Diễn đàn VNF

30 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam

Ba mươi năm là thời gian đủ dài để đánh giá đúng tầm quan trọng của khu vực kinh tế đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như tiếp cận khách quan và khoa học các vấn đề gắn với thu hút FDI để rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó hình thành định hướng và chính sách mới đối với FDI.

30 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam

30 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh minh họa

FDI - động lực tăng trưởng ổn định

Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, trong khi doanh nghiệp nhà nước sử dụng nguồn lực quốc gia lớn nhất đang trong quá trình cơ cấu lại chưa có hiệu quả; kinh tế tư nhân tuy đã gia tăng nhanh chóng về số lượng, hình thành một số tập đoàn lớn nhưng đại bộ phận là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, thì khu vực FDI là động lực tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước và tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, từ 1988 đến 20/10/2017, 63 tỉnh và thành phố của nước ta đã tiếp nhận 24.397 dự án FDI của 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, với vốn dăng ký (còn có hiệu lực) 312,9 tỷ USD, vốn thực hiện 169,05 tỷ USD.

Từ 1991 đến nay vốn FDI thực hiện đã gia tăng nhanh chóng:

- 1991 - 2000 đạt 19,462 tỷ USD, bình quân 1,95 tỷ USD/năm.

- 2001 - 2010 đạt 58,497 tỷ USD, bằng 3 lần thập niên trước đó; bình quân 5,85 tỷ USD/năm.

- 2011 - 2016 đạt 84 tỷ USD, bằng 4,55 lần giai đoạn 1991- 2000 và 1,43 lần 10 năm trước đó; bình quân 12 tỷ USD/năm.

Năm 2016 khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 19% thu nội địa và 19% GDP; chiếm trên 50% giá trị sản lượng công nghiệp, trong đó dầu khí, điện tử, smartphone, mobiphone, linh kiện điện tử, thức ăn gia súc, đồ uống... có tỷ trọng cao hơn nhiều; chiếm gần 72% tổng kim ngạch xuất khẩu mà mặt hàng chủ lực là hàng chế tạo có giá trị gia tăng cao, xuất siêu khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu của khu vực này, chẳng những bù đắp được nhập siêu của doanh nghiệp trong nước mà còn tạo ra xuất siêu gần 3 tỷ USD.

Các số liệu thống kê quá trình phát triển nền kinh tế Việt Nam từ năm 2000 đến nay cho thấy quy mô nền kinh tế của nước ta đã lớn gấp nhiều lần, trong đó khu vực FDI góp phần ngày càng nhiều hơn về vốn đầu tư, về thu ngân sách nhà nước, về GDP, về xuất nhập khẩu.

Đối với những địa phương thu hút được nhiều dự án FDI như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa ở miền Bắc, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai ở miền Nam thì đóng góp của khu vực này còn lớn hơn nhiều, làm thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của từng tỉnh, thành phố, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước phát triển và kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao, người dân trong vùng trở nên giàu có hơn các địa phương lân cận. Ví dụ Bắc Ninh nhờ thu hút có hiệu quả FDI mà chỉ trong 5 năm gần đây đã biến đổi cơ bản, từ tỉnh nông nghiệp trở thành tỉnh công nghiệp, hiện nông nghiệp chiếm khoảng 8%, công nghiệp và dịch vụ chiếm 92%. Câu chuyện hàng ngày của những địa phương này không phải lo xóa đói giảm nghèo, mà là giải quyết các vấn đề xã hội của công nghiệp hóa, lao động nhập cư với thu nhập ngày càng tăng đòi hỏi nhà ở, trường học, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, đã có đủ điều kiện về vốn đầu tư, ý tưởng mới để xây dựng đô thị thông minh hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao và hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

FDI - cách tiếp cận các vấn đề

Nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình thu hút FDI như chuyển giá, trốn thuế, nhập khẩu thiết bị lạc hậu, tranh chấp lao động... đã được bàn thảo nhiều; do vậy phần này chỉ nêu 5 vấn đề chính.

FDI với tăng trưởng xanh

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm 3 mục tiêu: 1) Tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao; 2) Nghiên cứu, ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; 3) Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh.

