Thị trường

300 tỷ đồng có thể lập hãng hàng không

Bộ Giao thông vận tải sửa quy định để khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư mạnh vào lĩnh vực hàng không.

Bộ Giao thông vận tải vừa hoàn thành và lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016 về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Giảm vốn là hợp lý

Điểm đáng chú ý của dự thảo nghị định là tại khoản 1 Điều 8 về điều kiện vốn đã thay đổi mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không.

Cụ thể, dự thảo mới không phân định giữa vận chuyển quốc tế, quốc nội và đưa mức vốn tối thiểu đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế. Theo đó, khai thác đến 10 máy bay, mức vốn tối thiểu là 300 tỷ đồng Việt Nam (quy định hiện hành là 700 tỷ đồng đối với vận chuyển quốc tế và 300 tỷ đồng đối với vận chuyển quốc nội).

Tương tự, khai thác từ 11 đến 30 máy bay là 600 tỷ đồng Việt Nam (quy định hiện hành là 1.000 tỷ đồng với quốc tế; 600 tỷ đồng với quốc nội); khai thác trên 30 máy bay là 700 tỷ đồng Việt Nam (quy định hiện hành là 1.300 tỷ đồng với quốc tế; 700 tỷ đồng với quốc nội).

Theo các chuyên gia ngành hàng không, trước đây các hãng hàng không thường của quốc gia, không có tư nhân nhưng bây giờ tư nhân tham gia rất nhiều. Đây là tín hiệu tốt để các hãng hàng không cạnh tranh với nhau nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, giá rẻ giúp người nghèo cũng có thể đi máy bay… Vì vậy, việc quy định trên là hợp lý.



Càng có nhiều hãng hàng không thì người dân càng có cơ hội đi máy bay với chất lượng tốt hơn và giá cả cạnh tranh hơn. Ảnh: P.ĐIỀN

Nước ngoài giữ bao nhiêu % vốn điều lệ?

Một điểm gây tranh cãi là tại khoản 3 Điều 8 quy định về điều kiện doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đưa ra ba phương án, phương án thứ nhất nước ngoài chiếm không quá 34% vốn điều lệ, phương án hai nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ và phương án cuối cùng là giữ nguyên như hiện hành (nước ngoài chiếm không quá 30% vốn điều lệ).

Về quy định này, đại diện VietJet cho biết đơn vị đề nghị nâng mức vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các hãng hàng không Việt Nam từ 30% lên 49% nhằm tạo điều kiện huy động vốn hiệu quả để các hãng hàng không Việt Nam có thể phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trái ngược lại, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đề nghị giữ nguyên mức vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các hãng hàng không Việt Nam là 30%. Nguyên nhân, hai hãng lo sợ nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 35% vốn điều lệ có quyền phủ quyết các nghị quyết của đại hội cổ đông theo Luật Doanh nghiệp, gây khó khăn cho hoạt động quản lý, điều hành doanh nghiệp của hãng hàng không Việt Nam.

Ngoài ra, nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng không nội địa khi các nhà đầu tư, đặc biệt khi nhà đầu tư là hãng hàng không nắm giữ tỷ lệ 49% vốn điều lệ, dẫn đến việc thành lập các hãng hàng không khống (trên giấy) chỉ để bán cổ phần thu lợi.

Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải cho rằng đối với quy định về hạn chế tỷ lệ vốn đối với nhà đầu tư nước ngoài trong hãng hàng không của Việt Nam có liên quan đến quan điểm và chính sách của Nhà nước về đầu tư, bảo hộ của thị trường vận tải hàng không.

Tuy nhiên, nhu cầu vận tải hàng không đi/đến một quốc gia, đặc biệt là vận chuyển nội địa được xem là một nguồn tài nguyên, chính vì vậy việc hạn chế tỷ lệ vốn của nước ngoài trong hãng hàng không Việt Nam phải thể chế hóa quan điểm về chính sách đầu tư vào thị trường vận tải hàng không, bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư trong nước.

Ngoài ra, việc xem xét, nghiên cứu để đưa ra một giới hạn tỷ lệ % vốn của hãng hàng không do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ phải bảo đảm sự tuân thủ các hiệp định hàng không mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm được quyền lợi của nhà đầu tư trong nước, đồng thời có tính đến yếu tố thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường vận tải hàng không nội địa.

Tin mới lên