Ngân hàng

350.000 tỷ nợ xấu trước nguy cơ nằm ngoài nghị quyết xử lý nợ xấu

(VNF) – Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, dự kiến nợ xấu phát sinh thêm trong 5 năm tới 2017 - 2022 khoảng 350 nghìn tỷ đồng. Đồng nghĩa, nếu chỉ xử lý nợ xấu trước ngày 31/12/2016 thì 350 nghìn tỷ nợ xấu như ước tính của Thống đốc sẽ đứng trước nguy cơ nằm ngoài nghị quyết xử lý nợ xấu.

350.000 tỷ nợ xấu trước nguy cơ nằm ngoài nghị quyết xử lý nợ xấu

350.000 tỷ nợ xấu đang đứng trước nguy cơ nằm ngoài nghị quyết xử lý nợ xấu

Tại phiên thảo luận lần 2 tại hội trường Quốc hội về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu, một trong những vấn đề nóng bỏng nhất còn nhiều ý kiến trái chiều là giới hạn về phạm vi xử lý lý nợ xấu theo Nghị quyết.

Hiện Nghị quyết vẫn bỏ ngỏ giới hạn về phạm vi xử lý nợ xấu khi đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là xử lý nợ xấu đối với cả nợ xấu phát sinh trước ngày 31/12/2016 và nợ xấu phát sinh trong thời hạn thực hiện Nghị quyết (dự kiến là 5 năm), trong khi đó, phương án 2 là chỉ xử lý nợ xấu phát sinh trước ngày 31/12/2016.

ĐBQH Mai Hồng Hải đoàn TP. Hải Phòng cho rằng, phạm vi Nghị quyết nên quy định theo phương án 1 để tránh cùng nợ xấu trong thời hiệu của nghị quyết nhưng lại xử lý khác nhau, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý tối đa nợ xấu.

Cùng ý kiến, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đoàn Quảng Bình bày tỏ sự không đồng tình với phương án 2. Đại biểu Phương cho rằng, đã là nợ xấu thì nợ trước 31/12/2016 hay là sau 2016 đều là nợ xấu. Nếu nợ xấu sau năm 2016 không được xử lý thì xử lý theo quy định nào. Như vậy, cùng một chế độ, cùng một nhà nước, một loại nợ xấu nhưng chính sách áp luật pháp xử lý nợ xấu lại khác nhau.

Xử lý nợ xấu

Nhiều ĐBQH lo ngại xử lý nợ xấu sẽ không đồng bộ nếu quy định phạm vi xử lý nợ xấu của Nghị quyết là trước ngày 31/12/2016

Trong khi đó, ĐBQH Trần Văn Minh đoàn Quảng Ninh lại cho rằng, phạm vi điều chỉnh của phương án 1 là quá rộng, không phù hợp, làm giảm trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong quan hệ tín dụng.

"Tôi nghĩ không nên vô tình để nghị quyết chúng ta ban hành này thành "lá bùa chống lưng" cho những sai phạm hoặc ít nhất thiếu trách nhiệm trong quan hệ tín dụng trước đây lại tiếp tục có cơ hội để tái diễn", đại biểu Minh nêu quan điểm.

Mặt khác, theo đại biểu Minh, nghị quyết này thí điểm mà trong dự thảo nghị quyết ghi rất rõ là thí điểm, do vậy việc khuôn lại phạm vi điều chỉnh để kiểm nghiệm chính sách mới phù hợp. Bên cạnh đó, như đã trình bày ở trên nghị quyết này là giải pháp đặc thù để giải quyết tình  huống đặc thù về nợ xấu trong giai đoạn trước đây.

Với các lý do đó, đại biểu Minh đề nghị giới hạn lại phạm vi của nghị quyết chỉ xử lý đối với các khoản nợ xấu tính đến ngày 31/12/2016 như phương án 2 của dự thảo.

Đồng quan điểm với đại biểu Trần Văn Minh, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đoàn Bến Tre cũng nhất trí với phương án 2 là chỉ xử lý các nợ xấu đến 31/12/2016, không nên kéo dài.

Ở một quan điểm khác, ĐBQH Bùi Thanh Tùng đoàn Hải Phòng lại lựa chọn phương án 1 theo gợi ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đại biểu Tùng, lựa chọn như vậy là để đảm bảo hành lang pháp lý một cách đồng bộ để xử lý những nợ xấu phát sinh trước thời điểm 31/12/2016, cũng như những nợ xấu phát sinh trong thời gian nghị quyết có hiệu lực như giải trình của đồng chí Thống đốc Ngân hàng nhà nước tại phiên thảo luận 7/6.