Trên cơ sở Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và thông điệp của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) về "FDI low carbon", chủ trương của Chính phủ thu hút FDI vào kinh tế xanh đã đạt được thành quả đáng khích lệ: nhiều doanh nghiệp FDI tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ xanh (green technology) từ các nước công nghiệp cho Việt Nam, có trách nhiệm xã hội cao trong việc bảo vệ và tuân thủ luật pháp về môi trường, trang bị nhận thức về nền kinh tế xanh cho nhân viên trong quá trình hoạt động.

Theo Financial Times tháng 7/2015, với 8,14 điểm Việt Nam dẫn đầu các thị trường mới nổi khác về thu hút vốn FDI tăng trưởng xanh; các vị trí tiếp sau thuộc về Romania, Hungary, Malaysia và Thái Lan.

Tuy vậy hệ số tiêu hao năng lượng tính trên 1% tốc độ tăng trưởng mặc dù đã giảm từ 2,1 trong những năm đầu thiên niên kỷ xuống khoảng 1,3 hiện nay nhưng vẩn còn cao hơn nhiều so với yêu cầu của nền kinh tế xanh; tiếp nhận quá nhiều dự án FDI trong một số ngành công nghiệp cổ điển như xi măng, sắt thép, lọc dầu, điện than làm gia tăng nhanh chóng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tác động tiêu cực đến môi trường, việc thu hút FDI vào năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió vẫn còn khá khiêm tốn, mặc dù nước ta có tiềm năng lớn.

Nhiều tổ chức trong nước và quốc tế cảnh báo tình trạng đáng lo ngại của Việt Nam khi khói bụi ở một số thành phố lớn đã vượt xa mức tiêu chuẩn, nhiều dòng sông và ao hồ đã ô nhiễm đến mức không thể sử dụng nước sạch cho con người và nuôi trồng thủy sản, dịch bệnh mới có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng ở khắp các vùng miền của đất nước. Hai ví dụ dưới đây để cảnh báo về nguy cơ đó.

Năm 1991, Việt Nam có công suất khoảng 2 triệu tấn xi măng, 2016 đã có 80 triệu tấn/năm, 2020 trên 100 triệu tấn/năm, tiêu dùng trong nước khoảng 75 triệu tấn/năm. Thị phần xi măng được chia cho ba loại doanh nghiệp: 36% thuộc Tổng công ty xi măng Việt Nam, 31% thuộc khu vực FDI và 33% thuộc doanh nghiệp tư nhân. Trên thế giới tất cả nhà máy xi măng đang hoạt động đã thải ra khoảng 5% khí cacbonic toàn cầu, gấp đôi lượng khí thải từ động cơ phản lực của toàn bộ ngành hàng không dân dụng; vì thế sản xuất xi măng trở thành thủ phạm lớn nhất gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính.

Sản xuất sắt thép mặc dù liên hợp sắt thép quy mô 9-10 triệu tấn thép cán nóng và thép cuộn của Tập đoàn Formosa tại Tỉnh Hà Tĩnh đang vận hành nhưng Bộ Công Thương vẫn muốn có thêm dự án sắt thép 4 tỷ USD của Tập đoàn Hòa Phát và dự án quy mô lớn hơn của Tập đoàn Tôn Hoa Sen, trong khi công nghiệp luyện gang thép thải ra một lượng lớn khí thải. Hơi và sản phẩm phụ từ quá trình luyện cốc, nung kết và làm sạch kim loại gây ô nhiễm nặng môi trường không khí. Các loại khí sinh ra từ quá trình này là oxit lưu huỳnh (SOx), oxit nitơ (NOx), oxit các bon (CO2) và các hạt lơ lửng.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn, hồ sơ Fact Sheet về hội nghị G-20 tại Hàng Châu, Trung Quốc (5/9/2016) của Chính phủ Mỹ cho rằng, tình trạng dư thừa công suất và sản lượng (overcapacity) của ngành sản xuất thép đã trở thành "một vấn đề toàn cầu", đòi hỏi "một giải pháp toàn cầu", chứ không còn là chuyện của một quốc gia và đó là lý do thép được đưa lên thành chủ đề thảo luận trong các cuộc gặp gỡ song phương và đa phương của các nhà lãnh đạo G-20 tại Trung Quốc.

FDI với chuyển giao công nghệ

FDI đóng vai trò quan trọng đối với chuyển giao công nghệ (CGCN), được thực hiện bằng CGCN sẵn có từ bên ngoài vào; nghiên cứu ứng dụng, cải tiến và phát triển công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta.

