Ngân hàng

4 năm chính sách tiền tệ và những ‘lát cắt’ (kỳ 2): Huy động

(VNF) – Cùng VietnamFinance nhìn lại chính sách tiền tệ của Việt Nam từ năm 2014 tới nay – giai đoạn chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ Thống đốc. Thứ hai là "lát cắt" huy động.

4 năm chính sách tiền tệ và những ‘lát cắt’ (kỳ 2): Huy động

Huy động vốn không phải là bài toán khó đối với ngành ngân hàng Việt Nam

Huy động vốn: 4 năm nhìn lại

Tăng trưởng huy động vốn lâu nay không phải là bài toán khó với ngành ngân hàng bởi đặc thù tâm lý người dân Việt Nam là trọng tính an toàn và chuyện phá sản ngân hàng vẫn còn nằm trên lý thuyết (kể cả khi xét đến các trường hợp như ngân hàng Nam Đô, Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Hoa); hơn nữa, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… cũng chưa thực sự lôi kéo được đông đảo người dân để trở thành đối trọng với kênh ngân hàng.

Vì thế, trên phương diện vĩ mô, diễn biến huy động vốn hàng năm thường ít điểm nhấn.

Năm 2014, huy động vốn toàn ngành ngân hàng tăng 17%, mặc dù thấp hơn so với mức tăng năm 2012-2013 nhưng vẫn là mức tăng tốt ngay cả khi lãi suất huy động được điều chỉnh giảm. Tín hiệu này một lần nữa chứng minh kênh đầu tư gửi tiền tại hệ thống ngân hàng vẫn luôn hấp dẫn.

Tính đến cuối năm 2014, huy động vốn VND và ngoại tệ lần lượt tăng 19,2% và 3,1% (năm 2013 tăng tương ứng 20,6% và 15,7%). Tỷ trọng huy động vốn VND và ngoại tệ lần lượt là 87,6% và 12,4% (năm 2013: 85,9% và 14,1%), phù hợp với chủ trương giảm "đô la hóa" trong nền kinh tế.

Sang năm 2015, tăng trưởng huy động vốn đạt 16,2%. Trong bối cảnh lãi suất VND duy trì ở mức thấp và lãi suất huy động USD đối với tổ chức và cá nhân được điều chỉnh giảm xuống 0% vào cuối năm 2015, huy động vốn VND đạt tốc độ tăng 16,4%, cao hơn tốc độ tăng 14,8% của huy động ngoại tệ.

Tỷ trọng huy động vốn của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước tăng, nhóm các tổ chức tín dụng (TCTD) khác giảm, cụ thể, huy động của nhóm NHTM Nhà nước (không bao gồm NHCSXH) chiếm 45,5% tổng mức huy động vốn toàn hệ thống (năm 2014: 43%); nhóm các TCTD khác chiếm 53,7% (năm 2014: 55,6%); NHCSXH chỉ chiếm 0,8% tổng huy động vốn toàn ngành.

Đặt trần lãi suất huy động 0% đối với USD là điểm nhấn chính sách tiền tệ nổi bật trong 4 năm qua

Năm 2016, tăng trưởng huy động ước đạt khoảng 19%. Huy động theo VND tăng cao; huy động ngoại tệ giảm mạnh.

Cụ thể, huy động bằng VND ước tăng 23% và chiếm tỷ trọng 89,5% tổng vốn huy động. Huy động ngoại tệ ước giảm khoảng 7,0% so với cuối năm 2015 và chiếm khoảng 10,5% tổng vốn huy động.

Việc huy động ngoại tệ giảm mạnh là nằm trong tính toán bởi lãi suất huy động USD đã giảm về mức 0% từ cuối năm 2015.

Thị phần huy động của nhóm NHTM cổ phần tăng từ 39,7% lên 42,9%, trong khi nhóm NHTM Nhà Nước giảm từ 53,2% xuống 49,1%. Biên độ dao động thị phần khá mạnh theo hướng ngày càng tiến về gần nhau cho thấy nhóm NHTM cổ phần đang tạo ra sự bứt phá nhất định và ngày thị phần ngang nhau sẽ không còn xa.

