Tiêu điểm

5 năm tái cơ cấu nền kinh tế (2016-2020): 3 lĩnh vực trọng tâm 'lỡ hẹn'

(VNF) - Ba trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng vẫn chưa thể hoàn thành trước năm 2019 như mục tiêu đề ra tại nghị quyết của Quốc hội.

5 năm tái cơ cấu nền kinh tế (2016-2020): 3 lĩnh vực trọng tâm 'lỡ hẹn'

5 năm tái cơ cấu nền kinh tế (2016-2020): 3 lĩnh vực trọng tâm 'lỡ hẹn'

Chính phủ vừa có tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025. Trong tờ trình này, Chính phủ đã báo cáo về việc thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, Chính phủ thừa nhận việc triển khai kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020 vẫn còn một số hạn chế, yếu kém; mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng còn chậm.

Các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế còn hạn chế ở 5 nội dung bao gồm:

Thứ nhất, cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm chưa hoàn thành theo mục tiêu kế hoạch đề ra. Hiệu quả đầu tư công chưa cao; giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, nhất là vốn ODA.

Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm; mới chỉ tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng. Chất lượng quản trị doanh nghiệp chưa được cải thiện. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp. Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm.

Thứ hai, thu ngân sách nhà nước chưa thực sự bền vững, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19; còn tình trạng chuyển giá, trốn thuế gây thất thu ngân sách nhà nước. Nợ đọng thuế còn cao. Việc quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công còn bất cập, gây lãng phí, thất thoát. Nợ công còn tiềm ẩn rủi ro. Việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công còn chậm.

Thứ ba, khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu; khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp; mức độ sẵn sàng liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu do đó chưa khai thác hiệu quả các lợi ích do hội nhập quốc tế mang lại.

Mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ thông qua thu hút FDI chưa đạt kết quả mong muốn. Hiệu ứng lan tỏa, tính liên kết của khu vực đầu tư nước ngoài với khu vực trong nước chưa cao.

Thứ tư, việc lập và phê duyệt các quy hoạch còn chậm; hiệu quả của liên kết vùng còn thấp; thế mạnh của các vùng kinh tế trọng điểm chưa được phát huy, chưa đóng góp nhiều vào thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Chuyển dịch cơ cấu các ngành theo hướng nâng cấp chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo diễn ra chậm. Tác động của dịch bệnh Covid-19 đã bộc lộ những hạn chế về khả năng chống chịu của nền kinh tế.

Thứ năm, một số thị trường còn chậm phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Việc kết nối cung- cầu trong thị trường lao động còn hạn chế. Thị trường quyền sử dụng đất, đặc biệt đất nông nghiệp còn nhiều bất cập. Thị trường khoa học công nghệ phát triển còn chậm. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh.

Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết thêm trong số 22 mục tiêu của kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ chưa thực hiện được 5 mục tiêu. Đáng nói, đây đều là những mục tiêu quan trọng chủ yếu liên quan đến khu vực công như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại ba trọng tâm (đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng) đã không hoàn thành mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 là hoàn thành trước năm 2019.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ ra các hạn chế của việc thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 như: cơ cấu lại đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiệu quả đầu tư công chưa cao. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm, chi phí vốn còn cao.

Việc sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước còn chậm tiến độ, đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch, chỉ mới tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được giao.

Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chậm được xử lý dứt điểm, yếu kém trong công tác định giá doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa gây thất thoát vốn, tài sản công.

Công tác đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển biến chậm. Kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Động lực của tăng trưởng là xuất khẩu hàng hóa, trong đó phụ thuộc lớn vào xuất khẩu từ khu vực doanh nghiệp FDI. Việc ban hành và triển khai các loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định tại Luật Quy hoạch còn chậm. 

Phát triển hạ tầng còn thiếu cân đối, đặc biệt là giao thông, mới tập trung chủ yếu vào đường bộ, chưa quan tâm đúng mức đến đường sắt, đường thủy; kết nối còn hạn chế là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng chi phí vận tải logistics.

Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, chưa hiệu quả, chưa tạo được nền tảng để năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Chưa tận dụng được cơ hội chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá làm rõ một số nội dung.

Một là tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ, khả năng thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra tại các phương án, đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng được mua bắt buộc, được kiểm soát đặc biệt; việc kiểm soát, xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng; việc xử lý tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tổ chức tín dụng.

Hai là kết quả khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công; đầu tư dàn trải, tham nhũng, lãng phí, nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Ba là nguyên nhân chậm tiến độ, đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; nguyên nhân một số doanh nghiệp, dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chậm được xử lý dứt điểm.

Bốn là công tác quản lý, sử dụng vốn vay, kiểm soát khoản vay của chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước; kiểm soát bội chi ngân sách và tính bền vững của bảo đảm an toàn nợ công; nguyên nhân thu từ 3 khối doanh nghiệp liên tiếp nhiều năm không đạt dự toán.

Năm là việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại một số địa phương; thể chế điều phối phát triển kinh tế theo vùng, sự phối hợp giữa các địa phương trong ban hành và thực hiện chính sách thu hút xúc tiến đầu tư, ưu tiên các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh.

Sáu là việc xây dựng và hình thành phát triển thị trường vốn đầu tư mạo hiểm, thị trường chứng khoán phái sinh và tín dụng tiêu dùng; cơ cấu lại bộ máy quản lý thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm đáp ứng yêu cầu phát triển mới; quan tâm bảo vệ người sử dụng các dịch vụ tài chính.

Cuối cùng là kết quả của việc khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp, thiết lập khung pháp lý cho thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp về quyền sử dụng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Tin mới lên