Các doanh nghiệp FDI tạo ra mối quan hệ liên kết cung cấp dịch vụ công nghệ từ các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong nước. Từ đó các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiến hành nghiên cứu & phát triển (R&D) thông qua việc học cách thiết kế, chế tạo, tiếp thu công nghệ nguồn, sau đó cải tiến cho phù hợp với điều kiện thực tế và biến chúng thành công nghệ của mình.

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, FDI đã góp phần thúc đẩy CGCN, từng bước nâng cao trình độ công nghệ sản xuất trong nước; một số ngành đã tiếp thu được công nghệ tiên tiến của thế giới như: bưu chính - viễn thông, dầu khí, xây dựng, cầu đường, khách sạn, văn phòng cho thuê...; nhiều doanh nghiệp trong nước đã đổi mới hoặc nâng cấp trang thiết bị đáp ứng yêu cầu cạnh tranh ngày càng cao của nền kinh tế. Do đó Việt Nam đã sản xuất được nhiều sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, kiểu dáng hợp thời trang đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong nước, gia tăng nhanh chóng kim ngạch xuất khẩu như máy tính, mobiphone, smartphone, điện tử gia dụng, cơ khí chế tạo, hàng tiêu dùng.

Dầu khí và truyền thông là hai ngành kinh tế nhờ CGCN và R&D gắn với FDI nên đã phát triển với tốc độ nhanh, hiện đại, tiến kịp trình độ thế giới.

Các hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí đều có quy định về CGCN, đào tạo cán bộ quản lý và cán bộ kỷ thuật nên Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) không những làm chủ được nhiều công nghệ hiện đại và phức tạp trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa của nước ta, mà còn có năng lực về công nghệ và nhân lực tham gia một số liên doanh ở nước ngoài. PVN đã áp dụng các phần mềm xử lý và minh giải tài liệu địa chấn, mô hình hóa và mô phỏng mỏ, thiết kế khai thác, công nghệ khai thác của các hãng Schlumberger, Landmark, GeoQuest… đạt được hiệu quả kinh tế cao.

So với 30 năm trước đây thì ngành truyền thông Việt Nam ngày nay đã có bước tiến vượt bậc, bắt đầu từ hợp tác với một số doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông và áp dụng cơ chế cạnh tranh từ những năm cuối thế kỷ XX; nhiều công nghệ hiện đại đã được chuyển giao và ứng dụng thành công như mạng viễn thông số hóa, mạng cáp quang, công nghệ GSM và CDMA, đặc biệt là công nghệ 4G đã được một số doanh nghiệp viễn thông bắt đầu áp dụng. Một số công nghệ mới như WiMax và mobile TV đang được tiếp tục thử nghiệm để đưa vào ứng dụng. Số lượng doanh nghiệp ứng dụng CNTT vào kinh doanh, thương mại điện tử tăng nhanh. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã triển khai thành công một số hoạt động CGCN trong lĩnh vực CNTT và truyền thông với hai cường quốc lớn là Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh công nghiệp của UNIDO năm 2016, Việt Nam đứng thứ 50 trên tổng số 141 nước được xếp hạng, tăng 44 bậc so năm 1990; tuy vậy, trong ASEAN-5 Việt Nam chỉ đứng trên Philipines (hạng 53).

Về chỉ số giá trị gia tăng công nghiệp chế biến/người (MVA), Việt Nam tuy tăng từ 173,6 USD năm 2009 lên 235,6 USD năm 2013 nhưng đứng thứ 101 trong tổng số 143 nước (Singapore thứ 1, Malaysia thứ 41, Thái Lan thứ 49); nếu không đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn thì cần khoảng 20 năm mới có thể đạt mức 1000 USD của các nước công nghiệp phát triển.

Một nguyên nhân quan trọng là CGCN chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại của nước ta. Mặc dù các công nghệ chuyển giao vào Việt Nam phần lớn có trình độ bằng hoặc cao hơn công nghệ sẵn có ở trong nước, nhưng mới chỉ đạt mức trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với các nước trong khu vực. Công nghệ được chuyển giao theo các dự án FDI chủ yếu do lợi ích của nhà đầu tư, nên có tình trạng gây ô nhiễm môi trường, phát thải nhiều khí các bon.

