Ngân hàng

4 năm chính sách tiền tệ và những ‘lát cắt’ (kỳ 1): Tín dụng

(VNF) – Cùng VietnamFinance nhìn lại chính sách tiền tệ của Việt Nam từ năm 2014 tới nay – giai đoạn chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ Thống đốc. Đầu tiên là "lát cắt" tín dụng.

4 năm chính sách tiền tệ và những ‘lát cắt’ (kỳ 1): Tín dụng

Mỗi năm, tín dụng lại có những diễn biến đặc biệt riêng mang dấu ấn của Thống đốc thời kỳ đó

Vài tháng trở lại đây, dư luận được phen "quay cuồng" với tăng trưởng tín dụng. Mục tiêu tăng trưởng 17-18% đặt ra hồi đầu năm đối mặt với thử thách lớn khi GDP nửa đầu năm 2017 chỉ tăng vỏn vẹn 5,73%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu GDP 6,7% cả năm.

Trước tình cảnh này, giữa tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gợi ý Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể nới mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên 21-22% nhằm kích GDP. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, rằng ngành ngân hàng sẽ phải đẩy bao nhiêu "trăm nghìn tỷ" tín dụng trong những tháng cuối năm, rằng với tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn còn cách rất xa "mục tiêu 21-22%" thì ngành ngân hàng khó lòng cán "đích" cuối năm, rằng NHNN sẽ giải quyết thế nào với vấn đề lạm phát khi đẩy tăng trưởng tín dụng lên quá cao.

Thế nhưng khá bất ngờ, tăng trưởng GDP quý III lại lên tới 7,46%, xoa dịu tốc độ tăng GDP "chậm hơn dự kiến" của 2 quý trước đó.

Lúc này, trên phương diện của NHNN, việc đẩy tốc độ tăng trưởng tín dụng nhằm thúc GDP đã không còn là lựa chọn cấp bách.

Trả lời chất vấn lần đầu tiên tại hội trường Quốc hội ngày 16/11, Thống đốc Lê Minh Hưng đã giải thích rõ, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% không phải là chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh NHNN không yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá.

Cách đây 4 năm, tăng trưởng tín dụng cũng là một bài toán nan giải đối với NHNN.

Sau hai năm 2012 – 2013 tăng trưởng GDP khá thấp, lần lượt đạt 5,25% và 5,42%, việc duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức khá là điều NHNN buộc phải làm nhằm thúc đẩy hay ít nhất là duy trì đà tăng của nền kinh tế. Tuy nhiên, năm 2014, mọi chuyện không hề dễ dàng.

Đầu tháng 7/2014, bà Nguyễn Thị Hồng (thời điểm đó vẫn còn là Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ trước khi được bổ nhiệm giữ chức Phó Thống đốc hơn 1 tháng sau đó) tiết lộ, 5 tháng đầu năm 2014, tín dụng chung đối với nền kinh tế chỉ tăng vỏn vẹn 1,51%, trong đó, riêng tín dụng ngoại tệ đã tăng tới 9,35%.

Tình huống khá đáng ngại đang xảy ra: tín dụng VND tăng không đáng kể, thậm chí thụt lùi so với đầu năm, kéo theo NHNN buộc phải thúc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ để đẩy tăng trưởng tín dụng chung.

Mặc dù NHNN Trung ương không tiếp tục công bố các thông tin tăng trưởng tín dụng VND và ngoại tệ nhưng số liệu từ NHNN Chi nhánh TP.HCM cho thấy, ước 8 tháng đầu năm 2014, tín dụng chung của các ngân hàng trên địa bàn thành phố tăng 4,68% so với đầu năm, trong đó, tín dụng ngoại tệ tăng tới 11%.

Nhờ thúc tín dụng ngoại tệ, cuối năm 2014, NHNN đã hoàn thành vượt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% đặt ra hồi đầu năm, đạt 14,16%.

Điểm nhấn tín dụng năm 2014 là việc NHNN phải dựa rất nhiều vào tăng trưởng tín dụng ngoại tệ nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng chung

Sang năm 2015, tăng trưởng tín dụng đã "dễ thở" hơn. NHNN đạt tăng trưởng tín dụng 17,26% không mấy khó khăn, vượt khá xa mục tiêu 13-15% ban đầu, là nguyên nhân quan trọng khiến GDP tăng trưởng khả quan 6,68%. Một phần thuận lợi đến từ chủ trương đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, BTO của Chính phủ và việc thị trường bất động sản phục hồi. Kết quả năm 2015, tăng trưởng tín dụng của riêng lĩnh vực xây dựng lên đến 18,96%, cao hơn hầu hết các lĩnh vực khác và vượt xa con số 9,63% của năm 2014.

