Bất động sản

5 dự án PPP của cao tốc Bắc - Nam có thể phải chuyển sang đầu tư công

Một dự án không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, 4 dự án còn lại nhà đầu tư cũng chưa chắc huy động được vốn, rất có thể 5 dự án PPP của cao tốc Bắc - Nam cũng sẽ phải chuyển sang đầu tư công.

5 dự án PPP của cao tốc Bắc - Nam có thể phải chuyển sang đầu tư công

Việc triển khai cao tốc Bắc - Nam liên tục gặp vướng mắc, chậm tiến độ

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa thừa uỷ quyền Thủ tướng gửi báo cáo Quốc hội về tiến độ dự án đường cao tốc Bắc - Nam.

Theo đó, sau khi huỷ đấu thầu quốc tế tìm nhà đầu tư 5 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP của cao tốc này vào tháng 9/2019, đến tháng 4/2020, Bộ GTVT đã phê duyệt kết quả sơ tuyển đối với 16 nhà đầu tư (dự án ít nhất có 2 nhà đầu tư, nhiều nhất 5 nhà đầu tư).

Đến ngày 20/7, bên mời thầu phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư qua sơ tuyển. Có 14/16 nhà đầu tư đã mua hồ sơ mời thầu.

Đến ngày 5/10, bên mời thầu đã mở thầu toàn bộ 5 gói thầu lựa chọn nhà đầu tư, có sự tham gia của cả đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an - C03).

Chỉ 3 dự án thành phần gồm các đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo có nhà đầu tư đã nộp hồ sơ dự thầu (đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có 2 nhà đầu tư, đoạn Nha Trang - Cam Lâm có 2 nhà đầu tư, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo có 3 nhà đầu tư). 

Do 2 dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ, Bộ GTVT quyết định gia hạn thời điểm đóng thầu đến ngày 12/10, nhưng đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu vẫn không có nhà đầu tư tham gia. 

Theo Bộ GTVT, với 4 dự án đã có nhà thầu nộp hồ sơ, bên mời thầu sẽ đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, trình phê duyệt kết quả đánh giá đề xuất kỹ thuật.

Nhà đầu tư đạt điểm kỹ thuật theo yêu cầu sẽ được tiếp tục mở và đánh giá đề xuất tài chính thông qua phương pháp vốn góp nhà nước để đánh giá về tài chính - thương mại. Các thông số khác như thời gian hoàn vốn, mức giá dịch vụ... sẽ được xác định cố định.

Nhà đầu tư có đề xuất giá trị vốn góp nhà nước thấp nhất và không vượt giá trị vốn góp tối đa của nhà nước đã quy định trong hồ sơ mời thầu sẽ được xem xét đề nghị trúng thầu. Dự kiến sẽ hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12 năm nay.

Tổng dư nợ và cam kết tín dụng đối với các dự án BOT, BT đã chạm tới giới hạn

Tuy nhiên, việc có nhà đầu tư nộp hồ sơ cũng chưa chắc đã chọn được nhà đầu tư cho dự án, khi Bộ GTVT báo cáo thêm hàng loạt khó khăn.

Cụ thể, các tổ chức tín dụng hiện nay chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn, theo Bộ GTVT. Bên cạnh đó, để bảo đảm ổn định chính sách tiền tệ, pháp luật về tín dụng quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn.

Các dự án BOT, BT giao thông có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài... nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các ngân hàng.

Thực tế trong hơn 2 năm qua đã phát sinh những vướng mắc về thu phí, dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến tại các dự án BOT, đến nay chưa được xử lý dứt điểm, nguy cơ phát sinh nợ xấu, phải chuyển nhóm nợ, cơ cấu lại khoản vay... gây rủi ro, tạo áp lực rất lớn cho các tổ chức tín dụng.

Hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại nhà nước đã chạm ngưỡng, tổng dư nợ và cam kết tín dụng đối với các dự án BOT, BT đã chạm tới giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực này.

Theo báo cáo, ngày 18/8, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan về giải pháp tháo gỡ khó khăn về huy động tín dụng cho các dự án PPP trên. Ngày 15.9, Bộ GTVT lại tiếp tục có buổi làm việc cùng với nội dung trên.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, dù “các ngân hàng nhận thức được trách nhiệm” trong việc xem xét, cung cấp tín dụng cho các dự án trên, nhưng “việc cung cấp tín dụng phải thực hiện theo cơ chế thương mại hiện hành”, các ngân hàng tự xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn tín dụng của tổ chức tín dụng.

Như vậy, sau khi có kết quả lựa chọn nhà đầu tư, các ngân hàng thương mại mới thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của các nhà đầu tư, rồi mới quyết định việc cung cấp tín dụng cho các dự án.

“Như vậy, ngay cả trường hợp nhà đầu tư đã được lựa chọn và ký kết hợp đồng, cũng chưa thể khẳng định sẽ huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án”, báo cáo của Bộ GTVT nêu rõ.

Theo yêu cầu tại hồ sơ mời thầu, nhà đầu tư có thời gian tối đa 6 tháng (từ thời điểm ký kết hợp đồng) để huy động vốn tín dụng; trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ hủy hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Với thực tế này, Bộ GTVT “đề xuất” trong trường hợp nhà đầu tư không huy động được nguồn vốn tín dụng để triển khai, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư.

Tin mới lên