Tài chính

5 cổ phiếu vốn hóa nghìn tỷ mất hơn 20% giá trị trong tuần đầu tháng 10

(VNF) - VN-Index ghi nhận đợt giảm mạnh trong tuần đầu tiên của tháng 10, kéo theo nhiều cổ phiếu vốn hóa nghìn tỷ cũng giảm sâu.

5 cổ phiếu vốn hóa nghìn tỷ mất hơn 20% giá trị trong tuần đầu tháng 10

5 cổ phiếu vốn hóa nghìn tỷ mất hơn 20% giá trị trong tuần đầu tháng 10

Thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục có tuần giao dịch tiêu cực khi lao dốc mạnh. Chỉ số VN-Index "rơi tự do" ngay phiên giao dịch thứ Hai đầu tuần khi mất gần 46 điểm. Chỉ số tiếp tục giảm điểm trước khi hồi phục vào phiên thứ Tư (5/10/2022). Tuy nhiên, mức độ hồi phục này là không đủ, ở hai phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index giảm lần lượt 29,74 điểm và 38,61 điểm. Tính cho cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng 96,2 điểm, xuống còn 1.035,91 điểm.

Xét cho cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng 96,2 điểm (tương đương 8,5%); HNX-Index giảm 24,16 điểm (giảm 9,65%).

Đáng chú ý, không ít cổ phiếu vốn hóa nghìn tỷ giảm mạnh hơn rất nhiều thị trường chung.

L14 giảm 28%

Cổ phiếu L14 của Công ty cổ phần LICOGI 14 đã giảm 28% trong tuần đầu tiên của tháng 10 từ 72.300 đồng/cổ phiếu mở phiên 3/10/2022 xuống 52.400 đồng/cổ phiếu kết phiên 7/10/2022.

Công ty cổ phần LICOGI 14 hoạt động kinh doanh chính trong các lĩnh vực như thi công xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp, các công trình giao thông, công trình thủy điện và đầu tư kinh doanh bất động sản. Giá trị vốn hóa hiện tại của L14 ở mức 1.617 tỷ đồng.

Luỹ kế nửa đầu năm 2022, doanh thu thuần của L14 vẫn tăng 41% so với cùng kỳ lên 117 tỷ đồng. Song, khấu trừ đi các khoản chi phí, doanh nghiệp lỗ sau thuế gần 234 tỷ đồng, khoản lỗ thuộc về công ty mẹ là hơn 176 tỷ đồng.

Sau những động thái thanh lọc, giám sát thị trường trái phiếu sau sai phạm của Tân Hoàng Minh đã mang đến sóng gió cho thị trường bất động sản. Nhiều cổ phiếu bất động sản tăng nóng trước đó đã liên tục lao dốc mạnh trong đó có L14. L14 cũng “bốc hơi” 77% sau gần 9 tháng và đều đang trôi dần về vùng đáy một năm. Thành quả tăng giá của con sóng đầu cơ trước đó cũng gần như đã bị “thổi bay”.

Đáng chú ý, từ ngày 19/8/2022, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Licogi 14 (HNX: L14) bị HNX đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) do lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 trên báo cáo tài chính bán niên soát xét là số âm. Mặc dù đã dùng thủ thuật để chuyển L14 FI từ công ty con sang công ty liên kết thông qua ESOP, nhưng L14 vẫn không đủ xóa lỗ. Trước đó, doanh nghiệp này từng gây sốc khi lãi kỷ lục hàng trăm tỷ năm 2021 nhờ 2 cổ phiếu DIG và CEO; và hiện nay đang phải "trả lại" khoản lãi này.

CEO giảm 24%

Cổ phiếu CEO của Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O đã giảm 24% trong tuần đầu tiên của tháng 10 từ 21.700 đồng/cổ phiếu mở phiên 3/10/2022 xuống 16.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 7/10/2022.

Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O hoạt động trên ba lĩnh vực kinh doanh trụ cột: Bất động sản, Xây dựng, Dịch vụ. Giá trị vốn hóa hiện tại của CEO ở mức 4.246 tỷ đồng.

Kết thúc quý II, CEO Group ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 44 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 127 tỷ đồng. Riêng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt gần 27 tỷ đồng.

Sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt hơn 718 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 70 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh so với cùng kỳ.

Năm 2022, CEO Group đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 300 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,4 lần và gần 3,7 lần kết quả thực hiện năm 2021. Như vậy, sau 6 tháng, doanh nghiệp mới thực hiện được 24% mục tiêu doanh thu và 23% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Trước đó, ngày 20/4/2021, cổ phiếu CEO bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm trước đó trên báo cáo tài chính hợp nhất của C.E.O Group âm 67 tỷ đồng.