Tuy nhiên, NHNN đã tỏ ra khá thận trọng khi nhận định rằng, những thuận lợi trên (về chủ trương dồn tín dụng vào BOT, BT, BTO) mặc dù đóng góp tích cực vào tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ phát triển kinh tế trong dài hạn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro lãi suất, thanh khoản nhất định đối với hệ thống ngân hàng do gia tăng chênh lệch kỳ hạn giữa huy động và cho vay.

Năm 2015, NHNN cũng khá thành công trong việc xử lý hệ quả tăng trưởng tín dụng dựa quá nhiều vào ngoại tệ năm trước. Tăng trưởng tín dụng ngoại tệ năm 2015 giảm tới 13,4%, bù lại, tăng trưởng tín dụng VND lên đến 23,4%.

Ngay từ năm 2015, NHNN đã nhận định rằng chủ trương dồn tín dụng vào BOT, BT, BTO tiềm ẩn rủi ro lãi suất, thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng

Tháng 4/2016, ông Lê Minh Hưng chính thức thay thế vị trí Thống đốc của ông Nguyễn Văn Bình. Ngay năm đầu tiên, tân Thống đốc đã để lại những dấu ấn riêng trong việc điều hành tín dụng.

Bên cạnh việc "ghi điểm" bằng tốc độ tăng trưởng tín dụng lên đến 18,25% cả năm 2016, cao nhất trong vòng 7 năm thì còn một dấu ấn khác trong năm đầu tiên ông Hưng nhậm chức, đó là việc "nắn" dòng vốn tín dụng chảy mạnh hơn vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm.

Cụ thể, năm 2016, tăng trưởng tín dụng bình quân 5 lĩnh vực kinh tế trọng điểm bao gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp; Xây dựng; Thương mại; Vận tải và Viễn thông đạt mức 16,16%, chỉ kém 2,09 điểm% so với tăng trưởng tín dụng chung.

Trong khi đó, năm 2014, tăng trưởng tín dụng bình quân 5 lĩnh vực kinh tế trọng điểm chỉ ở mức 11,6%, kém tới 5,66 điểm% so với tăng trưởng tín dụng chung. Còn với năm 2015, mức chênh lệch là 6,08 điểm%.

Một dấu ấn khác của Thống đốc Hưng trong năm 2016 là việc duy trì cơ cấu tín dụng VND/ngoại tệ ở mức hợp lý. Dư nợ tín dụng VND từ chỗ chiếm 90,4% năm 2015 đã tăng lên 91% năm 2016, tương ứng, dư nợ tín dụng ngoại tệ giảm từ 9,6% xuống 9%.

Thống đốc Lê Minh Hưng nhanh chóng tạo ra dấu ấn riêng trong điều hành tín dụng ngay năm đầu nhậm chức và tiếp tục tạo dấu ấn đậm nét trong năm 2017

Quay trở lại năm 2017, theo thông tin từ Thống đốc, tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm 2017 đã đạt 13,66%, tương đối khớp với số liệu ước tính của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (13,5%).

Số liệu của ủy ban này cho thấy, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đến cuối tháng 10 là 11,5%, dù vẫn thấp hơn mức tăng bình quân nhưng cao hơn rất nhiều mức tăng 4,4% cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh thị trường ngoại hối ổn định, "tấm đệm" mang tên dự trữ ngoại hối đang ở mức kỷ lục 46 tỷ USD, động thái nới lỏng cho vay ngoại tệ của NHNN là khá hợp lý. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ ở mức quá thấp thì vừa không cần thiết, lại vừa ảnh hưởng đến việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung.

Ở một khía cạnh khác, năm 2017, Thống đốc Lê Minh Hưng vẫn đang tiếp tục chiến lược "nắn" dòng vốn tín dụng vào 5 lĩnh vực kinh tế trọng điểm và đã tạo ra bước ngoặt. Số liệu 8 tháng đầu năm 2017 từ NHNN cho thấy, tăng trưởng tín dụng của 5 lĩnh vực kinh tế này lên đến 14,78%, cao hơn 3,98 điểm% so với mức tăng trưởng tín dụng chung là 10,8%.

Đây có thể coi là dấu ấn đậm nét của ông Hưng, bởi như đã trình bày ở trên, năm 2015, đặc biệt là năm 2014 và năm 2013, tăng trưởng tín dụng của 5 lĩnh vực kinh tế trọng điểm đều thấp hơn khá nhiều mức tăng trưởng tín dụng chung.

Xét riêng về điều hành tín dụng, rõ ràng Thống đốc Lê Minh Hưng đang đi con đường riêng và đậm dấu ấn theo chiều hướng tích cực.

Tin mới lên