Tài chính tiêu dùng

5.000 tỷ chặn tín dụng đen: Lo rơi vãi, bị lợi dụng

Đánh giá cao gói tín dụng NHNN đưa ra song chuyên gia lo ngại, nếu quản lý, giám sát không chặt, gói tín dụng có thể bị làm rơi vãi, lợi dụng.

5.000 tỷ chặn tín dụng đen: Lo rơi vãi, bị lợi dụng

Ngân hàng Nhà nước dự kiến đưa ra gói tín dụng cho vay tín chấp khoảng 5.000 tỷ đồng

Trước tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen bùng phát dữ dội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến đưa ra gói tín dụng cho vay tín chấp khoảng 5.000 tỷ đồng do Agribank triển khai nhằm phục vụ nhu cầu vay cấp bách của người dân, nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc của tín dụng.

Theo yêu cầu của lãnh đạo NHNN, cơ chế cho vay gói tín dụng này phải nhanh, có thể xét duyệt trong 1 ngày và mức cho vay tối đa khoảng 30 triệu dồng, lãi suất cho vay cũng được tính toán hợp lý.

TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam, đánh giá gói tín dụng cho vay tín chấp 5.000 tỷ đồng nói trên rất có ý nghĩa và thiết thực, có thể giúp cho những đối tượng thấp nhất trong xã hội, vốn không có điều kiện tiếp cận vốn, có thể vay được tiền mà không cần quá nhiều thủ tục, yêu cầu.

"Thông thường, những người dân nghèo không có trình độ như các đối tượng khác, việc đáp ứng các điều kiện cho vay như tài sản thế chấp bị yếu thế, họ cũng không đủ khả năng trả những khoản vay có lãi suất cao. Vì thế, nếu NHNN giảm được những yêu cầu này đi sẽ giúp người dân tiếp cận vốn nhanh hơn, nhiều hơn và tốt hơn.

Cho vay tín chấp có điều kiện rất đơn giản. Chỉ cần chứng minh nhân dân hoặc trình bày qua tổ vay vốn và họ xác nhận là được. Nếu thực hiện tốt, nó sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi, giải quyết nhu cầu vay vốn của người dân, phù hợp với hướng vay của ngân hàng là đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân", TS Cao Sĩ Kiêm nhận xét.

Dù vậy, nguyên Thống đốc NHNN cũng chỉ ra rằng, gói tín dụng 5.000 tỷ đồng mà NHNN đưa ra là quá ít so với nhu cầu vốn của người dân, vì thế, nếu không quản chặt thì nguy cơ bị rơi vãi, lợi dụng là không tránh khỏi.

"Khi nhu cầu rất cao mà số vốn đáp ứng được lại quá ít nên khả năng bị lợi dụng, làm méo mó đi có thể xảy ra nếu Nhà nước không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, không có quy định rõ ràng, không giáo dục cho người dân và tổ chức tín dụng triển khai gói tín dụng này một cách công khai, công bằng.

Khi ấy, vì lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm, số tiền rất dễ rơi vào tay một số người hay một nhóm người hẩu cánh, bị tranh thủ, làm sai lệch, khiến đối tượng cho vay không đúng và chính sách sẽ mất đi ý nghĩa ban đầu", ông Kiêm cảnh báo.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng lưu ý nguy cơ ngân hàng bắt tay với tín dụng đen là hoàn toàn có thể xảy ra nếu không giáo dục, giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời.

"Không chỉ có lợi ích cuả người cho vay mà cả người vay cũng sẵn sàng cấu kết với nhau hoặc vì ngân hàng vì lợi ích của mình, muốn lợi nhuận cao, có thành tích mà làm xiên xẹo đi.

Cũng có trường hợp người ta dùng thủ thuật để lấy được vốn này, tranh thủ cấp này cấp kia, làm thoái hóa, biến chất một số bộ phận phục vụ dịch vụ, hay cũng có trường hợp người vay sử dụng không đúng mục đích.

Nếu tổ chức tín dụng và NHNN không lường trước được, không quản lý chặt chẽ từ đầu, giáo dục cán bộ triệt để, dân không nhận thức được thì hiện tượng trên rất dễ xảy ra.

Chính vì thế, phải kiểm tra, giám sát, quản lý chặt, đồng bộ ngay từ khâu quyết định được vay, phát tiền, kiểm tra, sử dụng mức vay và xử lý khi có vi phạm hoặc tổng kết, động viên những người làm tốt để nêu gương. Biện pháp không mới nhưng cần thiết để triển khai gói tín dụng cho hiệu quả, thực hiện được mục tiêu, mục đích của NHNN và Chính phủ", TS Cao Sĩ Kiêm nói.

Một vấn đề khác được nguyên Thống đốc NHNN lưu ý, NHNN mới đang chỉ "tuyên chiến" với tín dụng đen bằng vũ khí tín dụng. Trong khi đó, theo dự báo, tín dụng năm 2019 chỉ tăng trưởng 15% cho cả nền kinh tế, vậy NHNN sẽ lấy đâu ra vũ khí để chiến đấu? Trong khi đó, thống kê sơ bộ, lượng tín dụng đen trong nền kinh tế đang tồn tại ước hàng chục ngàn tỷ đồng.

Để giải quyết tình trạng này, theo TS Cao Sĩ Kiêm, ngân hàng có thể tăng vốn cho vay lãi suất thấp, cho vay người nghèo, hạn chế cho vay các dự án lớn lãng phí, chi phí cao, không mang lại lợi ích thiết thân cho người lao động nhiều.

"Việc này do điều hành của Chính phủ và NHNN maf vẫn giữ mức tăng tín dụng, đảm bảo kiềm chế lạm phát", ông nói.

>>> Xem thêm: Ngân hàng và công an hợp lực chống tín dụng "đen"

Tin mới lên