Tài chính quốc tế

20 năm ngày khủng bố 11/9: Nỗi đau suốt 2 thập kỷ chưa thể khép lại

(VNF) - Vào năm 2001, nước Mỹ rung chuyển vì loạt tấn công khủng bố thảm khốc nhất trong lịch sử đất nước. Đến nay, dư chấn của sự kiện ngày 11/9 vẫn còn in đậm trong người dân Mỹ cũng như toàn thế giới.

20 năm ngày khủng bố 11/9: Nỗi đau suốt 2 thập kỷ chưa thể khép lại

Gần 3000 nạn nhân

Sự việc diễn ra vào ngày thứ Ba định mệnh, 11/9/2001. Trong vòng 2 giờ đồng hồ, 19 tên khủng bố đã cướp thành công 4 chiếc máy bay thương mại Mỹ với đầy nhiên liệu, hướng tấn công vào ba điểm khác nhau là Tòa tháp đôi World Trade Center ở New York, Lầu Năm Góc, và vùng ngoại ô Shanksville tại Pennsylvania.

Thảm kịch này đã làm 2.977 người thiệt mạng, riêng tại toà tháp đôi, số người tử vong là 2.753 người trong đó có 343 lính cứu hỏa và 60 cảnh sát. Các nạn nhân có độ tuổi từ 2 đến 85 tuổi với khoảng 75-80% là nam giới.

Tính đến tháng 10/2019, văn phòng giám định y khoa của Mỹ cho biết chỉ có 1.645 người tử vong, tương đương 60%, trong số 2.753 nạn nhân tại khu vực toà tháp đôi đã được xác định danh tính.

Tại Lầu Năm Góc ở Washington, 184 người đã thiệt mạng sau khi chuyến bay mang số hiệu 77 của hãng American Airlines đâm thẳng vào tòa nhà. Ở vùng ngoại ô Shanksville, 40 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay số hiệu 93 của hãng United Airlines thiệt mạng sau khi chiếc máy bay lao xuống cánh đồng.

Ngoài ra, còn khoảng gần 10.000 người bị thương hoặc ảnh hưởng sức khoẻ nghiêm trọng sau chuỗi sự kiện kinh hoàng này.

Theo tính toán, thời gian từ khi xảy ra vụ tấn công đầu tiên đến khi cả hai tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ là 102 phút. Sự kiện khiến cả thế giới chấn động được ví như trận Trân Châu Cảng.

Hiện trường của cuộc tấn công vào toà tháp đôi tại New York.

Ảnh hưởng kinh tế 

Sau thảm hoạ, ước tính số tiền để lập kế hoạch và thực hiện vụ tấn công 11/9 là 500.000 USD. Trong khi đó, thiệt hại kinh tế, ước tính trong 2-4 tuần đầu tiên sau khi các tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ, là gần 125 tỷ USD.

Cụ thể, phía phụ trách của toà tháp đôi công bố ước tính thiệt hại bao gồm chi phí sửa chữa cơ sở hạ tầng cho các toà nhà xung quanh, tàu điện ngầm lên tới 60 tỷ USD. Giá trị của gói chống khủng bố khẩn cấp được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 14/9/2001 ước tính là 40 tỷ USD. Gói viện trợ được Quốc hội thông qua để cứu trợ các hãng hàng không là 15 tỷ USD và yêu cầu bảo hiểm phát sinh từ vụ tấn công 11/9 là 9,3 tỷ USD.

Ngoài ra, phải mất 3,1 triệu giờ lao động để dọn dẹp 1,8 triệu tấn mảnh vỡ với tổng chi phí dọn dẹp là 750 triệu USD. Đến ngày 30/5/2002, Khu tưởng niệm Ground Zero mới chính thức hoàn thành và khép lại quá trình dọn dẹp tàn dư của sự kiện thảm khốc.

Bảo tàng Ground Zero, nơi lưu trữ thông tin và tướng nhớ về nạn nhân trong sự kiện 11/9.

Kẻ chủ mưu

Ngày 13/12/2001, chính phủ Mỹ công bố một đoạn băng trong đó tên khủng bố Osama Bin Laden nhận trách nhiệm về các vụ tấn công.

Ngay từ giữa những năm 1990, Osama Bin Laden, người đã sớm thành lập một tổ chức khủng bố, bị đưa vào tầm ngắm của tình báo Mỹ. Nhiều vụ đánh bom tự sát được cho là do tổ chức này thực hiện nhắm vào người Mỹ và những cơ quan đại diện lợi ích Mỹ ở nhiều nơi trên thế giới đã xảy ra trong khoảng thời gian này.

Ông Ali Soufan, cựu điều tra viên của FBI, một trong số những người đầu tiên gióng lên tiếng chuông báo động ngay từ năm 1996 về mối đe dọa của tổ chức khủng bố này, cho biết: "Từ năm 1996, 1997, chúng tôi đã chú ý đến Bin Laden. Vào thời điểm đó, nhiều người trong cơ quan tình báo kể cả bên an ninh liên bang không nghĩ là nhân vật này có khả năng chuyển sang hành động. Sau nhiều sự việc có tính nghiêm trọng, chúng tôi thậm chí đã ngầm kết án vắng mặt Bin Laden vào tháng 6/1998".

Bên cạnh đó, 19 tên không tặc, bao gồm 15 tên mang quốc tịch Arab Saudi những kẻ còn lại tới từ UAE, Ai Cập và Lebanon, các nước đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông. Giới chức Mỹ xác nhận toàn bộ 19 tên khủng bố đều đã chết trong các vụ tấn công. Tuy nhiên, vài ngày sau, BBC lại đưa tin một số tên khủng bố đã trốn thoát và không hề hấn gì.

Nỗ lực hồi phục sau tàn dư

Suốt 2 thập kỷ qua, cả thế giới vẫn luôn ghi nhớ ngày 11/9 và nhớ về các nạn nhận cũng như những gia đình có người thân không qua khỏi. 

Văn phòng giám định Y khoa vẫn âm thầm tiến hành cuộc điều tra những người mất tích với quy mô lớn chưa từng có trên toàn quốc.

Các nhà khoa học vẫn đang kiểm tra 22.000 bộ phận cơ thể được phục hồi một cách cẩn thận trong đống đổ nát sau các vụ tấn công, đồng thời đối soát kho di hài khổng lồ chưa được xác định để tìm mối liên hệ di truyền với 1.106 nạn nhân.

Việc xác định danh tính nạn nhân ngày càng khó hơn qua mỗi năm, nhiều hài cốt được tìm thấy đã bị hư hại và phân hủy ở đống đổ nát trong nhiều tuần hoặc lâu hơn, vì vậy chỉ chiết xuất ra rất ít ADN.

Nhiệm vụ xác định danh tính của hơn 1.000 nạn nhân còn lại vẫn tiếp tục.

Kể từ năm 2019 đến nay, mới chỉ có thêm 2 người được xác định danh tính, nâng tổng số người được nhận dạng lên 1.647 người.

Trong thời gian gần đây, dự án xét nghiệm ADN phần nào bị gián đoạn bởi đại dịch. Tuy nhiên, Tiến sĩ Barbara Sampson, Giám đốc Sở y tế thành phố New York cho biết việc thực hiện lời hứa với các gia đình vào năm 2001 vẫn là "nghĩa vụ thiêng liêng" và được ưu tiên hàng đầu.

Xem thêm >> Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ vận chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu từ tháng 10

Tin mới lên