Tiêu điểm

30 năm thu hút FDI: Từ hồi ức những ngày đầu đến kỳ vọng cho hành trình tiếp theo

(VNF) - GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tin rằng với những chuyển biến tích cực trong môi trường kinh doanh, thu hút FDI, cũng như các lĩnh vực kinh tế - xã hội năm 2018 và những năm tiếp theo sẽ đạt được những thành tựu lớn hơn nữa.

30 năm thu hút FDI: Từ hồi ức những ngày đầu đến kỳ vọng cho hành trình tiếp theo

GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).

Hôm nay 29/12/2017, đúng tròn 30 năm kể từ ngày Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thông qua (29/12/2987). Đây văn bản pháp lý quan trọng chính thức hóa việc tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam kể từ quá trình đổi mới.

Đi cùng với ba thập kỷ đổi mới, hành trình 30 năm thu hút FDI đã chứng kiến những thay đổi đáng kể trong diện mạo nền kinh tế Việt Nam.

GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) - người đã gắn bó với hoạt động thu hút FDI trong 30 năm qua đã chia sẻ những tâm tư tình cảm của ông nhân sự kiện này.

- Ngày 29/12/2017 tròn 30 năm Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thông qua. Xin Giáo sư chia sẻ một vài câu chuyện của những ngày đầu mở cửa thu hút FDI cũng như những kỷ niệm trong hành trình này?

GS Nguyễn Mại: Đầu tư nước ngoài không phải mới bắt đầu khi có Luật Đầu tư nước ngoài. Sau thống nhất, nước ta đã có Điều lệ về đầu tư nước ngoài đầu tiên năm 1977. Nhưng sau đó do cấm vận của Mỹ, chiến tranh Trung Quốc nên điều lệ ấy không thực hiện được.

Đến năm 1986 khi đất nước bắt đầu mở cửa, Đảng ta đã đặt vấn đề phải vừa đổi mới trong nước, vừa mở cửa để hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó mới có chủ trương thành lập một tổ nghiên cứu về luật đầu tư nước ngoài. Tổ nghiên cứu này do Luật sư Lưu Văn Đạt, Viện trưởng Viện Kinh tế ngoại thương làm tổ trưởng, cùng các chuyên viên Văn phòng Chính phủ, Bộ ngoại giao và một số Bộ khác. Tổ nghiên cứu cũng có sự tham gia tích cực của Ủy ban Kinh tế đối ngoại do ông Võ Đông Giang làm Chủ nhiệm.

Ông Đạt và ông Giang là hai người đầu tiên, cùng một số chuyên viên các Bộ và sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế từ IMF, World Bank, Ấn Độ, Nhật Bản, Thụy Điển đã hình thành nên Luật Đầu tư nước ngoài.

Luật Đầu tư nước ngoài được thông qua vào tháng 12/1987 và là luật đầu tiên về quá trình đổi mới và hội nhập. Luật Đầu tư nước ngoài ra đời có tiếng vang rất lớn đối với khu vực và quốc tế. Họ cho rằng đây là luật về đầu tư nước ngoài cởi mở nhất vào thời kỳ bấy giờ.

Từ năm 1988 đã bắt đầu có dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên, tuy nhiên đều là những dự án nhỏ. Đến tháng 3/1989, Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) được thành lập. Lúc bấy giờ, chúng ta mới bắt đầu thoát khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội và môi trường đầu tư bắt đầu khá lên. 

Đến năm 90, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng dần và trong thời gian từ năm 90-97, vốn đầu tư tăng rất mạnh. Trong 7 năm này, vốn đầu tư nước ngoài chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư xã hội, đóng góp 1/3 tốc độ tăng trưởng và đóng góp rất tích cực vào thu ngân sách, tạo việc làm, xuất khẩu, cũng như phát triển một số ngành công nghiệp như xe máy, ô tô, dầu khí, điện tử, may mặc, da giày…

Có rất nhiều kỷ niệm trong giai đoạn đầu bởi đầu tư nước ngoài trong giai đoạn đầu là một trong những hoạt động mới mẻ, chúng ta chưa có kinh nghiệm, nhất là làm với tư bản chủ nghĩa.

Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư được thành lập vào tháng 3/1989 phải nhờ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cung cấp cho một dự án tài trợ và nhờ dự án đấy mới hợp tác với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), cung cấp chuyên gia, giúp Ủy ban đầu tư làm xúc tiến đầu tư, biên soạn tài liệu, làm guidebook, video để giới thiệu đất nước, con người và môi trường đầu tư tại Việt Nam, huấn luyện cán bộ của Ủy ban và cán bộ của các Bộ đi vận động đầu tư và tổ chức hai đoàn đi vận động đầu tư ở châu Âu và tại châu Á.

Đến đầu năm 1991 thì Diễn đàn đầu tư Việt Nam đầu tiên được tổ chức tại TP. HCM với 650 khách quốc tế, một số lượng khách khá đông trong thời kỳ đầu mở cửa, đã gây được tiếng vang rất lớn.

Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) do ông Đậu Ngọc Xuân làm Chủ nhiệm. Đây là con người có kiến thức tốt, từng làm trực tiếp cho cố Tổng bí thư Lê Duẩn. Dưới sự lãnh đạo của ông Xuân, Ủy ban đã làm rất nhiều việc, tạo nên một tập thể gắn kết, các chuyên gia rất trẻ nhưng chịu khó học hỏi, hình thành phong cách của Ủy ban và được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao, các lãnh đạo các địa phương hết sức coi trọng. 

Hồi đó, hầu như chưa có trở ngại gì về mặt thủ tục hành chính để thu hút đầu tư nước ngoài. Phải nói, tiếng vang của SCIC không chỉ trong nước mà còn ở tầm quốc tế. Ủy ban đã hình thành một cơ quan nhà nước với phong cách làm việc hiện đại, thủ tục hành chính đơn giản, thái độ thân thiện, sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư

- Sau 30 năm Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành, nền kinh tế Việt Nam với dấu ấn của các nhà đầu tư nước ngoài đã có những chuyển biến thể hiện rõ nét nhất trên những phương diện nào, thưa Giáo sư?

GS Nguyễn Mại: Tổng cục thống kê vừa công bố con số cho thấy năm 2017 là năm rất thành công, tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, cao hơn mức dự kiến của Quốc hội là 6,7%, cao nhất trong mấy năm gần đây. So với các nước trong khu vực, đây cũng là mức tăng trưởng rất cao.

Con số ấn tượng thứ hai là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay vượt 400 tỷ USD, đứng vào hàng nước có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới. Việt Nam từ nước xuất khẩu kém nhất trong số các nước ASEAN, giờ đây chúng ta đang đứng thứ hai, thứ ba, chỉ thua kém một số nước như Singapore, Malaysia.

Năm nay, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam theo công bố là 47 tỷ USD nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết có thể đạt 50 tỷ USD, tăng hơn 10 tỷ USD trong vòng một năm. Một mức tăng mà hãng tin Bloomberg đánh giá là rất an toàn cho năm 2018 bởi dự trữ ngoại tệ ấy đủ sức trang trải cho xuất khẩu và giữ ổn định cho đồng tiền Việt Nam. Chắc chắn đây là tiền đề tốt cho năm 2018.

Nền kinh tế Việt Nam đã đạt được thành tựu rất rõ là đã hình thành một số cứ điểm sản xuất hàng xuất khẩu như điện thoại thông minh, máy tính, linh kiện điện tử, điện tử gia dụng. Những sản phẩm này chiếm tỷ trọng ngày càng tăng, khoảng 65 tỷ USD, tương đương hơn 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Dệt may trước đây chiếm vị trí số 1 thì năm nay cũng chỉ đạt khoảng 31 tỷ USD, bằng một nửa công nghiệp chế biến hiện đại.

