Thị trường

12 dự án thua lỗ ngành Công Thương: Nhóm phân bón khởi sắc, Thép Việt Trung báo lỗ

(VNF) – Trong quý I/2019, nhóm các dự án nhà máy sản xuất phân bón có kết quả sản xuất kinh doanh khởi sắc so với năm 2018. Trong khi đó, dự án Thép Việt Trung lại bất ngờ báo lỗ 22 tỷ đồng.

12 dự án thua lỗ ngành Công Thương: Nhóm phân bón khởi sắc, Thép Việt Trung báo lỗ

Nhà máy đạm Ninh Bình

Chính phủ mới đây đã có báo cáo về kết quả xử lý tồn tại, yếu kém tại các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Báo cáo này đã hé lộ tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2019 của 12 dự án thua lỗ.

Đối với nhóm dự án sản xuất phân bón, trong quý I/2019, DAP số 1 - Hải Phòng có kết quả tốt nhất khi có tổng sản lượng đạt 54.689 tấn DAP; tổng sản lượng tiêu thụ đạt 40.849 tấn DAP; doanh thu đạt 420,40 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 18,263 tỷ đồng, tăng 2,354 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018.

Các dự án còn lại tiến triển khả quan khi đã giảm lỗ. Cụ thể, với DAP số 2 - Lào Cai, tổng sản lượng của nhà máy đạt 49.160 tấn; tổng sản lượng tiêu thụ đạt 29.276 tấn; doanh thu đạt 286,934 tỷ đồng; lỗ 66,306 tỷ đồng, giảm lỗ 5,47 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018.

Với Đạm Ninh Bình, tổng sản lượng của nhà máy đạt 115.950 tấn ure và 775 tấn NH3; tổng sản lượng tiêu thụ đạt 76.800 tấn urê và 775 tấn NH3; lỗ 135,8 tỷ đồng, giảm lỗ 87,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018.

Với Đạm Hà Bắc, tổng sản lượng của nhà máy đạt 126.098 tấn ure và 91.072 tấn NH3; tổng sản lượng tiêu thụ đạt 73.161 tấn urê và 18.362 tấn NH3; doanh thu đạt 723,23 tỷ đồng; lỗ 56,3 tỷ đồng, giảm lỗ 30,25 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018.

Về nhóm dự án sản xuất thép, Nhà máy thép Việt Trung (Công ty VTM) bất ngờ báo lỗ trong quý I, lỗ 22 tỷ đồng. Năm trước, Thép Việt Trung báo lãi trước thuế 456,8 tỷ đồng.

Tính chung, sản lượng sản xuất phôi thép trong quý I/2019 của Thép Việt Trung đạt 120.582 tấn, sản lượng khai thác quặng sắt đạt 485.384 tấn (độ ẩm 0%); doanh thu đạt 1.448 tỷ đồng.

Đối với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên, tình hình không có chuyển biến căn bản. Thời gian qua, TISCO đã hoàn thiện dự thảo phương án giải quyết các tồn tại vướng mắc của dự án với Tổng thầu MCC và đang trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến để tiếp tục đàm phán với nhà thầu.

Tổng công ty Thép Việt Nam cũng đang tiếp tục triển khai các hoạt động để thực hiện phương án thoái vốn nhà nước tại TISCO theo chỉ đạo của Chính phủ và làm việc với Vietinbank về việc giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của Tổng công ty đối với khoản vay của TISCO cho dự án.

Về nhóm dự án sản xuất nhiên liệu sinh học, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi đã vận hành lại đợt 1 từ tháng 10/2018 và sản xuất cung cấp ra thị trường khoảng gần 1.500 m3 cồn ethanol đạt chất lượng, 183 tấn CO2 thực phẩm và 314 tấn bã sắn thức ăn gia súc. Từ ngày 07/04/2019 đến ngày 13/04/2019, nhà máy tiếp tục vận hành đợt 2, sản xuất ra 500 m3 ethanol đạt chất lượng.

Đối với nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, hiện dự án đã hoàn thành công tác bảo dưỡng sửa chữa, sẵn sàng để vận hành lại, tuy nhiên do giá sắn tăng cao nên Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và các cổ đông (trong đó cổ đông nước ngoài chiếm cổ phần chi phối) đã quyết định tạm thời chưa vận hành nhà máy cho đến khi thị trường thuận lợi.

Còn với Nhà nmáy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, số phận của dự án này có lẽ đã đi đến đoạn kết. Thời gian qua, Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) đã triển khai phương án tìm kiếm đối tác đầu tư triển khai tiếp dự án theo nguyên tắc đối tác hợp tác sẽ góp toàn bộ vốn còn thiếu để triển khai, hoàn thành dự án, tuy nhiên vẫn chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp. Do vậy PVOil đề xuất và Ban Chỉ đạo xem xét phương án phá sản đối với PVB theo quy định của Luật phá sản.

Về Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, quý I/2019, công ty có doanh thu ước đạt 103,94 tỷ đồng.

Đối với Nhà máy sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ, báo cáo của Bộ Công Thương cho hay trong quý I/2019, tổng sản lượng sản xuất đạt 4.194 tấn sợi các loại, trong đó PVTEX tự sản xuất từ 20/04/2018 - 31/10/2018 là 1.438 tấn và gia công cho Công ty An Sơn (đơn vị thành viên của Công ty An Phát) từ 01/11/2018 - 31/03/2019 là 2.756 tấn. Tổng doanh thu trong giai đoạn PVTex tự vận hành sản xuất từ 20/04/2018 - 31/10/2018 là 58,33 tỷ đồng, lợi nhuận trước chi phí cố định là 3,313 tỷ đồng.

Còn với dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, tình hình vẫn chưa có gì tươi sáng hơn. Hiện nay, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã hoàn thành công tác định giá lại dự án và đã trình Bộ Công Thương phê duyệt kết quả để tiếp tục xây dựng phương án và tổ chức triển khai bán đấu giá dự án theo quy định.

Trước đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam đã triển khai thực hiện bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy vào tháng 7/2017 (gia hạn 2 lần trong tháng 8 và tháng 9/2017) nhưng không thành công do giá trị thẩm định của dự án theo các quy định hiện hành là quá cao.

Tin mới lên