FDI với sự phát triển không đồng đều

Đến nay tất cả tỉnh, thành phố của Việt Nam đã tiếp nhận vốn FDI nhưng tập trung chủ yếu váo TP Hồ Chí Minh 13,8%, Bình Dương 9,4%, Hà Nội 8,7%, Đồng Nai 8,6% và một số địa phương khác như Bà Rịa- Vũng Tàu, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh.

Những địa phương thu hút được nhiều FDI thì có trình độ phát triển kinh tế- xã hội cao hơn, nảy sinh tình trạng phát triển không đều giữa các vùng. Dưới đây là hai ví dụ điển hình.

Bình Dương và Bình Phước được tách từ tỉnh Sông Bé cách đây 20 năm. Bình Dương thành công trong thu hút FDI, đến năm 2016 đã tiếp nhận trên 25 tỷ USD vốn FDI đăng ký và gần 200 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước; có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên 14,5%, cơ cấu kinh tế biến đổi theo hướng công nghiệp hóa, hiện nay đã trở thành tỉnh công nghiệp; năm 2016 công nghiệp và xây dựng chiếm 60%. dịch vụ chiếm 37,7%, nông lâm ngư nghiệp chiếm 2,3%.

Bình Phước có điều kiện địa lý không thuận lợi như Bình Dương nên thu hút FDI chưa nhiều, đến năm 2016 đạt 1,25 tỷ USD vốn đăng ký. Từ 2010 đến nay Bình Phước có nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến đầu tư nên đã tiếp nhận được một lượng vốn từ các địa phương khác, làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011- 2015 đạt bình quân 10,8%/năm; cơ cấu kinh tế năm 2015: công nghiệp và xây dựng 32,2%, dịch vụ 29,3%, nông lâm ngư nghiệp 38,5%.

So với Bình Dương thì GRDP của Bình Phước chỉ bằng 6%, thu ngân sách bằng 8%, trong khi Bình Dương thuộc các tỉnh, thành phố điều tiết cho ngân sách trung ương thì Bình Phước vẩn phải nhận trợ cấp từ ngân sách nhà nước.

Phú Thọ và Vĩnh Phúc vốn thuộc tỉnh Vĩnh Phú, được tách thành hai cách đây 20 năm. Phú Thọ có lợi thế hơn Vĩnh Phúc do có thành phố Việt Trì với khu công nghiệp và cảng sông. Năm 1997 Phú Thọ thu ngân sách 300 tỷ đồng, gấp ba lần Vĩnh Phúc.

Từ khi tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã tận dụng lợi thế sát thủ đô, gần sân bay quốc tế Nội Bài nên đã tiếp nhận được 3,4 tỷ USD vốn FDI, tiêu biểu là Toyota, Honda, Piaggio, Daewoo Bus, tập đoàn Prime, thép Việt Đức... 49.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước; tạo ra nguồn thu ngân sách ngày càng tăng, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã thay đổi khá nhanh theo hướng công nghiệp hóa.

Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 1997-2016 đạt 15,37%. Năm 2016, quy mô nền kinh tế bằng 39,5 lần so với năm 1997, GRDP đạt 77200 tỷ đồng, GRDP/người tăng 33,2 lần từ 2,18 triệu đồng lên 72,3 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế năm 2016: nông lâm ngư nghiệp 10%, dịch vụ 27%, công nghiệp và xây dựng 63%. Từ năm 2004 Vĩnh Phúc đã điều tiết cho ngân sách Trung ương; năm 2016 thu ngân sách đạt 28 500 tỷ đồng.

Phú Thọ chỉ thu hút được 33 500 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 660 triệu USD vốn FDI nên tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 1997- 2-16 là 8,69%/năm, quy mô nền kinh tế của tỉnh năm 2016 gấp 5 lần năm 1997; giá trị sản lượng công nghiệp năm 2016 bằng 8,4 lần năm 1997, đứng đầu các tỉnh vùng Tây Bắc và đứng thứ 3 của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, năm 2016 thu ngân sách đạt 4.400 tỷ đồng gấp 14 lần năm 1997; GRDP/ người đạt 33,2 triệu đồng, tăng 14,5 lần so với năm 1997.

Năm 2016 GRDP/người của Vĩnh Phúc bằng 2,17 lần, thu ngân sách bằng 6,47 lần của Phú Thọ.

