Tài chính

100 km, 4 trạm thu phí: Doanh nghiệp kêu lên Thủ tướng

Đường từ Thái Bình đi Hà Nội chỉ 105 km mà có tới 4 trạm thu phí. Có đoạn mới phủ thêm lớp nhựa nhưng vẫn thu phí cao như trạm Pháp Vân – Cầu Giẽ mức phí 45 nghìn đồng đối với xe 9 chỗ làm cho chi phí của doanh nghiệp vốn đã cao nay lại càng cao hơn.

100 km, 4 trạm thu phí: Doanh nghiệp kêu lên Thủ tướng

Phí đường bộ tăng là vấn đề khiến nhiều DN phản ứng.

DN "choáng" vì phí đường bộ

Rất nhiều ý kiến DN nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động được gửi về VCCI để tập hợp gửi lên Thủ tướng Chính phủ trước thềm cuộc gặp 29/4 tới đây. Trong đó vấn đề thuế, phí thời gian qua tăng mạnh khiến nhiều DN bức xúc. Một trong những kiến nghị được cộng đồng DN gửi đến Thủ tướng nhiều nhất là phí đường bộ.

Theo Hiệp hội DN Thái Bình, một đoạn đường từ Thái Bình đi Hà Nội chỉ có 105 km mà có tới 4 trạm thu phí. Có đoạn vừa mới đầu tư phủ thêm lớp nhựa nhưng vẫn thu phí cao như trạm Pháp Vân – Cầu Giẽ mức phí 45 nghìn đồng đối với xe 9 chỗ ngồi trở xuống làm cho chi phí của DN vốn đã cao nay lại càng cao hơn.

Do đó, hiệp hội này đề nghị Bộ GTVT xem lại phí đường bộ vì hiện nay đang ở mức quá cao.

Đại diện Hiệp hội DN quận Hải An (Hải Phòng) cũng cho rằng cần xem xét lại giá cước vận tải cho tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, mức phí áp dụng hiện nay trên toàn tuyến là quá cao, ảnh hưởng lớn tới chi phí của DN, đặc biệt là DN kinh doanh dịch vụ vận tải.

"Các DN mong muốn cần có sự minh bạch. Công khai làm bao nhiêu tiền/km? Được thu phí bao nhiêu năm? Giá cước thu phí cụ thể bao nhiêu năm sẽ thu hồi đủ vốn của nhà đầu tư?", đại diện Hiệp hội DN quận Hải An đề nghị làm rõ.

Trong khi đó, Hiệp hội Công Thương TP.Hà Nội cũng bày tỏ, việc thu phí giao thông đường bộ có nhiều bất hợp lý, vẫn còn tình trạng các trạm thu phí đang hoạt động vi phạm pháp luật như địa điểm đặt trạm thu phí không đúng, khoảng cách giữa các trạm thu phí chưa tuân thủ quy định; hệ thống đường vừa làm xong đã bị xuống cấp hư hỏng…

"Việc thu phí theo đầu phương tiện với hình thức thu qua đăng kiểm cùng với mức thu chưa căn cứ vào thực tế sẽ làm cho DN vô cùng khó khăn, cần được xem xét lại", Hiệp hội Công Thương TP.Hà Nội kiến nghị.

Theo Hiệp hội DN vận tải Hà Nội, đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT được làm với bất cứ giá nào, trái với quy định về phân bổ các trạm thu phí, nâng mức phí vượt quá mức thu nhập của người dân đã ảnh hưởng giá thành vận tải và gây bức xúc cho cộng đồng.

"Nên thay đổi bằng cách chuyển dần BOT thành hợp tác công – từ PPP để nhà nước, nhân dân kiểm soát được "suất đầu tư", minh bạch hóa về giá thành đầu tư, phân khúc đầu tư theo tăng trưởng GDP", Hiệp hội DN vận tải Hà Nội nêu.

Thuế, phí ngày càng nặng

Theo Hiệp hội DN tỉnh Thái Bình, giá thuê đất thời gian qua ở mức quá cao khiến "các doanh nghiệp không chịu nổi".

Ví dụ giá thuê đất tại Công ty CP Tam Kỳ năm 2015 là 10.000 đồng/m2 thì năm 2016 là 33.600 đồng/m2. Công ty CP Điện tử Thái Bình năm 2015 chỉ phải nộp 226 triệu đồng nhưng đến năm 2016 tăng lên gần 3 lần, lên 618 triệu đồng. Thậm chí có đơn vị cho biết giá thuê đất tăng từ 4-5 lần so với năm 2015.

Cho nên hiệp hội này đề nghị thực hiện tăng giá thuê đất cần có lộ trình cụ thể và có mức trần không vượt quá 2 lần so với giá năm 2010.


Nặng gánh thuế phí, DN giảm sức cạnh tranh.

Cùng chung nỗi lo giá thuê đất tăng chóng mặt, Hiệp hội DN Hà Tĩnh cho rằng môi trường kinh doanh ở Hà Tĩnh nói riêng và ở VN nói chung chưa có cải thiện đột biến để tăng giá thuê đất 5 lần trong vòng 5 năm. Nếu tăng 1,5-2 lần so với năm 2010 là hợp lý. DN đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Nhiều loại chi phí khác có xu hướng tăng lên cũng đang trở thành gánh nặng của các DN. Chẳng hạn, Hiệp hội DN tỉnh Hà Giang đau đầu khi phải gánh 11 loại thuế phí đối với khoáng sản. Trong đó, có nhiều loại thuế phí thời gian qua tăng mạnh như thuế tài nguyên tăng tới 30 lần, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng khoảng 3 lần…

Mức đóng bảo hiểm xã hội tăng mạnh cũng khiến các DN cảm thấy "khó thở". Hiệp hội DN tỉnh Thái Bình đánh giá, mức đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động VN hiện nay 22% là quá cao so với các nước trong khối ASEAN (Malaysia là 15%, Thái Lan là 5%).

Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng bảo hiểm xã hội theo luật mới đóng theo cả phụ cấp gây khó khăn rất lớn cho DN.

Ngoài ra, các DN không hài lòng khi phải đóng nhiều loại chi phí không chính thức. Dẫn số liệu Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2015 của VCCI, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài cho rằng, tỷ lệ các DN cho biết phải trả chi phí không chính thức tăng liên tục trong 3 năm qua. Từ 50,5% vào năm 2013 lên 66% trong năm 2015.

"Chúng tôi thấy đây là số liệu đáng báo động, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh tại VN, đặc biệt đối với các DN, các quốc gia tiên tiến đòi hỏi tính minh bạch cao như EU, Mỹ, Nhật Bản… Chính phủ cần có các giải pháp căn cơ và mạnh mẽ để đẩy lùi tình trạng này.", ông Nguyễn Văn Toàn đánh giá.

Trước tình trạng trên, Hiệp hội Công Thương TP.Hà Nội thẳng thắn đề nghị ngoài những phí và lệ phí đã được quy định, Chính phủ cần kiểm soát không được phát sinh những loại phí và lệ phí khác để không gây tổn hại đến DN. Còn hiệp hội DN nhỏ và vừa Lâm Đồng đề nghị Chính phủ xem xét khi ban hành chính sách thuế, phí phải có sự ổn định lâu dài, tạm ngưng ban hành thêm các loại thuế, phí phải thu của DN, người dân để tăng cầu hàng hóa và hỗ trợ cho DN.

Tin mới lên