Thị trường

30.000 gian hàng trên 'chợ' điện tử trục lợi từ Covid-19

Các sàn thương mại điện tử đã rà soát 223.597 gian hàng và 1.001.441 sản phẩm. Qua đó đã xử lý trên 30.000 gian hàng với gần 48.000 sản phẩm vi phạm.

30.000 gian hàng trên 'chợ' điện tử trục lợi từ Covid-19

Các sàn thương mại điện tử đã xử lý hàng trăm gian hàng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá - Ảnh: TN

Hiện tại các sàn thương mại điện tử như: Shopee.vn, Lazada.vn, Tiki.vn, chotot.com, vatgia.com, fado.vn... đang rà soát và thông báo tới người bán về việc không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá các sản phẩm hàng hóa phục vụ phòng dịch gây mất ổn định thị trường.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết Shopee.vn đã chủ động rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm, hàng hóa đăng bán có mức giá cao bất thường so với giá thị trường liên quan đến khẩu trang/các mặt hàng thiết yếu trong công tác phòng dịch; đồng thời triển khai quy trình kiểm soát tự động bằng từ khóa đối với các hàng hóa đăng bán mới có liên quan.

Cụ thể, với mặt hàng khẩu trang/khẩu trang y tế, Shopee đã xử lý trên 2.000 gian hàng và gần 3.000 sản phẩm vi phạm. Với dung dịch/gel rửa tay khô đã xử lý trên 300 gian hàng và trên 400 sản phẩm vi phạm.

Trên tiki.vn, với khẩu trang/khẩu trang y tế, sàn này đã xử lý trên 22 gian hàng và trên 500 sản phẩm vi phạm. Với dung dịch/gel rửa tay khô, tiki đã xử lý trên 12 gian hàng và gần 300 sản phẩm vi phạm.

Trong khi đó, Lazada cho biết đã gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm do nâng giá bán, gửi email thông báo đến nhà bán hàng và yêu cầu người bán điều chỉnh giá bán phù hợp nếu không sẽ trừ điểm gian hàng hoặc đóng gian hàng.

Đơn vị này đã xử lý trên 100 gian hàng và gần 300 sản phẩm khẩu trang vi phạm. Với dung dịch/gel rửa tay khô, Lazada đã xử lý gần 20 gian hàng và trên 40 sản phẩm vi phạm.

Chotot.com cho biết đã triển khai quy trình kiểm soát tự động bằng từ khóa đối với các hàng hóa đăng bán mới có liên quan. Qua đó, có trên 150 gian hàng và gần 200 sản phẩm khẩu trang vi phạm. Với dung dịch/gel rửa tay khô, đã xử lý gần 80 gian hàng và gần 90 sản phẩm vi phạm.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2019 do Google và Temasek công bố, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện đạt 5 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 81%.

Nhận thấy nhu cầu mua hàng trực tuyến của người dân Việt Nam là rất lớn. Thời gian qua, giá cả hàng hóa trên các sàn thương mại đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, các sàn thương mại điện tử hiện đang chạy đua để cải thiện chất lượng trong khâu giao hàng, bằng nhiều chiến lược khác nhau.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết trong năm 2020, Bộ Công Thương sẽ tăng cường trách nhiệm của chủ các sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc loại bỏ thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; các mô hình kinh doanh mới và quản lý thương mại xuyên biên giới.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng sẽ đa dạng hóa việc tiếp nhận phản ánh, tố cáo về hàng giả, hàng nhái, nhất là phản ánh trực tuyến thông qua Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử (online.gov.vn); triển khai giải pháp tổng thể thí điểm quốc gia về quản lý, giám sát và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Tin mới lên