FDI với thị trường và đối tác

Trong 30 năm khu vực kinh tế FDI còn tác động tích cực đến việc giao lưu giữa các nền văn hóa khác nhau thông qua quá trình hợp tác cùng có lợi giữa người Việt Nam với nhiều dân tộc trên thế giới. Tính đến 20/10/2017 Châu Á chiếm trên 70% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc 18,2%, Nhật Bản 14,8%, Singapore 13,3% và Đài Loan 9,8%.

Với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam nên FDI của Hàn Quốc tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây với những dự án công nghệ cao hàng tỷ USD của Samsung, LG để tận dụng ưu đãi về thuế, đất đai và nguồn nhân lực có chất lượng cao nhưng tiền công chỉ khoảng 1/3 của Hàn Quốc.

Các nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam vào đầu thời kỳ đổi mới và hội nhập. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư vào công nghiệp chế tạo ô tô, xe máy, hóa chất, khách sạn, hạ tầng khu công nghiệp từ đầu thập niên 90 thế kỷ XX và tiếp tục mở rộng đầu tư vào nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế như lọc hóa dầu, siêu thị, logistic; gần đây khi Việt Nam chủ trương phát triển công nghiệp hổ trợ, xây dựng nông nghiệp công nghệ cao thì doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đã đến đầu tư khá thành công ở nhiều địa phương.

Doanh nghiệp Đài Loan tiến hành nhiều dự án đầu tư vào công nghiệp thực phẩm, xe máy, cơ khí chế tạo, hạ tầng khu công nghiệp, điển hình là Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Liên hợp sắt thép tại Hà Tĩnh.

Trung Quốc đã tăng nhanh vốn đầu tư tại Việt Nam trong những năm gần đây, đã đạt trên 12 tỷ USD vốn đăng ký, tập trung vào sản xuất, phân phối điện, khí, nước và bất động sản. Một số dự án lớn như Nhà máy điện than Vĩnh Tân 1 vốn đầu tư 2 tỷ USD tại Bình Thuận, dự án xây dựng các nhà máy sợi, dệt may tại các tỉnh phía Bắc có quy mô hơn 1 tỷ USD. Trung Quốc chủ trương tăng cường đầu tư ra nước ngoài nên có thể từ vị trí thứ 8 hiện nay trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam trong những năm sắp đến.

ASEAN có 7 nước đã đầu tư vào Việt Nam nhưng chỉ Singapore, Malaysia và Thái Lan là đáng kể. Singapore có vốn đăng ký trên 41,7 tỷ USD tại Việt Nam, đầu tư vào ngành chế tạo, khách sạn, cảng biển, bất động sản, đồ uống. Singapore đã hợp tác rất có hiệu quả với Việt Nam thành lập các khu công nghiệp VSIP bắt đầu ở Bình Dương đến nay đã mở rộng ra nhiều địa phương. Nhiều nhà đầu tư từ Singapore là chi nhánh TNCs của nước khác. Malaysia đã đầu tư tại Việt Nam với vốn đăng ký trên 14 tỷ USD tập trung vào sản xuất và phân phối điện, khí đốt và điều hòa không khí, lớn nhất là dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2 vốn đầu tư 2,4 tỷ USD.

Thái Lan đạt 8,4 tỷ USD vốn đăng ký tại Việt Nam, đầu tư vào chế tạo, hóa chất, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, chế biến thức ăn gia súc, chăn nuôi và bán lẻ. Hai năm gần đây, một số tập đoàn Thái Lan đã mua lại siêu thị lớn làm gia tăng thị phần của hàng hóa nước này trên thị trường Việt Nam.

Đầu tư của Mỹ và EU vào Việt Nam còn quá ít so với FDI của họ trên thế giới và vào các nước ASEAN.

Mỹ - cường quốc kinh tế số 1 và là nhà đầu tư lớn nhất thế giới chỉ có gần 12 tỷ USD vốn đăng ký tại Việt Nam, chưa đạt được kỳ vọng của cả hai bên khi quan hệ giữa hai nước đã được bình thường hóa gần ¼ thế kỷ, kim ngạch thương mại từ khi Hiệp định thương mại Việt- Mỹ có hiệu lực năm 2001 đã tăng rất nhanh, quan hệ chính trị cũng đang phát triển tích cực.

