Tài chính

20 năm vận hành TTCK dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên trên sàn

(VNF) - Một ngày trước phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán (TTCK), Dragon Capital chính thức nhận được mã số lưu ký chứng khoán từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, qua đó trở thành nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên có mặt trên TTCK Việt Nam. Chủ tịch Dragon Capital Dominic Scriven đánh giá sau 20 năm vận hành, TTCK Việt Nam là nơi xứng đáng để các nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào đầu tư.

20 năm vận hành TTCK dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên trên sàn

Chủ tịch Dragon Capital Dominic Scriven

"Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, có thể thấy TTCK Việt Nam năm nào cũng phát triển ấn tượng hơn năm trước và những người đặt nền móng cho TTCK, những người “lái tàu” cho thị trường hoàn toàn có thể tự hào về điều này", ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital chia sẻ nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) và vận hành TTCK Việt Nam.

Gần 20 năm trước, vào ngày 20/7/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (tiền thân của HoSE) chính thức khai trương. Phiên giao dịch đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/7/2000. Trước đó một ngày, Dragon Capital chính thức nhận được mã số lưu ký chứng khoán từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, qua đó trở thành nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên có mặt trên TTCK Việt Nam.

Chuyến đi năm 1990 khởi đầu cho "quyết định thay đổi cuộc đời"

Năm 1987, ông Dominic Scriven quyết định đến châu Á để làm việc. Công việc của ông tại Hồng Kông là chuyên nghiên cứu thị trường của các nước thuộc nhóm NIC (những nước công nghiệp mới của châu Á) và những nước thuộc nhóm NIE (những quốc gia có nền kinh tế đang công nghiệp hoá của châu Á).

"Sau đó, vì muốn tìm hiểu sâu hơn các nước đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam, một đất nước mà tôi luôn bị hấp dẫn bởi lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước kiên cường (nhất là lịch sử của thế kỷ 20). Do vậy đến tháng 9/1990, tôi quyết định cùng một nhóm bạn bè đến Việt Nam để tham quan và khảo sát thị trường. Chuyến đi này là khởi đầu cho quyết định đã thay đổi cuộc đời tôi sau đó", ông Dominic Scriven chia sẻ.

Trở lại Hồng Kông, nghiên cứu lại mô hình các nước NIC và Trung Quốc, ông càng tin vào tương lai phát triển của Việt Nam. Tháng 12/1991, ông Dominic Scriven quay trở lại Hà Nội. Năm 1992, ông đăng ký học tiếng Việt ở Đại học Tổng hợp Hà Nội.

"Để có thu nhập thêm cho việc học, tôi cũng tranh thủ làm nghề tay trái là tổng hợp thu thập số liệu về kinh tế Việt Nam và viết bài như một phóng viên không chuyên phục vụ cho các nhà đầu tư có quan tâm đến Việt Nam và các thị trường mới nổi", ông hồi tưởng.

Giữa năm 1993, ông vào TP. HCM kiếm việc làm. Đến năm 1994, với ý nghĩ và sự thôi thúc về tiềm năng của TTCK tại Việt Nam trong tương lai, ông đã cùng với vài người bạn quyết định thành lập công ty đầu tư tài chính.

"Công ty Dragon Capital được thành lập từ lúc ấy, khi thị trường chứng khoán Việt Nam chưa có, môi trường pháp lý cho thị trường vốn cũng chưa sẵn sàng. Nhà đầu tư muốn sản xuất kinh doanh thì "xin mời" nhưng đầu tư gián tiếp thông qua thị trường vốn thì hầu như là "không có cửa", điều này thật sự là một khó khăn lớn cho chúng tôi khi phải đi huy động vốn từ nước ngoài", ông Dominic Scriven nhớ lại.

Thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tại thời điểm đó rất khó. Ông có lập một quỹ hợp pháp nữa ở nước ngoài, chứng minh cách làm, trách nhiệm của quỹ, đăng ký quỹ trên một TTCK ở nước ngoài để các nhà đầu tư có khả năng giao dịch cổ phiếu quỹ.

"Tuy thế cũng không phải dễ mà nhận được tiền, lúc ấy chúng tôi cũng gặp gỡ với nhiều công ty tài chính ở Mỹ, châu Âu, châu Á. Ở đâu có công ty tài chính là chúng tôi tìm đến, nhưng tỷ lệ khoảng 140/150 công ty từ chối chúng tôi. Nguyên nhân chủ yếu là họ thấy đầu tư vào Việt Nam thời điểm đó chưa hấp dẫn lắm, hoặc quỹ của chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm...

