Tiêu điểm

15 năm nợ công tăng gấp 15 lần

(VNF) - Tổng nợ công năm 2015 là 2,68 triệu tỷ đồng, gấp 14,8 lần so với năm 2001.

15 năm nợ công tăng gấp 15 lần

Giải trình trước Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm, nợ công và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, nợ công đang tăng rất nhanh, áp lực trả nợ đang rất lớn.

Ông Dũng cũng thẳng thắn đưa ra những con số phản ánh chính xác về thực tiễn nợ công trong suốt thời gian qua, cũng như trình bày về phương án điều hành thời gian tới. 

Bộ trưởng Tiến Dũng cho biết, năm 2001, nợ công mới chỉ chiếm 36,5% GDP; năm 2005 là 40,8%; năm 2010 là 50% và năm 2015 đã lên 62,2% GDP.

Về quy mô, năm 2015, tổng nợ công khoảng 2,68 triệu tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2005 và gấp 14,8 lần so với năm 2001. Tốc độ tăng nợ công của giai đoạn 2011-2015 là 18,5% mỗi năm, gấp khoảng 3 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế cùng kỳ.

Trong thực hiện hàng năm, Việt Nam phải áp dụng phương án vay đảo nợ. Theo đó, năm 2013 đảo nợ 47.000 tỷ đồng; năm 2014 tăng nhanh lên 106.000 tỷ, năm 2015 là 125.000 tỷ đồng và năm 2016 là 95.000 tỷ đồng.

Thừa nhận nợ công tăng nhanh và áp lực trả nợ lớn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết nguyên nhân tình trạng trên là do tăng trưởng kinh tế không đạt dự kiến, trong khi về chi thì lại giữ mức chi theo tốc độ tăng trưởng kinh tế Chính phủ trình Quốc hội. Chi thường xuyên tăng nhanh lên tới 67,8% tổng chi năm 2015.

Tương tự, tỷ lệ bội chi cho đầu tư phát triển tăng lên tới 1.027 triệu tỷ đồng, từ mức dự toán 872.000 tỷ đồng trong giai đoạn 5 năm qua.

Đại hội Đảng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao ở mức 7-7,5%, sau đó Chính phủ điều chỉnh còn 6,5-7%, và thực tế đạt chỉ 5,91% trung bình trong năm năm qua.

Để giải quyết vấn đề nợ công, ông Đinh Tiến Dũng cho biết cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công, quản lý ngân sách cũng như các chính sách theo đề án tái cơ cấu ngân sách nhà nước và đảm bảo an toàn nợ công. 

Bên cạnh đó, ông đề cập đến vấn đề tái cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng nợ trong nước và giảm dần nợ nước ngoài, đồng thời tái cơ cấu lại kỳ hạn, lãi suất nợ công. Năm 2011 huy động trái phiếu chính phủ trong nước là hơn 12% thì năm 2012 giảm xuống còn 9,8%; đến 2016 chỉ còn 6,4%.

Nợ công sẽ còn chịu áp lực lớn trong bối cảnh dự kiến đến tháng 7/2017 Việt Nam sẽ không còn được vay theo điều kiện ODA mà chủ yếu là vốn vay ưu đãi, tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản vay trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2%-3,5%.

Tin mới lên