24/28 nước EU đã đầu tư vào Việt Nam 24 tỷ USD vốn đăng ký thì Hà Lan, Anh, Pháp, Luxembourg và Đức chiếm tới 84,3%. Nhiều tập đoàn lớn của EU đã có mặt tại Việt Nam từ cách đây gần 30 năm để thăm dò, khai thác dầu khí, tiếp đó đầu tư vào ngành ô tô, xe máy, thực phẩm, bất động sản và siêu thị. Mặc dù quan hệ giữa Việt Nam với EU về kinh tế, thương mại và chính trị tiến triển thuận lợi, nhưng FDI của EU tại Việt Nam còn quá khiêm tốn.

FDI với tác động lan tỏa

Tác động lan tỏa hay hiệu ứng tràn là mục tiêu quan trọng của thu hút FDI. Thực tế 30 năm qua đã chỉ ra rằng, hội nhập kinh tế quốc tế trong đó có FDI không những có tác động trực tiếp đến vốn đầu tư, hàng hóa và dịch vụ, xuất nhập khẩu, thu ngân sách và GDP mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh buộc doanh nghiệp trong nước phải đổi mới công nghệ, sáng tạo trong kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, tiếp cận phương thức sản xuất, phân phối, kinh doanh tiến tiến vào nước ta, làm thay đổi tư duy và tập quán của doanh nghiệp và người dân.

Mặc dù vậy, tác động lan tỏa của khu vực kinh tế FDI đối với doanh nghiệp trong nước chưa được như kỳ vọng, mối liên kết giữa các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) với doanh nghiệp Việt Nam để phát triển công nghiệp hổ trợ, tham gia chuỗi cung ứng (supply chain) toàn cầu còn hạn chế, trong một số mặt hàng như dệt may, da dày dù đã tham gia vào chuỗi cung ứng nhưng doanh nghiệp Việt Nam mới tiếp cận một vài khâu có giá trị gia tăng thấp.

Đôi giày Nike "Made in Vietnam", nhưng ý tưởng, thiết kế, công nghệ, thương hiệu, các bộ phận từ mũi, đế, da, dây, chỉ khâu, keo dán đến từ nhiều nước, khi đôi giày đã được đóng gói lại theo hệ thống phân phối, marketing, bán lẻ để đi khắp thế giới. Chính vì vậy, giày Nike được nhìn nhận như một trong những biểu tượng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu giày Nike của Việt Nam là nhiều tỷ USD, giá một đôi giày Nike hơn 100 USD (có đôi 300 USD, khi hạ giá còn 60 USD) thì phần của người công nhân Việt Nam chỉ vỏn vẹn 1-2 USD.

Một số công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hiện chỉ có 21% DNNVV tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong khi ở Thái Lan trên 30% và ở Malaysia là 46%; do vậy DNVVN ít được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI thông qua chuyển giao công nghệ, kiến thức và nâng cao năng suất.

DN Việt Nam chủ yếu có quan hệ mua bán hàng hóa với nhau, nhưng chưa chú trọng hỗ trợ lẫn nhau theo chuỗi cung ứng để phát triển sản phẩm và kinh doanh có hiệu quả.

Năm vấn đề chủ yếu trên đây cần được lưu ý giải quyết để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực FDI.

Định hướng, chính sách mới về FDI

Bối cảnh

Thế giới đang biến đổi nhanh chóng, khó lường trước, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng phục hồi ngay tại Mỹ, một nước vốn chủ trương "tự do mậu dịch"; kinh tế ảo với những phương thức mới chưa có tiền lệ đang phát triển nhanh chóng; thị trường, giá cả hàng hóa và dịch vụ biến động thường xuyên; dòng vốn đầu tư quốc tế chuyển dịch qua biên giới tùy thuộc vào môi trường đầu tư, trong đó vốn FDI vẫn có xu hướng gia tăng trong những năm sắp đến.

Việt Nam đã có vị thế ngày càng cao trong khu vực, có môi trường chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, đang thực hiện cải cách bộ máy nhà nước và nâng cao trình độ quản trị của đội ngũ công chức; năng lực nội sinh đã gia tăng với khoảng 640 nghìn doanh nghiệp, trong đó có hàng trăm tập đoàn kinh tế lớn, đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, trong đó có việc tham gia Cộng đồng ASEAN và nhiều FTA thế hệ mới.