Đến năm 1995, chúng tôi huy động được một quỹ đầu tiên (VEIL) ở nước ngoài, được 16,5 triệu USD, trong đó có cả tiền huy động từ bạn bè, người thân, ngay cả mẹ, em gái và bố tôi cũng chính là những khách hàng đầu tiên của chúng tôi", ông Dominic Scriven kể lại.

Văn phòng đầu tiên của Dragon Capital là một căn nhà nhỏ được ông thuê lại tại đường Hồ Tùng Mậu, Quận 1, TP. HCM.

Huy động vốn đã khó, nhưng thuyết phục các doanh nghiệp bán cổ phần cũng không phải dễ dàng. Theo ông Dominic Scriven, muốn mua được cổ phần thì phải cạnh tranh, phải tạo được ấn tượng tốt với lãnh đạo doanh nghiệp và phải khẳng định được sự ủng hộ cho mục tiêu phát triển dài hạn của họ, đóng góp vào công tác quản trị của công ty, giúp họ tư vấn và đàm phán với các đối tác.

Vào giữa thập niên 1990, Việt Nam có 6 quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, sau đợt khủng hoảng 1997 - 1998, tất cả các quỹ chỉ hòa vốn hoặc lỗ, các quỹ nước ngoài như Lazard, Templeton, Vietnam Fund, Vietnam Frontier Fund hoặc rút hắn khỏi Việt Nam, hoặc buộc phải trả lại vốn cho các cổ đông, thu hẹp hoạt động đầu tư của mình.

Một trong những lý do khách quan là khung pháp lý ở Việt Nam thời điểm đó không cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư gián tiếp, các công ty cũng chưa thể phát hành cổ phiếu hay trái phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tìm kiếm dự án có lợi nhuận cao, đúng với mong đợi của nhà đầu tư nước ngoài và chính sách của các quỹ cũng khó...

Ông cho rằng, Việt Nam không phải là nơi cứ ném tiền vào là thu được lợi nhuận trong ngắn hạn, mà phải có cái nhìn dài hạn mới có thể thành công lâu bền, các nhà đầu tư mà Dragon Capital tiếp xúc cần hiểu rõ thuận lợi và rủi ro trong môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Mặc dù rất khó khăn ở thời điểm đầu, thậm chí có khoảng thời gian hơn 6 năm mất gần 1/3 số tiền đầu tư, nhưng ông Dominic Scriven vẫn lựa chọn gắn bó với TTCK Việt Nam cho đến ngày hôm nay và gặt hái được thành quả lớn.

"Cho ra đời TTCK đã tạo ra một phạm trù mà trước đây Việt Nam chưa từng có"

Nhìn lại 20 năm vận hành TTCK Việt Nam, Chủ tịch Dragon Capital Dominic Scriven đánh giá việc cho ra đời TTCK đã tạo ra một khái niệm, một phạm trù mà trước đây Việt Nam chưa từng có.

"Tạo ra những cái mà mình chưa có kinh nghiệm là rất khó, dĩ nhiên mình có học hỏi kinh nghiệm của các nước đã có TTCK, nhưng phải triển khai sao cho phù hợp với Việt Nam. Việc đi từ số 0 đến số 1 có thể được gọi là việc tạo ra “sự sống” cho các khái niệm về TTCK", ông Dominic Scriven nhìn nhận.

Theo Chủ tịch Dragon Capital, khi đã tạo ra được “sự sống” cho TTCK thì chúng ta phải có trách nhiệm nuôi dưỡng và phát triển “sự sống” này. Phải có những khái niệm về xây dựng và phát triển TTCK, tăng quy mô, tăng chiều rộng, chiều sâu, phát triển về quy mô hoạt động, về vai trò của TTCK…

Ông Dominic Scriven cho biết quỹ đầu tư như Dragon Capital là một trong những chủ thế bắt đầu hoạt động trên TTCK từ thời kỳ đầu, là một trong những thành viên của thị trường, gồm có doanh nghiệp niêm yết, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cổ phiếu, công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ (CTQLQ), các sở giao dịch chứng khoán, ngân hàng giám sát lưu ký…

Tuy nhiên, theo ông, có lúc các chủ thể này phát triển hơi quá mức, chẳng hạn như số lượng CTCK vượt quá 100 công ty, CTQLQ vượt quá 50 công ty. Qua các giai đoạn phát triển rồi thực hiện tái cấu trúc, một số thành viên thị trường yếu kém đã bị loại hoặc tự đào thải, trong khi đó, một số thành viên thị trường khác ngày càng phát triển mạnh hơn, như hiện có khoảng 10 CTCK được coi là lớn mạnh trên thị trường, một số CTQLQ và vài ba ngân hàng lưu ký tương đối mạnh.