10 tháng đầu năm 2017, huy động vốn tuy giảm so với cùng năm trước nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng khá, ước tăng 12% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 14,7%).

Trong khi đó, huy động ngoại tệ tăng 3,7%, chiếm khoảng 10,1% tổng huy động. Huy động vốn bằng VND ước tăng 13%, chiếm 89,9% tổng huy động. Tiền đồng ngày càng lấn ất ngoại tệ.

Liệu có rủi ro?

Nếu đặt huy động vốn đứng một mình thì khá khó để thấy rủi ro, bởi như đã nói, tại Việt Nam, ngân hàng luôn là kênh hút tiền số 1 và gần như chưa có đối trọng. Nhưng nếu đặt huy động vốn trong tương quan với tín dụng thì diễn biến rủi ro sẽ hiện lên rõ ràng hơn.

Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động là chỉ tiêu rõ ràng nhất phản ánh mối tương quan này. Chỉ tiêu này càng cao, đồng nghĩa lượng tiền vốn từ huy động được dồn vào tín dụng càng nhiều, rủi ro theo đó càng lớn (do tín dụng là tài sản có tính thanh khoản thấp, độ rủi ro cao).

Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động giai đoạn tháng 6/2015 – tháng 8/2017

Dữ liệu thống kê công khai của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không đề cập đến năm 2014 và nửa đầu năm 2015. Tuy nhiên, nhìn vào giai đoạn từ tháng 6/2015 đến tháng 8/2017 cũng có thể mường tượng ra khá rõ diễn biến rủi ro huy động/tín dụng.

Cụ thể, nếu như nửa cuối năm 2015, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động ở mức khá cao, trên 88,5% thì sang năm 2016, tỷ lệ này đã giảm mạnh và duy trì ở mức thấp, dưới 87% suốt từ tháng 5 đến tháng 11. Năm 2017, tỷ lệ này lại tiếp tục tăng lên và duy trì ở mức trên 88%.

Tóm lược, mức độ rủi ro của huy động trong tương quan với tín dụng thấp nhất ở năm 2016 – năm đầu tiên ông Lê Minh Hưng nhậm chức Thống đốc NHNN (bắt đầu từ tháng 4/2016).

Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động nếu xét trên toàn hệ thống mặc dù cho thấy diễn biến rủi ro, nhưng khó lòng cho thấy cường độ rủi ro bởi quy định pháp luật về giới hạn tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động ở mỗi nhóm tổ chức tín dụng là mỗi khác. Vì thế, cần phải xét riêng 2 nhóm chính: nhóm NHTM Nhà nước và nhóm NHTM Cổ phần.

Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động của nhóm NHTM Nhà nước

Ở nhóm NHTM Nhà nước, giới hạn tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động được NHNN đặt ra là thấp hơn 90%. Theo số liệu mà NHNN công bố, tỷ lệ này ở nhóm NHTM Nhà nước luôn cao hơn nhiều mốc 90%, thấp nhất là tháng 9/2016 với 92,89% và cao nhất là tháng 1/2016 lên đến 99,11%. Nhóm NHTM Nhà nước dường như từ lâu đã "nhờn" với giới hạn rủi ro trong cân đối huy động – tín dụng.

Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động của nhóm NHTM Cổ phần

Còn ở nhóm NHTM Cổ phần, giới hạn tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động được NHNN đặt ra là thấp hơn 80%. Căn cứ vào số liệu của NHNN, trước tháng 12/2016, tỷ lệ này tại các NHTM Cổ phần vẫn thấp hơn 80%, tuy nhiên từ tháng 12/2016, tỷ lệ này luôn duy trì ở mức cao hơn "trần", cho thấy nhóm này đang đẩy rất mạnh tăng trưởng tín dụng nhằm thúc đẩy lợi nhuận, chấp nhận phần nào rủi ro trong cân đối huy động – tín dụng.

Có thể thấy, rủi ro huy động vốn trong tương quan với tín dụng vẫn đang hiện hữu khá lớn trong hệ thống ngân hàng.

Tin mới lên