Theo Báo cáo của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Trường đại học Cornell và Viện nghiên cứu INSTEAD công bố ngày 15/6, Việt Nam được xếp hạng thứ 47/127 về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 12 bậc so với 2016; trong ASEAN, Việt Nam đứng trên Thái Lan, được đánh giá có thế mạnh đầu ra tri thức và công nghệ; chỉ số phức tạp/đa dạng của thị trường; chỉ số phức tạp/đa dạng kinh doanh; chỉ số đầu ra sáng tạo và chỉ số tăng trưởng đầu tư cho giáo dục…

Ngày 4/5/2017 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trên cơ sở đó các bộ đang nghiên cứu điều chỉnh chiến lược phát triển ngành và lĩnh vực ưu tiên để tạo dụng cơ hội mới đẩy nhanh công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại.

Về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới nhận định: "Chúng ta sẽ đến với sự kết hợp giữa thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật. Những công nghệ mới này sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế, mọi ngành công nghiệp, đồng thời cũng thách thức ý niệm của chúng ta về vai trò thực sự của con người". Ông cũng cảnh báo các công nghệ mới sẽ dẫn đến những thay đổi về quyền lực, gây ra những lo ngại về an ninh cũng như về khoảng cách giàu nghèo, nếu không được kiểm soát tốt.

Ngành và lãnh thổ

Trong khi vẫn tiếp tục ưu tiên thu hút FDI vào công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, ít gây hiệu ứng nhà kính, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu & phát triển, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, dịch vụ hiện đại, cơ sở hạ tầng thì cần tiếp cận với các công nghệ tương lai của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo ra giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (SMA), cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học.

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh thì không nên thu hút thêm dự án FDI sản xuất xi măng, sắt thép, lọc hóa dầu; hạn chế bằng cách chọn lựa nhà đầu tư và công nghệ hiện đại thực hiện một số dự án nhiệt điện than, khí; đồng thời khuyến khích bằng chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn các tập đoàn kinh tế lớn vào các dự án điện mặt trời, điện gió, điện tái tạo và trong tương lai gần là điện thủy triều.

Những địa phương đã có trình độ phát triển khá thì chủ yếu tiếp nhận dự án FDI vào ngành và sản phẩm có hàm lượng trí tuệ và giá trị gia tăng cao để thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới; không tiếp nhận dự án thâm dụng lao động, dự án không thân thiện với môi trường.

Những địa phương có trình độ phát triển còn thấp thì cần tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại để rút ngắn khoảng cách với các trung tâm kinh tế lớn của vùng kinh tế, đồng thời có chính sách ưu đãi cao đối với những dự án FDI thâm dụng lao đông như dệt may, da dày; tận dụng thế mạnh từ sự khác biệt của từng địa phương để thu hút FDI vào dự án khai thác tiềm năng, phát triển sản phẩm và dịch vụ, du lích của tỉnh và vùng kinh tế; đồng thời tận dụng điều kiện địa lý để kết nối với các doanh nghiệp FDI ở địa phương phụ cận để thu hút FDI vào công nghệ và dịch vụ hiện đại.

Chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư gắn với định hướng phát triển kinh tế- xã hội ở từng vùng kinh tế, từng địa phương

Thị trường và đối tác

Trong khi vẫn tiếp tục thu hút FDI từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế (TNCs) hàng đầu thế giới trong ngành và lĩnh vực công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Việc Tập đoàn công nghiệp điện tử hàng đầu thế giới là Samsung chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất điện thoại di động, smartphone, máy tính bảng… đã minh chứng tính hấp dẫn của nước ta.

Hàn Quốc, Nhật Bản với quan hệ đối tác chiến lược đáng tin cậy của nước ta, với tiềm năng kinh tế và công nghệ hàng đầu thế giới vẫn là hai đối tác lớn nhất, cần khai thác tốt hơn nữa các kênh hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch đã hình thành và khuyến khích ý tưởng, sáng kiến mới để thu hút nhiều hơn, có hiệu quả hơn vốn FDI từ hai nước này.

