Công nghệ

2 'ông lớn' bưu chính VNPost và Viettel Post làm ăn ra sao trong năm 2022?

(VNF) - Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết doanh thu dịch vụ bưu chính năm 2022 ước đạt 52.300 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2021 và vượt 2,5% kế hoạch đề ra của năm 2022.

2 'ông lớn' bưu chính VNPost và Viettel Post làm ăn ra sao trong năm 2022?

Nguy cơ doanh nghiệp bưu chính trong nước rơi vào cuộc cạnh tranh không bình đẳng.

Bưu chính "vượt bão"

Cụ thể, theo báo cáo tổng kết công tác năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố, lũy kế số tài khoản được kích hoạt trên 2 sàn thương mại điện tử PostMart và VoSo đến tháng 11/2022 đạt 7,5 triệu tài khoản, tăng gấp 7 lần so với năm 2021; số lượng giao dịch đạt 1.289.439 giao dịch, tăng 16 lần so với năm 2021.

Với 2 "ông lớn" bưu chính trong nước, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), năm 2022 đạt doanh thu khoảng 24.426 tỷ đồng, chỉ bằng 73,1% kế hoạch mà Bộ Thông tin và Truyền thông giao và bằng 93,7% thực hiện năm 2021.

Lợi nhuận trước thuế của VNPost dự kiến cả năm 2022 đạt 550 tỷ đồng, bằng 91,7% kế hoạch Bộ Thông tin và Truyền thông giao và bằng 86,9% thực hiện năm 2021. Doanh nghiệp này trước đó đặt mục tiêu doanh thu 33.396 tỷ đồng trong năm 2022.

Trước đó, năm 2021, VNPost đạt hơn 26.600 tỷ đồng doanh thu, tổng lợi nhuận đạt hơn 700 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 900 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 6,12%.

Với Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), năm 2022, doanh thu của doanh nghiệp đạt khoảng 21.235 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 389,44 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2021, Viettel Post ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 21.452 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 295,89 tỷ đồng.

Trong những năm gần đây, ngành bưu chính không chỉ làm dịch vụ chuyển phát thư, báo, mà đang dần trở thành nền tảng cho thương mại điện tử, logistics.

Doanh nghiệp trong nước hụt hơi, lo thị trường bị thâu tóm

Theo số liệu thống kê, quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến cuối năm 2021 toàn quốc có tổng 728 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ bưu chính. Thị trường bưu chính đang tiếp tục được mở rộng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước với tốc độ tăng trưởng dự tính khoảng 20 - 25%.

Doanh nghiệp bưu chính Việt Nam chỉ chiếm khoảng hơn 30% thị phần.

Thị trường bưu chính, chuyển phát nhanh hiện không chỉ được khai thác bởi các công ty truyền thống (Viettel Post, EMS, VNPost) mà các công ty start-up và những công ty đa quốc gia cũng tham gia. Bởi thế, sự cạnh tranh là rất khốc liệt.

Đến cuối năm 2021, cả nước có 31 doanh nghiệp bưu chính có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 4% tỷ trọng về số lượng doanh nghiệp nhưng lại chiếm tỷ trọng rất cao về sản lượng doanh thu trong năm 2021 (50 - 60%) với nhiều phương thức triển khai kinh doanh như nhượng quyền thương mại, áp dụng chính sách đồng giá, phối hợp với các sàn thương mại điện tử để hạ giá và chiếm thị phần…

Theo đánh giá của Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm thâu tóm thị trường bưu chính, chuyển phát, logistics, thương mại điện tử Việt Nam là rất đáng lo ngại.

Phần lớn hàng hóa luân chuyển 2 chiều trong và ngoài nước đều qua các sàn thương mại lớn nhất Việt Nam do nước ngoài nắm giữ. Phần lớn sản lượng hàng hóa trên các sàn này đều do các 13 công ty chuyển phát của họ vận chuyển, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn cho nền kinh tế và an ninh quốc gia của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các công ty chuyển phát có vốn đầu tư nước ngoài mở rộng vùng phủ, mở rộng thị phần dưới nhiều hình thức, cạnh tranh không lành mạnh gây xáo trộn thị trường chuyển phát.

Theo tổng hợp các số liệu ghi nhận từ báo cáo tài chính của các đơn vị này, tổng doanh thu của 3 doanh nghiệp lớn có vốn nước ngoài, gồm: giao hàng tiết kiệm, giao hàng nhanh và J&T Express lên tới hơn 11.000 tỷ đồng, chiếm gần 33% tổng doanh thu toàn ngành, khoảng 36.000 tỷ đồng (gồm 435 doanh nghiệp bưu chính chuyển phát, trong đó có 2 doanh nghiệp lớn là Viettel Post và VNPost).

Về tổng thị phần chuyển phát, các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm giữ là hơn 60% thị phần, còn lại các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng hơn 30% thị phần.

"Nguy cơ lớn là các doanh nghiệp chuyển phát trong nước sẽ rơi vào cuộc cạnh tranh không bình đẳng, bị ép giá, bị chi phối về sản lượng vận chuyển và dần bị thôn tính, mất dần vai trò dẫn dắt thị trường chuyển phát hàng hóa trong nước, hạ tầng logistics quốc gia sẽ rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài, điều này có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh kinh tế, an ninh quốc gia, nếu như Nhà nước không có chính sách điều tiết và quản lý phù hợp", báo cáo của Vụ Bưu chính nêu rõ.

Từ những bất cập này, lãnh đạo Vụ Bưu chính kiến nghị các bộ, ban, ngành cần tham mưu cho Chính phủ có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nhiệp chuyển phát, logistics, thương mại điện tử trong nước về chính sách kinh doanh, ưu đãi đầu tư hạ tầng, đặc biệt là cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước được ưu tiên giao, thuê, mua các vị trí đất làm kho bãi, hạ tầng chuyển phát, logistics, thương mại điện tử tại các vị trí địa lý trọng yếu về an ninh kinh tế, an ninh quốc gia và cần có quy hoạch hạ tầng logistics tại các vị trí này trên toàn quốc, đồng thời chỉ có doanh nghiệp 100% vốn trong nước hoặc doanh nghiệp nhà nước mới được giao, thuê, mua và sử dụng.

Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật bưu chính, thương mại điện tử, thuế, cạnh tranh và các quy định khác của pháp luật Việt Nam và thế giới (nhượng quyền thương mại, hoạt động khuyến mại, bán phá giá, chuyển giá, vi phạm quy định bưu chính dành riêng…).

Các bộ, ban, ngành cần nghiên cứu quy định một mức giá sàn cho một số sản phẩm bưu chính quan trọng, phổ biến, tránh việc các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng bán dưới giá thành, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh.

Lãnh đạo Vụ Bưu chính cũng kiến nghị kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép bưu chính, sáp nhập, mua bán vốn của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, tránh để tập trung kinh tế và hình thành doanh nghiệp nước ngoài thống lĩnh, độc quyền thị trường bưu chính, logistics, thương mại điện tử, dẫn đến có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan này cho biết thời gian tới sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để thực thi nghiêm các quy định của Luật Cạnh tranh đối với các doanh nghiệp bưu chính, xử phạt nghiêm các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá, bán dưới giá thành, khuyến mại vượt quá thời gian theo quy định.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi điều kiện cấp phép đối với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bưu chính và chất lượng dịch vụ bưu chính, đảm bảo an toàn an ninh bưu gửi.

Tin mới lên