiệp; 31 doanh nghiệp cổ phần hóa do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; 106 doanh nghiệp cổ phần hóa còn lại không cần nắm giữ cổ phần lâu dài.

Toàn bộ vốn thu được từ cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành phải được dành cho đầu tư phát triển và không dùng để bổ sung cho chi tiêu thường xuyên của ngân sách nhà nước.

10 triệu tỷ đồng để đầu tư: Huy động vốn như thế nào? ảnh 1

Việc thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 có thể mang về 15 - 20 tỷ USD

Đối với nguồn vốn FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xác định giải pháp huy động là: hoàn thiện khung pháp lý theo hướng xóa bỏ sự khác biệt về gia nhập thị trường giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài; hoàn thiện các quy định về M&A; đẩy mạnh tiến độ giải ngân cũng như công tác kế hoạch hóa vốn ODA và vốn vay ưu đãi; đảm bảo tính công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình về các loại vốn này.

Đối với thị trường vốn (nơi huy động được hơn 1,2 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 2011 – 2015, đóng góp bình quân 23% vào tổng đầu tư toàn xã hội), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mục tiêu của giai đoạn 2016 - 2020 là nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường này. Đến năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 30% GDP.

Để làm được điều đó, cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến việc phát triển thị trường vốn theo thông lệ quốc tế, hướng tới phát triển thị trường chứng khoán  và thị trường trái phiếu bền vững; hoàn thiện khung pháp lý cho việc phát triển thị trường mua bán nợ, với sự tham gia của cả khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh nguồn thu từ đất có vai trò quan trọng Trong giai đoạn 2000 – 2015, thu ngân sách từ nhà đất tăng trung bình 19,9%. Tuy nhiên, tình trạng thất thoát nguồn thu từ nhà đất còn phổ biến do định giá đất không theo cơ chế thị trường. Cơ chế giá đất khác nhau cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau cũng tạo ra nhiều méo mó về giá, phân bổ đất đai.

Do đó, trong giai đoạn tới, Bộ cho biết sẽ đưa đấu giá, đấu thầu thành phương thức mô hình chính cho việc phân bổ đất công, sử dụng tài nguyên cho các lợi ích tư và công bố mức giá và các điều kiện thắng đấu giá.

Đồng thời xem xét lại các quy định về hạn điền và chính sách thuế, phí đối với phần vượt mức hạn điền. Nghiên cứu và ban hành phương pháp định giá đất theo giá thị trường để tài chính hóa nguồn vốn đất đai của các chủ thể theo cơ chế thị trường, cũng như tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.

Tin mới lên