Trung Quốc là nhà đầu tư tiềm năng đang triển khai nhiều dự án quy mô lớn tại nước ta, có triển vọng sẽ trở thành một trong những quốc gia đứng đầu trong thu hút FDI của Việt Nam. Cảnh giác đối với ý đồ và hoạt động nhằm mục đích kiềm chế Việt Nam là cần thiết, nhưng không vì thế mà không tìm cách tận dụng lợi thế về địa lý, truyền thống giao lưu kinh tế, văn hóa giữa doanh nghiệp, nhân dân hai nước để lựa chọn dự án, nhà đầu tư trên cơ sở bảo đảm lợi ích dân tộc, góp phần thực hiện mục tiêu láng giềng hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa Việt Nam với Trung Quốc,

Việc hình thành Cộng đồng ASEAN thì FDI giữa các nước thành viên với nhau và FDI từ nhà đầu tư ngoài khối vào ASEAN được điều chỉnh từ Hiệp định đầu tư toàn diện (ACIA) được ký ngày 26/12/2009 và có hiệu lực từ ngày 29/3/2012; theo đó hoạt động đầu tư của ASEAN bao gồm 4 trụ cột: tự do hóa đầu tư, bảo hộ đầu tư, thuận lợi hóa đầu tư và xúc tiến đầu tư. Tận dụng tốt hơn việc hình thành thị trường chung, chu chuyển hàng hóa, vốn, lao động có tay nghề giữa các nước thành viên để thu hút nhiều hơn và có hiệu quả hơn FDI cũng như hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại các nước ASEAN.

Mỹ và EU vẫn là thị trường lớn nhất thế giới, có nhiều nhà đầu tư tiềm năng vào công nghệ và dịch vụ hiện đại; do đó cần có các hoạt động xúc tiến đầu tư thích hợp với từng loại hình doanh nghiệp, đặc điểm từng quốc gia, đáp ứng đòi hỏi cao của các TNCs hàng đầu thế giới về sở hữu trị tuệ, chống tham nhũng, thực thi nghiêm chỉnh pháp luật với bộ máy hành chính và công chức hợp tác và hổ trợ nhà đầu tư. Triển vọng thu hút nhiều hơn vốn FDI từ Mỹ và EU phụ thuộc chủ yếu vào việc giải quyết tốt những đòi hỏi của nhà đầu tư về công khai, minh bạch, dễ dự báo của hệ thống luật pháp và thực thi pháp luật của nước ta.

Chính sách kết nối

Coi trọng chính sách kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước để khắc phục nhược điểm tác động lan tỏa của doanh nghiệp FDI còn hạn chế; phát triển công nghiệp hỗ trợ, tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, từ đó nâng cao tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp trong nước, hướng đến mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp tư nhân vào năm 2020, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô lớn hơn nhiều lần hiện tại; có hàng trăm tập đoàn kinh tế tầm cỡ khu vực và thế giới.

Đối với một số dự án mà doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài thì khuyến khích thực hiện bằng hình thức "doanh nghiệp liên doanh" để thông qua quan hệ hợp tác cùng có lợi nhằm chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, nâng cao trình độ lành nghề của đội ngũ công nhân, kỹ sư và cán bộ Việt Nam.

Áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp Việt Nam làm công nghiệp hỗ trợ như đối với TNCs.

Trong điều kiện doanh nghiệp trong nước đã có tiềm lực lớn hơn thì cần thu hút dự án FDI có quy mô trung bình và lớn, không nên có nhiều dự án quá nhỏ, công nghệ trung bình, trừ một số lĩnh vực dịch vụ như tư vấn pháp lý, tài chính, đầu tư.

Các địa phương cần ưu tiên thực hiện dự án đầu tư cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước khi họ đã có đủ điều kiện đáp ứng đòi hỏi của từng ngành, lĩnh vực để góp phần thúc đẩy việc tăng nhanh về số lượng, tiềm lực kinh tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và thị trường thế giới.

Kết luận

Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương và chỉ đạo ráo riết để tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng hơn; được nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân, dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao; tuy vậy vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi phải thay đổi nhanh hơn và có hiệu quả hơn.

Hai nút thắt chính của tăng trưởng là bộ máy nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức; bộ máy thì cồng kềnh, kém hiệu năng, công chức thì quá thừa nhưng thiếu năng lực và lương tâm nghề nghiệp, đang cản trở quá trình phát triển của doanh nghiệp. Đó là hai lực cản cần được giải quyết để định hướng và chính sách mới về FDI được thực hiện có kết quả. 

Tin mới lên