CEO là doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất khá lớn, lên đến 962,1 ha, chủ yếu tập trung vào bất động sản nghỉ dưỡng. Quỹ đất của CEO tập trung ở Phú Quốc (304 ha), Quảng Ninh (383 ha), Hà Nội (44 ha) là những khu vực có nhiều tiềm năng phát triển và khai thác. Nhưng do tiềm lực vốn đầu tư có hạn nên khả năng triển khai dự án của doanh nghiệp còn hạn chế.

BFC giảm 21%

Cổ phiếu BFC của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã giảm 21% trong tuần đầu tiên của tháng 10 từ 23.100 đồng/cổ phiếu mở phiên 3/10/2022 xuống 18.150 đồng/cổ phiếu vào ngày 7/10/2022.

Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm phân bón, với sản phẩm chính phân bón Đầu Trâu. Giá trị vốn hóa hiện tại của BFC ở mức 1.037,6 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Phân bón Bình Điền đạt 4.465 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 181,9 tỷ đồng, giảm 1,7% so với 6 tháng đầu năm 2021. Lợi nhuận trước thuế công ty mẹ là 111,6 tỷ đồng, giảm 5%.

Năm 2022, doanh nghiệp phân bón lên kế hoạch tổng doanh thu 6.428 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 200 tỷ đồng; lần lượt giảm 17% và 46% so với thực hiện năm trước. Tỷ lệ cổ tức dự kiến không thấp hơn 15%. Như vậy, sau 6 tháng, công ty đã hoàn thành 69,5% kế hoạch doanh thu và 91% chỉ tiêu lợi nhuận.

VHC giảm 21%

Cổ phiếu VHC của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đã giảm 21% trong tuần đầu tiên của tháng 10 từ 84.900 đồng/cổ phiếu mở phiên 3/10/2022 xuống 66.700 đồng/cổ phiếu vào ngày 7/10/2022.

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến xuất khẩu cá Tra, Basa đông lạnh với các sản phẩm chính là cá tra, basa, lóc, rô phi, fillet mang thương hiệu Vĩnh hoàn. Đây là công ty dẫn đầu ngành cá tra Việt Nam từ năm 2010 đến nay. Giá trị vốn hóa hiện tại của VHC ở mức 12.231 tỷ đồng.

Gần đây, Vĩnh Hoàn miễn nhiệm chức danh Giám đốc khối chiến lược Công ty đối với bà Lê Ngọc Tiên kể từ ngày 1/10/2022, đồng thời bổ nhiệm bà Lê Ngọc Tiên làm Giám đốc điều hành, đại diện pháp luật tại Công ty Vinh Technology Pte Ltd kể từ ngày 1/10/2022.

Song song với đó, Công ty cũng miễn nhiệm người đại diện pháp luật Công ty Vinh Technology Pte Ltd đối với bà Phan Thị Kim Hòa từ ngày 1/10/2022. Tính tới 30/6/2022, Vĩnh Hoàn sở hữu 100% vốn tại Công ty Vinh Technology Pte Ltd, đơn vị có đại chỉ tại Singapore, hoạt động chính là mua bán xuất nhập khẩu thủy sản, thực phẩm chức năng.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2022, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 4.226,3 tỷ đồng, tăng 80,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 788,1 tỷ đồng, tăng 203% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 18,5% lên 25,9%.

Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 7.493,9 tỷ đồng, tăng 81,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 1.341,4 tỷ đồng, tăng 241,6% so với cùng kỳ.

MIG giảm 21%

Cổ phiếu MIG của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội đã giảm 21% trong tuần đầu tiên của tháng 10 từ 19.500 đồng/cổ phiếu vào mở phiên 3/10/2022 xuống 15.350 đồng/cổ phiếu vào ngày 7/10/2022.

Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội hoạt động chính trên lĩnh vực kinh doanh dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ, bao gồm các nghiệp vụ về bảo hiểm gốc, tái bảo hiểm. Giá trị vốn hóa hiện tại của MIG ở mức 2.524 tỷ đồng.

Phần lớn hoạt động kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều gặp bất lợi vì chi phí “leo thang” trong quý 2 khiến lợi nhuận giật lùi đáng kể. Chi phí kinh doanh bảo hiểm chủ yếu là chi phí bồi thường và chi phí khác tăng đáng kể, khiến lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 25% còn 863 tỷ đồng.

Không những thế, chi phí đầu tư tài chính nhảy vọt gấp 2,1 lần cùng kỳ, lên 703 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp đầu tư tài chính giảm 10% còn 2.228 tỷ đồng.

Dưới áp lực gia tăng từ chi phí, tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ giảm đến 50% còn 623 tỷ đồng.

Riêng với MIG, lợi nhuận nửa đầu năm đạt 85 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý I, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh từ 79 tỷ đồng về 17 tỷ đồng. Nguyên nhân là do lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm và lợi nhuận hoạt động đầu tư cùng giảm.

Tin mới lên