Tác động lan tỏa năm 2017 cũng có thay đổi rất lớn. Năm trước, chúng ta chưa có tác động lan tỏa nhiều lắm đối với doanh nghiệp Việt Nam nhưng năm 2017, rõ ràng tác động lan tỏa khá nhiều. Samsung hiện nay đã có 29 nhà cung cấp (vendor) cấp 1 và hơn 200 vendor cấp 2, cấp 3. Chắc chắn với tốc độ này, đến năm 2020, Samsung sẽ có 50 vendor cấp 1, thậm chí có thể nhiều hơn

Những ngành khác như xe máy năm nay cũng đạt gần 90% linh kiện phụ tùng trong nước. Ngành công nghiệp ô tô cũng có những doanh nghiệp lớn trong nước như Trường Hải và mới có thêm một đại gia là ông Phạm Nhật Vượng sau 4-5 năm chuẩn bị đã bắt đầu khai trương một dự án rất lớn vài tỷ USD để sản xuất xe máy điện, xe ô tô điện. 

Với cách làm khoa học, hợp tác với doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ, Đức, Nhật, chắc chắn trong vài ba năm nữa Việt Nam sẽ có xe "Made in Vietnam" tham gia vào thị trường trong nước và thế giới.

Năng suất lao động trước đây chúng ta coi là nhược điểm lớn, năm 2017 cũng đã có thay đổi cơ bản. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam không chỉ chuyển giao công nghệ thông qua các xí nghiệp mà họ còn đầu tư vào những trung tâm nghiên cứu phát triển lớn như của Samsung, Panasonic, Bosch, Intel là những hãng công nghệ rất lớn mà hàng ngàn cán bộ trẻ Việt Nam đã và đang làm việc trong các trung tâm này.

Theo điều tra gần đây nhất của Trung tâm thông tin và dự báo quốc gia, khoảng 65% máy móc, thiết bị đang được sử dụng trong các doanh nghiệp được sản xuất năm 2010, tức là thế hệ rất mới hiện nay. Cùng với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nên năng suất lao động của Việt Nam tăng khoảng 6,5%. Đó là tiến bộ rõ rệt. Tăng trưởng 6,81% không chỉ thông qua lao động đơn giản mà còn có sự đóng góp của nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài vẫn còn những vấn đề cần phải xử lý. Chúng ta có điều kiện tốt hơn nhưng chậm đưa ra định hướng mới theo cơ cấu kinh tế hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, đặc biệt là tham gia vào cuộc công nghiệp 4.0. Khi tổng kết 30 năm thu hút FDI, đây là vấn đề cần giải quyết.

Chính sách ưu tiên của chúng ta hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào thuế là chính, chưa gắn ưu tiên, ưu đãi doanh nghiệp nước ngoài với hiệu quả kinh tế xã hội mà họ đóng góp cho đất nước nên có nhiều người băn khoăn là mặc dù thu hút được 170 tỷ USD vốn thực hiện trong 30 năm nhưng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, vào GDP, ngân sách chưa tương xứng với những gì họ được ưu đãi.

Sắp tới, chúng ta sẽ thay đổi chính sách ưu đãi, làm thế nào để gắn kết với kết quả. Phải làm thế nào để tác động lan tỏa của FDI với doanh ghiệp trong nước nhiều hơn để vừa có khu vực FDI mạnh vừa có doanh nghiệp trong nước cũng mạnh. Đây là hai "chân" quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài ra, những vấn đề như chuyển giá, trốn thuế, môi trường cũng là vấn đề cần chấn chỉnh để đầu tư nước ngoài có hiệu quả hơn.

- Năm nay tròn 30 năm thu hút FDI cũng là năm Việt Nam tổ chức thành công sự kiện APEC 2017. Giáo sư đánh giá thế nào về triển vọng thu hút FDI trong thời gian tới sau sự kiện APEC?

