Ngân hàng

4 năm chính sách tiền tệ và những ‘lát cắt’ (Kỳ 3): Lãi suất

(VNF) - Cùng VietnamFinance nhìn lại chính sách tiền tệ của Việt Nam từ năm 2014 tới nay – giai đoạn chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ Thống đốc. "Lát cắt" thứ ba chúng tôi muốn đề cập đến là lãi suất.

4 năm chính sách tiền tệ và những ‘lát cắt’ (Kỳ 3): Lãi suất

Lãi suất ngân hàng liên tục giảm trong vòng 4 năm trở lại đây

Nếu phải bình chọn đâu là thành công lớn nhất trong chính sách tiền tệ 4 năm trở lại đây thì giảm lãi suất chắc chắn là sự lựa chọn hàng đầu.

Trong lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại hội trường Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng thông tin, từ năm 2011 đến 2016, lãi suất huy động đã giảm từ 7-10 điểm%; lãi suất cho vay còn giảm mạnh hơn từ 10 – 11%. Đây đều là những con số rất ấn tượng và phần nào cho thấy nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp.

Năm 2014

Thực tế, sau những lần giảm lãi suất mạnh năm 2012, 2013 nhằm ổn định lại kinh tế vĩ mô vốn đang khó khăn, định hình lại đường cong lãi suất thì sang năm 2014, đường cong lãi suất đã thể hiện rõ nét sau khi lãi suất huy động kỳ hạn ngắn giảm nhanh. Các tổ chức tín dụng (TCTD) huy động được nguồn vốn kỳ hạn dài và ổn định hơn, rủi ro chênh lệch kỳ hạn giữa tài sản có và tài sản nợ cũng được giảm thiểu.

Chi tiết hơn, lãi suất huy động giảm khoảng 1,5-2%/năm, lãi suất cho vay giảm khoảng 2%/năm, đưa mặt bằng lãi suất trở về mức thấp hơn giai đoạn 2005-2006 là giai đoạn kinh tế vĩ mô ổn định.

Năm 2014, mặt bằng lãi suất đã về mức thấp hơn giai đoạn 2005 – 2006 là giai đoạn kinh tế vĩ mô ổn định

Đối với USD, mặt bằng lãi suất huy động phổ biến bằng mức trần do Ngân hàng Nhà nước quy định là 0,25%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và 0,75%/ năm đối với tiền gửi của dân cư.

Để đạt được những thành quả trên, năm 2014, NHNN đã giảm các mức lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng giảm từ 8%/ năm xuống 7,5%/năm); giảm trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 1,2%/năm xuống 1%/năm (từ ngày 18/3/2014); giảm 2 lần trần lãi suất huy động bằng VND đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 7%/năm xuống 6%/năm (ngày 18/3/2014) và xuống 5,5%/năm (ngày 29/10/2014).

Cùng với đó là giảm trần lãi suất tiền gửi USD của cá nhân từ 1,25%/năm xuống 1%/năm từ ngày 18/3/2014 và giảm tiếp xuống 0,75%/năm từ ngày 29/10/2014; giữ ổn định trần lãi suất huy động bằng USD đối với tiền gửi của tổ chức ở mức 0,25%/năm; giảm 2 lần trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực chiến lược trong phát triển kinh tế từ mức 9%/năm xuống 7%/ năm.

NHNN cũng yêu cầu các TCTD rà soát điều chỉnh giảm lãi suất cho vay các khoản vay cũ về mức dưới 13%/ năm trên cơ sở khả năng tài chính để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và hộ dân.

Năm 2015

Trong điều kiện lạm phát ổn định ở mức thấp, thanh khoản được đảm bảo, các TCTD đã tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay.

Cụ thể, lãi suất huy động giảm khoảng 0,2-0,5%/năm so với cuối năm 2014, lãi suất cho vay giảm khoảng 0,3-0,5%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn giảm khoảng 0,3%/năm, lãi suất trung và dài hạn giảm khoảng 0,3-0,5%/năm.

