Bất động sản

3 gói đầu tư công cao tốc Bắc – Nam phải kéo dài thời gian mời thầu

Do có ít hơn 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, để đảm bảo chọn được nhà thầu tốt, nên 3 gói thầu xây lắp của 3 đoạn cao tốc Bắc – Nam chuyển sang đầu tư công phải kéo dài thời gian nhận hồ sơ thêm 10 ngày. Trong khi đó, 10 gói thầu xây lắp khác đã có từ 3 hồ sơ dự thầu trở lên, đủ điều kiện mở hồ sơ chấm thầu. Mục tiêu của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) là khởi công các dự án vào cuối tháng 9 này.

3 gói đầu tư công cao tốc Bắc – Nam phải kéo dài thời gian mời thầu

Thi công đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, 1 trong các đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh minh hoạ.

Bộ GTVT cho biết, các ban quản lý dự án của bộ đã đóng mời thầu 13/13 gói thầu xây lắp của 3 đoạn cao tốc Bắc – Nam chuyển sang đầu tư công (mở bán và nhận hồ sơ dự thầu từ ngày 6/8).
Tời ngày đóng hồ sơ (ngày 4/9), Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 với 5 gói thầu xây lắp, đã có 60 đơn vị mua tổng số 140 bộ hồ sơ dự thầu;

Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết với 4 gói thầu xây lắp, có 61 nhà thầu mua 140 bộ hồ sơ;

Dự án Phan Thiết - Dầu Giây với 4 gói thầu xây lắp có 32 đơn vị mua 74 bộ hồ sơ.

Trong đó, có 10/13 gói thầu có từ 3 hồ sơ dự thầu tham gia đấu thầu trở lên, các chủ đầu tư thực hiện mở hồ sơ chấm thầu.

Riêng 3 gói thầu có ít hơn 3 hồ sơ tham gia đấu thầu. Để đảm bảo minh bạch, tăng số lượng nhà thầu tham gia, Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo các Ban quản lý dự án hoàn thiện thủ tục gia hạn mời thầu thêm 10 ngày (dự kiến đóng thầu ngày 14/9/2020).

Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư) cho biết, công tác chấm thầu sẽ được đặc biệt quan tâm, đảm bảo minh bạch, lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm.

“Trước mắt trong khâu chấm thầu, chúng tôi sẽ đánh giá sơ bộ để chọn ra những gói thầu ít vướng mắc nhất, chọn được nhà thầu cho ít nhất 1 gói thầu tại mỗi dự án để có thể khởi công ngay cuối tháng 9 này, các gói thầu còn lại khởi công trong tháng 10 tới”, ông Roãn nói.

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật cho biết thêm, Bộ GTVT luôn phối hợp chặt chẽ với các đia phương có dự án đi qua để tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công. Đặc biệt, tránh tình trạng mặt bằng “xôi, đỗ” gây ảnh hưởng đến tiến độ cũng hiệu quả trong thi công.

Bộ GTVT cũng chủ động phối hợp với các bộ ngành liên quan, như Bộ Công an, Thanh tra, Kiểm toán để phối hợp trong giám sát, chấn chỉnh, ngăn ngừa tiêu cực, phòng chống tham nhũng trong hoạt động xây dựng cơ bản nếu có…

Trước đó, sau khi Quốc hội đồng ý về chủ trương cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư từ BOT sang đầu tư công, Chính phủ đã có nghị quyết giao Bộ GTVT là người có thẩm quyền quyết định đầu tư.

Tin mới lên