Khá bất ngờ, ĐHQH Trần Sỹ Thanh đoàn Lạng Sơn lại đề xuất phương án khác hẳn là giới hạn phạm vi xử lý nợ xấu đến ngày 31/12/2017. Đại biểu Thanh cho rằng nếu theo phương án 2 là đến 31/12/2016 thì chỉ giải quyết được 300.000 tỷ nợ xấu, như vậy không đạt mục tiêu, còn nếu theo phương án 1 thì không xác định được con số cụ thể xử lý nợ xấu, như vậy sẽ không thể kiểm soát được.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng đoàn Bình Dương bày tỏ đồng tình với hiệu lực khoanh nợ từ ngày 31/12/2017 như đề xuất của đại biểu Thanh đoàn Lạng Sơn. Đại biểu Hồng thậm chí còn đề xuất lùi hiệu lực Nghị quyết lại đến ngày 1/1/2018 thay vì ngày 1/7/2017.

Xử lý nợ xấu

Nhiều ĐBQH khác ủng hộ giới hạn phạm vi xử lý nợ xấu trước ngày 31/12/2016 vì cho rằng Nghị quyết xử lý nợ xấu chỉ là tạm thời, thí điểm, nếu kéo dài có thể gây ra ỷ lại, thiếu trách nhiệm tại các TCTD

Còn với ĐBQH Trần Hoàng Ngân đoàn TP.HCM, ông ủng hộ phương án 1, tức là không phân biệt thời gian bởi ông cho rằng, khi còn hoạt động tín dụng thì chắc chắn còn nợ xấu.

"Nếu chúng ta quy định thời gian thì tới đây cũng có thể xuất hiện thêm Nghị quyết nữa rất tốn công sức của đại biểu Quốc hội", đại biểu Ngân nhìn nhận.

Khác với đại biểu Ngân, ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn – Phó Tổng thư ký Quốc hội lại đồng tình với phương án 2 vì cho rằng Nghị quyết xử lý nợ xấu là một nghị quyết rất đặc biệt của Quốc hội, để xử lý tình trạng cũng rất đặc biệt.

"Nếu không chốt được thời điểm nợ xấu đến trước ngày 31/12/2016 thì trong năm 2017 khi kinh tế thế giới đã phục hồi, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến rất tích cực, tăng trưởng ở mức khá, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành đã tạo điều kiện ổn định hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, tình hình đó có phải là tình hình đặc biệt cần phải xử lý tiếp tục không?", đại biểu Toàn đặt câu hỏi.

Giải trình về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, theo tính toán, trong điều kiện áp dụng đồng bộ các giải pháp hạn chế nợ xấu thì trung bình nợ xấu mới phát sinh hàng năm khoảng từ 1,3 - 1,5% trên tổng dư nợ và cho vay đầu tư đối với nền kinh tế, chủ yếu do các nguyên nhân khách quan và một số nguyên nhân chủ quan.

"Với mục tiêu tăng trưởng tổng dư nợ cho vay đầu tư đối với nền kinh tế bình quân hàng năm khoảng 16%, dự kiến nợ xấu phát sinh thêm trong 5 năm tới 2017 - 2022 khoảng 350 nghìn tỷ đồng", Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Thống đốc Lê Minh Hưng

Thống đốc ước tính nợ xấu phát sinh thêm trong 5 năm tới 2017 - 2022 là khoảng 350 nghìn tỷ đồng

Thống đốc cho biết thêm, để duy trì mục tiêu kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 3%, tổng nợ xấu cần xử lý trong 6 năm tới là khoảng 640 nghìn tỷ.

"Như vậy nếu chỉ giới hạn xử lý nợ xấu đã ghi nhận đến 31/12/2016 thì số nợ xấu mới phát sinh trong thời gian nghị quyết có hiệu lực sẽ tiếp tục gặp vướng mắc về cơ chế", người đứng đầu ngành ngân hàng đánh giá.

Thống đốc cũng nêu thêm nhận định, rằng một tổ chức tín dụng những khoản nợ xấu được khoanh đến ngày 31/12 thì xử lý theo cơ chế của nghị quyết này, còn những khoản nợ xấu phát sinh sau thì áp dụng theo các quy định hiện hành là rất bất cập.

Tin mới lên