Sự kiện APEC cho thấy vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới cao hơn. Việc hơn 20 nguyên thủ các nước trên thế giới đến Hà Nội và việc chúng ta tổ chức thành công một năm APEC, một tuần lễ APEC cao cấp với các hội nghị chuyên đề, và việc các sáng kiến của Việt Nam đề ra được APEC chấp nhận như sáng kiến kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước cho thấy năng lực tổ chức các sự kiện lớn của Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào. Các nguyên thủ quốc gia đánh giá rất cao việc tổ chức một cách khoa học, hiện đại, rất có hiệu quả của cả năm APEC và tuần lễ cấp cao APEC tại Việt Nam.

Qua APEC, các phương tiện truyền thông lớn nhất của thế giới của Mỹ, Nhật Bản, Úc, Canada đều đưa tin và góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Du lịch năm nay tăng trưởng rất nhiều, 13 triệu khách đến Việt Nam.

Chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành điểm đến đáng tin cậy hơn của các nhà đầu tư trong và ngoài APEC bởi vì kết quả năm 2017 ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng cao hơn, đặc biệt Chính phủ mới thành lập từ tháng 4/2016 đến nay đã luôn luôn cổ vũ cho cải thiện môi trường đầu tư và trên thực tế đã làm rất nhiều việc. Mặc dù còn một số việc cần phải làm tiếp nhưng môi trường đầu tư của Việt Nam đã cải thiện và tăng trưởng rất nhiều bậc.

Chắc chắn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới sẽ còn cao hơn nữa. Vấn đề chúng ta phải biết lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, gắn kết với doanh nghiệp trong nước để hiệu quả đầu tư cao hơn. Đây là vấn đề mà tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài sẽ tìm ra định hướng cho giai đoạn tới.

- Chiến lược thu hút FDI trong thời gian tới, theo Giáo sư, cần tập trung vào những vấn đề nào?

Theo đánh giá của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2017 (VBF 2017), niềm tin của các nhà đầu tư hiện nay thể hiện số lượng nhà đầu tư nước ngoài muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam chiếm đến 65%.

Các nhà đầu tư mong muốn ba điều. Thứ nhất là chống tham nhũng. Mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài thừa nhận Đảng, Nhà nước trong năm 2017 đã rất cố gắng để giải quyết các vụ án tham nhũng lớn, tạo nên hiệu ứng lòng tin cho các nhà đầu tư và dân chúng cao hơn nhưng các nhà đầu tư vẫn mong muốn đây vẫn là một khâu quan trọng để những dự án như đầu tư vào cơ sở hạ tầng theo hình thức BOT có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Các nhà đầu tư cho rằng nếu giải quyết được vấn đề tham nhũng, nhóm lợi ích để cho nhà đầu tư có thể chen chân vào các dự án lớn thì lúc đó chúng ta mới có cơ sở để cải thiện nhanh chóng hệ thống đường xá bến cảng, hàng không.

Để thu hút các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia thì vấn đề sở hữu trí tuệ từ phần mềm cho đến dược phẩm mà chúng ta cam kết rất cao cho những hiệp định tự do (FTA) mới, phải được thực hiện một cách nghiêm chỉnh.

Thứ ba, nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm là bộ máy, con người, cần giảm thiểu các đầu mối, công chức mẫn cán hơn, chuyên nghiệp hơn.

Đây là 3 vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài rất hy vọng vào năm 2018 và những năm tiếp theo. Bản thân tôi tin rằng, với các kết quả đạt được năm 2017, đặc biệt là Đảng vừa rồi có mấy nghị quyết về cải cách hành chính, bộ máy, con người, chống tham nhũng, Chính phủ luôn luôn đề cao Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, kiên quyết giải quyết những vấn đề lớn.

Vừa rồi Thủ tướng cũng đề ra phương châm 10 chữ để chỉ đạo cho năm 2018 là "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả". Đây là những điều mà làm cho nhà đầu tư tin rằng sẽ có một chuyển biến rõ, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được những thành tựu lớn hơn trong thu hút FDI và cũng như các lĩnh vực xã hội trong năm 2018.

Tin mới lên