Tại thời điểm cuối năm 2015, lãi suất huy động USD của cá nhân và tổ chức đều ở mức 0%/năm theo quy định mới của NHNN.

Trong năm, các mức lãi suất điều hành được giữ nguyên ở mức 6,5%/năm đối với lãi suất tái cấp vốn, 4,5%/năm đối với lãi suất tái chiết khấu, 7,5%/năm đối với lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng; trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn bằng VND dưới 1 tháng ở mức 1%/năm, trần lãi suất tiền gửi bằng VND có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5,5%/năm, trần lãi suất tiền gửi bằng USD giảm xuống 0%/năm từ tháng 9/2015 đối với tổ chức và từ tháng 12/2015 đối với cá nhân.

Năm 2016

Năm 2016, trước tình hình thanh khoản dồi dào và các yếu tố thuận lợi từ kinh tế vĩ mô, từ cuối tháng 9, lãi suất huy động điều chỉnh giảm 0,3-0,5% ở các kỳ hạn ngắn, lãi suất cho vay cũng đã ghi nhận giảm ở một số ngân hàng với mức lãi suất giảm từ 0,2-0,5% ở các kỳ hạn. Đặc biệt, các NHTM Nhà Nước lớn đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 0,5% - 1%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư và khởi nghiệp, lãi suất đối với 5 lĩnh vực ưu tiên về sát mức 6%/năm.

Tuy nhiên, mặc dù thanh khoản trên thị trường 2 (TT2) khá dồi dào, lãi suất có tín hiệu giảm nhưng mặt bằng lãi suất chung vẫn chưa được như kỳ vọng. Lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn thị trường cuối năm tăng nhẹ so với đầu năm.

Lãi suất huy động và cho vay bình quân tăng nhẹ vào cuối năm 2016

Nguyên nhân đầu tiên được nhận định là do dư thừa thanh khoản trên TT2 chỉ là trong ngắn hạn, trong khi cơ cấu cho vay chủ yếu là trung, dài hạn.

Thứ hai là có sự phân hóa trong khả năng huy động vốn trên TT2 giữa các TCTD. Một số TCTD yếu kém gặp khó khăn trong việc vay vốn trên TT2 do thiếu tín nhiệm và không đủ tài sản đảm bảo để thực hiện vay đối ứng. Tỷ trọng vốn vay liên ngân hàng/tổng nguồn vốn của các TCTD này rất thấp (dưới 3%). Lãi suất vay tái chiết khấu (4,5%/năm) hoặc tái cấp vốn (6,5%/năm) cũng cao hơn nhiều lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Do đó, các ngân hàng này phải huy động trên TT1 với lãi suất cao hơn các NHTM lớn từ 1,5 % đến 2%/năm dẫn đến tăng mặt bằng lãi suất bình quân toàn thị trường.

Năm 2017

Bước sang năm 2017, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng ghi dấu ấn khi quyết định giảm lãi suất điều hành từ ngày 10/7/2017. Cụ thể, giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng.

Đồng thời, NHNN cũng quyết định giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Ngay sau chỉ đạo của Thống đốc, lãi suất cho vay của tại các TCTD đã đồng loạt giảm. Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.

Tuy nhiên, bước ngược đường với diễn biến lãi suất cho vay, lãi suất huy động cuối năm 2017 tại một số NHTM lớn rục rịch tăng, tương tự như năm 2016. Cụ thể, lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn ngắn tại BIDV, VietinBank đều được điều chỉnh tăng 0,5%; trong khi Sacombank tăng từ 0,1-0,4%. Nhiều khả năng đợt tăng lãi suất này chỉ là cục bộ nhằm đảm bảo duy trì vốn thời điểm cuối năm vốn là lúc nhiều khách hàng tất toán/rút tiền gửi.

Tin mới lên