Tài chính tiêu dùng

17/31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lãi nghiệp vụ

Báo cáo chuyên đề thị trường bảo hiểm phi nhân thọ của Bộ Tài chính tại hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2019 cho biết năm 2018 có 17/31 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ lãi thuần về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

17/31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lãi nghiệp vụ

17/31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lãi nghiệp vụ. (Ảnh minh hoạ)

3 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lỗ trước thuế

Theo báo cáo, năm 2018, có 29/31 DNBH phi nhân thọ có lãi gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tổng lợi nhuận gộp là 7.659 tỷ đồng (năm 2017 là 7.387 tỷ đồng). Sau khi trừ chi phí quản lý, có 17/31 DNBH có lãi thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Mặc dù số lỗ giảm so với năm 2017 nhưng theo Bộ Tài chính, trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm của khối phi nhân thọ, tăng trưởng về doanh thu phí bảo hiểm chưa bền vững, các doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh doanh, lợi nhuận chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng doanh thu; còn tồn tại tình trạng DNBH trả hoa hồng bảo hiểm cao hơn tỷ lệ theo quy định pháp luật, chi bồi thường không đúng quy định.

Về lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính, năm 2018, toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt lợi nhuận 2.161 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2017.

Chung cuộc, năm 2018, lợi nhuận trước thuế của các DNBH phi nhân thọ đạt 2.528 tỷ đồng, giảm 5,2% so với năm 2017; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của thị trường phi nhân thọ đạt 9,6% (năm 2017 là 11% và năm 2016 là 6%). Năm 2018, có 28/31 DNBH phi nhân thọ và chi nhánh nước ngoài lãi trước thuế, con số này năm 2017 là 26/31.

Dù không cung cấp chi tiết tên các doanh nghiệp nhưng báo cáo cho biết, có 3/31 DNBH phi nhân thọ lỗ trước thuế. Bên cạnh đó, nguyên nhân lỗ mảng bảo hiểm xuất phát từ việc phí khai thác tăng do tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

DNBH giảm phí để lôi kéo khách hàng, mở rộng điều kiện, điều khoản bảo hiểm, lơ là khâu kiểm soát chi phí bồi thường... Trong khi đó, hoạt động đầu tư tài chính chưa mang lại kết quả như mong đợi do ảnh hưởng bởi lãi suất giảm, thị trường chứng khoán không tích cực…

Năm 2018, theo cơ quan quản lý thị trường, trong khi doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 9,9% (đạt 45,7 nghìn tỷ đồng) thì tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của các DNBH phi nhân thọ tăng tới 21,2% so với năm 2017 (đạt 19.476 tỷ đồng).

Riêng với DNBH đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, năm 2018, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu Điện (PTI) chỉ hoàn thành 15,4% mục tiêu lợi nhuận sau thuế, đạt hơn 18,3 tỷ đồng trong khi kế hoạch đề ra là 119,2 tỷ đồng.

Theo ông Bùi Xuân Thu, Tổng giám đốc PTI, năm 2018, hiệu quả kinh doanh của công ty bị tác động bởi chi phí kinh doanh tăng cao, phí bảo hiểm lại thường xuyên giảm do cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau.

“Mặc dù tỷ lệ bồi thường bảo hiểm xe cơ giới đã được kiểm soát tốt năm 2018, nhưng những tác động của thị trường đã ảnh hưởng không tốt đến kết quả kinh doanh của PTI. Lãi gộp từ hoạt động đầu tư tài chính của công ty chỉ hoàn thành 11,2% kế hoạch năm. Nguyên nhân chính là lỗ từ hoạt động đầu tư chứng khoán”, ông Thu cho biết.

Tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC), tuy lợi nhuận trước thuế tăng trưởng tới 143,6% so với năm 2017, đạt hơn 135 tỷ đồng, nhưng công ty vẫn không hoàn thành kế hoạch đề ra (chỉ hoàn thành 92,6% kế hoạch).

Năm 2019, kỳ vọng giảm lỗ

Năm 2019, các DNBH cho biết sẽ tiếp tục đặt kế hoạch giảm lỗ nhờ những chuyển động tích cực trong hoạt động bảo hiểm (chính sách tạo điều kiện thúc đẩy mua sản phẩm bảo hiểm mới, thuế nhập khẩu các mẫu xe ô tô từ ASEAN giảm xuống mức 0%...), cũng như trong hoạt động đầu tư.

PTI cho biết, năm 2019, công ty đặt mục tiêu lãi sau thuế tăng trưởng tới 656% so với năm 2018, đạt 120,4 tỷ đồng, tăng cổ tức cho cổ đông lên 10% (trong khi năm 2018 là 8%). Trong đó lợi nhuận chính đến từ hoạt động đầu tư, mục tiêu đạt 151 tỷ đồng (năm 2018 đạt 17,9 tỷ đồng).

Năm 2019, MIC đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 220 tỷ đồng và đảm bảo cổ tức 10% cho cổ đông.

Dẫu vậy, các DNBH vẫn phải đối mặt với các thách thức hiện hữu khi chưa tìm được lời giải phù hợp, nhất là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nỗi lo tổn thất lớn với các nghiệp vụ có tiền sử bồi thường cao như bảo hiểm xe, bảo hiểm sức khỏe, cháy nổ, thiên tai bất ngờ… Do đó, việc giải bài toán lỗ kinh doanh bảo hiểm vẫn tạo áp lực lớn.

Tin mới lên