Nhìn vào hoạt động giao dịch cổ phiếu hàng ngày, ông đánh giá rằng nhà đầu tư Việt Nam mà chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân (có cả cá nhân lớn) dựa nhiều vào tín dụng cầm cố. Các nhà đầu tư nước ngoài chiếm một phần nhất định nhưng chưa được lớn lắm vì nhiều lý do. Vai trò của các quỹ trong hoạt động giao dịch chứng khoán hàng ngày cũng không nhiều.

Theo ông, nếu muốn có một thị trường đủ các đối tượng tham gia, đặc biệt có những dạng nhà đầu tư chuyên nghiệp, có chuyên môn, có quy mô thì không thể không có các CTQLQ. Đây phải là các CTQLQ của Việt Nam, ở trong nước chứ không phải ở nước ngoài.

Ông Dominic Scriven nhận định trên chặng đường sắp tới, việc tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư đối với CTQLQ là một vấn đề cần được quan tâm. Theo ông, nhà đầu tư lấy tiền của họ gửi đến một công ty để tham gia hoạt động đầu tư chứng khoán tồn tại nhiều vấn đề khiến người dân và nhà đầu tư cá nhân lo lắng và chùn bước.

Cụ thể, ở khía cạnh khách quan, một nền kinh tế phải có một mức phát triển nhất định thì người dân mới có nhu cầu để đầu tư vào các công cụ tài chính. Còn nếu mức phát triển vẫn thấp thì người dân chưa có nhu cầu trên vì họ còn phải lo cho những nhu cầu cấp bách hơn như ăn uống, nhà cửa…

"Vì vậy, nền kinh tế cần phải phát triển đến một mức nào đó để họ thấy tiền gửi ngân hàng là đủ, nhà ở đủ… và tiền dư thừa phải đầu tư vào các công cụ tài chính khác", ông Dominic Scriven nêu quan điểm.

Ở khía cạnh chủ quan, các CTQLQ có nhiệm vụ chào bán những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư với các loại phí hợp lý. Đặc biệt, các CTQLQ cần phải tạo được một bề dày kinh nghiệm, sự chuyên nghiệp và uy tín trong giới đầu tư. Điều này là không dễ.

"Ví dụ như có một nhà đầu tư hỏi các CTQLQ là đầu tư vào chứng khoán có được bảo toàn vốn và sinh lãi như ngân hàng không? Nhưng như chúng ta đã biết, đầu tư vào chứng khoán không đảm bảo an toàn vốn và như vậy, khi nhà đầu tư nhìn vào TTCK, họ cần thấy rằng họ phải tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư của mình, nhưng đồng thời TTCK lại có khả năng phát triển vốn cho chính bản thân họ. Vậy, làm sao để nhà đầu tư hiểu được điều đó?

Đây là một vấn đề thách thức làm sao để giúp nhà đầu tư hiểu và nâng cao nhận thức phải tự chịu trách nhiệm trong các hoạt động đầu tư của họ", Chủ tịch Dragon Capital nêu góc nhìn.

"Dragon Capital có điều kiện để tham gia, gắn bó với sự lớn lên của TTCK Việt Nam. Vì vậy, trong 20 năm qua, khi TTCK giảm thì chúng tôi cũng buồn và gánh chịu rủi ro, nhưng khi TTCK tăng trưởng thì cũng vui và phấn khởi. Vui mừng hơn nữa là trong chặng đường phát triển của TTCK Việt Nam tuy mới được 20 năm là khoảng thời gian khá ngắn (trên thế giới có những TTCK có bề dày lịch sử phát triển 300 năm) nhưng chặng đường phát triển đầu tiên là khá vững chắc.

Tôi hy vọng, với sự phát triển bền vững, TTCK Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn nhà đầu tư trong nước bởi đây là nơi xứng đáng để các nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào đầu tư", ông Dominic Scriven bày tỏ.

Tin mới lên